Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trách nhiệm của cấp nào, cấp đó phải giải quyết

08:11 | 06/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại cuộc tiếp xúc cử tri tại TP.Hải Phòng (5/8), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Đảng bộ, chính quyền TP.Hải Phòng cùng các bộ, ngành TƯ xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng phát biểu làm rõ các vấn đề được cử tri Thành phố đề cập tại cuộc tiếp xúc sáng nay, 5.8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Đảng bộ, chính quyền TP Hải Phòng cùng với các bộ, ngành của Trung ương khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng để trình Quốc hội xem xét, trong đó, cần nghiên cứu đề xuất cả về mô hình chính quyền đô thị, các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, về quy hoạch, quản lý đất đai… Ghi nhận các kiến nghị liên quan đến một số vướng mắc cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết.

Với khoảng 5.000 cử tri tham gia tại hơn 200 điểm cầu từ Nhà Quốc hội, hội trường trung tâm TP Hải Phòng và tại các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố, cử tri Hải Phòng đánh giá cao những kết quả của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, đồng thời đề xuất nhiều vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới về: chiến lược phát triển đô thị, cơ chế chính sách đặc thù cho TP Hải Phòng, đầu tư công, tỷ lệ điều tiết ngân sách…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trách nhiệm của cấp nào, cấp đó phải giải quyết - ảnh 1

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Kỳ họp đặc biệt

Sau khi lắng nghe ý kiến của cử tri Thành phố, thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn Thành ủy, HĐND, UBND và MTTQ các cấp TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc tiếp xúc cử tri rất đặc biệt theo hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp, tiếp nối cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được áp dụng từ đợt tiếp xúc cử tri vận động bầu cử vừa qua.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn cử tri Hải Phòng đã theo dõi, ghi nhận và đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Nhất – một Kỳ họp để lại dấu ấn đặc biệt không chỉ bởi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, với khối lượng công việc phải xem xét, quyết định vô cùng lớn, hệ trọng mà còn ở sự chủ động, đổi mới, linh hoạt trong cách thức làm việc, tiến hành kỳ họp và sự nỗ lực, tập trung, đồng hành, phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội, Chính phủ. “Các cơ quan của Quốc hội đã làm việc xuyên trưa, xuyên tối trên tinh thần làm hết việc chứ không làm hết giờ. Có những văn bản được lãnh đạo Quốc hội ký lúc 2 giờ sáng, có những văn bản được ký lúc 5h sáng để kịp hoàn thiện trình Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội đã làm việc tận tụy, bắt nhịp rất nhanh với yêu cầu công việc của Quốc hội với khát khao cống hiến, đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Phát triển đô thị phải đi liền với kinh tế đô thị

Theo Chủ tịch Quốc hội, với 8 ý kiến phát biểu, cử tri thành phố đã đề cập đến những vấn đề rất lớn, rất toàn diện đang đặt ra đối với sự phát triển của Thành phố Cảng, của đất nước, trong đó có những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Trung ương và những vấn đề liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của Thành phố.

Trong đó, về chiến lược phát triển đô thị được nhiều cử tri đề cập, Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là hết sức coi trọng chiến lược, tư duy, tầm nhìn, công cụ và chính sách để phát triển đô thị và kinh tế đô thị. Nêu rõ, chiến lược phát triển đô thị và kinh tế đô thị là vấn đề lớn của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương triển khai xây dựng Đề án về vấn đề này, hướng đến ban hành một nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị trong năm nay để triển khai thực hiện. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng đang tích cực đóng góp ý kiến để Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận đề xuất của cử tri về việc lựa chọn một số thành phố lớn, có điều kiện phát triển để xây dựng chiến lược căn cơ, bài bản với mục tiêu đến trước năm 2045 sẽ vào nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới, giữ vai trò là trung tâm của mạng lưới đô thị quốc gia và xuyên quốc gia, kết nối những dòng chảy về vốn, công nghệ, hàng hoá, dân số và các lĩnh vực văn hoá – xã hội của Việt Nam và thế giới. Điều rất mừng là hiện nay, trong các Nghị quyết của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ… đều xác định tầm nhìn rất dài với tư duy phát triển mạnh mẽ, trong đó, Hải Phòng có khát vọng rất lớn và đặt quyết tâm chính trị rất cao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền TP Hải Phòng cùng với các bộ, ngành của Trung ương khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng để trình Quốc hội xem xét, trong đó, cần nghiên cứu đề xuất cả về mô hình chính quyền đô thị, các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách, về quy hoạch, quản lý đất đai…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Trách nhiệm của cấp nào, cấp đó phải giải quyết - ảnh 2

Rà soát quỹ đất để bổ sung nguồn lực đầu tư

Ghi nhận kiến nghị của cử tri về tỷ lệ điều tiết ngân sách cho địa phương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBND TP Hải Phòng đề xuất cụ thể với Bộ Tài chính, Chính phủ, trên cơ sở cân đối tổng thể của cả nước để xem xét, quyết định. “Điều quan trọng nữa là cơ chế, chính sách để Hải Phòng có thể khai thác, bảo đảm nguồn thu bền vững”. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Hải Phòng cần đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, tinh gọn bộ máy để tăng thêm nguồn lực đầu tư phát triển. Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho UBND Thành phố rà soát lại tất cả các dự án BT còn được phép hoạt động. Với các dự án BT đã có cân đối quỹ đất để bố trí đối ứng mà hiện nay không được phép thực hiện nữa và chuyển sang đầu tư công thì cũng cần rà soát lại để tạo được quỹ đất sạch, đấu giá quyền sử dụng đất. Việc này sẽ bổ sung thêm nguồn lực đầu tư công cho TP Hải Phòng bởi thực tế như tại TP Hà Nội, theo tính toán sơ bộ, nhờ rà soát quỹ đất của các dự án này đã có thêm được 25.000 tỷ đồng cho đầu tư công trung hạn giai đoạn tới.

Về kiến nghị sửa đổi Luật Đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Luật Đầu tư công vừa được sửa đổi vào năm 2019 và có hiệu lực vào năm 2020. Nhờ tháo gỡ vướng mắc về pháp luật và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, lần đầu tiên trong năm 2020, tỷ lệ giải ngân đầu tư công trên cả nước đã đạt tới 98%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do nhiều yếu tố tác động, nhất là do đại dịch Covid – 19, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt rất thấp.

Hải Phòng là một trong những đại phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công rất cao, tăng trưởng kinh tế của Thành phố trong thời gian vừa qua rất tốt. 6 tháng đầu năm nay, GRDP đạt 13,52%, gấp hơn 2 lần trung bình của cả nước và đứng thứ tư cả nước, thu ngân sách tăng 56,3%... Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trước mắt, trên cơ sở pháp luật hiện hành, Hải Phòng cần tiếp tục tập trung đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật về đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư công – tư, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp… Nếu cần thiết, vướng do luật thì có thể sử dụng một luật để sửa đổi một số luật, nếu vướng ở nghị định, thông tư thì có thể sử dụng một nghị định, một thông tư để sửa đổi một số nghị định, một số thông tư. “Tinh thần là trách nhiệm của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri huyện Bạch Long Vĩ về việc xây dựng, nâng cấp cảng cá hiện tại thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khu vực phía Bắc và khu tránh, trú bão cấp vùng là rất cần thiết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị huyện phối hợp với Sở NN và PTNT xây dựng đề án, báo cáo UBND TP để sớm trình Chính phủ. Đoàn ĐBQH TP sẽ đeo bám, thúc đẩy để sớm hiện thực hóa mục tiêu này vì đây không chỉ là vấn đề phát triển kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng an ninh, bảo vệ hệ sinh thái biển...

Tại cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã trao đổi, làm rõ các nội dung được cử tri kiến nghị về: tiêu chí, nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng quy hoạch và chính sách để giải quyết vấn đề môi trường nông thôn, môi trường các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, thu gom, xử lý rác thải, nước thải ở đô thị và vùng nông thôn theo công nghệ mới; phát triển hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch, bảo tồn môi trường biển…

Theo Đại biểu Nhân dân