PV: Ông đã có 30 năm xây dựng và phát triển doanh nghiệp với triết lý 3 chữ Win. Ông có thể nói rõ hơn về triết lý này của mình?
Ông Phạm Đình Đoàn: Tôi thành lập doanh nghiệp vào những năm 1993, đây cũng có thể coi là thời điểm đầu hình thành 1 lớp doanh nhân tư nhân mới ở thời điểm đó. Ở thời điểm đầu doanh nghiệp của tôi cũng chỉ có vốn khoảng hơn 50 triệu, cỡ vài ngàn USD và triết lý kinh doanh cũng khác.
Bây giờ, chúng ta thường nghe nhiều về thuật ngữ Win – Win trong kinh doanh, có thể hiểu ngắn gọn là 2 bên cùng có thắng lợi trong mỗi lần kết hợp với nhau. Cá nhân tôi thì hướng đến 3 chữ win là lợi ích của nhà đầu tư, của đối tác và chữ win thứ 3 là cho xã hội. Chúng ta nên cân đối 2 chữ win đầu để dành một phần nào đó có lợi cho xã hội.
Tôi nghĩ rằng bất cứ ai cũng cần đóng góp cho việc phát triển quốc gia, xã hội và là doanh nhân càng cần phải có khát khao này. Một người doanh nhân được gọi là thành công hay thành đạt là phải giúp được nhiều người thành công như mình hoặc hơn mình qua đó xã hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ cộng đồng những người thành công đó.
PV: Triết lý kinh doanh đã thay đổi vậy việc quản trị doanh nghiệp cũng ông cũng được điều chỉnh?
Ông Phạm Đình Đoàn: Theo cá nhân tôi, điều này là đương nhiên! Như bạn đã biết mọi thứ hiện nay đều biến động rất nhanh đòi hỏi người lãnh đạo cũng cần cập nhật rất nhiều thông tin cũng như kiến thức. Bản thân tôi, một ông lão U60 cũng vẫn tiếp tục học để không bị tụt hậu. Việc học không chỉ trên trường lớp mà con qua các lần tiếp xúc với đối tác hay những lần gặp gỡ ngay cả với các nhân viên của doanh nghiệp mình đang quản lý.
Trong vài năm trở lại đây chúng ta (Việt Nam – PV) đã nâng tầm quan hệ với nhiều quốc gia lớn điều này cũng mở ra rất nhiều cơ hội với cộng đồng doanh nhân tư nhân như chúng tôi. Với việc hội nhập như hiện nay nhiều cơ hội mới có thể nói là chưa từng có sẽ đến với các doanh nghiệp của chúng ta đòi hỏi người lãnh đạo phải am hiểu và đưa ra những quyết sách kịp thời.
Đối với cá nhân tôi trước đây những quyết định của tôi thường dựa trên 50% tham khảo các nguồn tin từ đồng nghiệp và cộng sự nhưng với sự biến động như hiện nay tỷ lệ này đã thay đổi khá nhiều. Hiện tại, tỷ lệ tham khảo ý kiến của những người đồng nghiệp, chuyên gia trước khi ra quyết định của tôi lên tới 70%. Việc lắng nghe nhiều hơn trong thời gian vừa qua cũng giúp “tốc độ” giải quyết công việc của doanh nghiệp cải thiện hơn rất nhiều.
Ngoài ra, việc này cũng giúp tôi giải phóng được nhiều thời gian qua đó tái đầu tư vào việc học thêm những kiến thức mới.
PV: Được biết năm 2024 tới đây sẽ là "năm tuổi" đối với ông, khá nhiều người thường có tâm lý e ngại điều này và hạn chế làm việc lớn. Điều này có ảnh hưởng đến những kế hoạch của ông hay không?
Ông Phạm Đình Đoàn: Rất cảm ơn câu hỏi thú vị của anh, cá nhân tôi thì ít tin vào những điều này. Tôi tin vào bản thân và năng lực của mình nhiều hơn. Tôi tin rằng những người có thực lực tốt sẽ ít bị chi phối bởi những ngoại cảnh. Như tôi đã nói ở trên, chúng ta đang hội nhập rất sâu rộng do đó đang đứng trước nhiều cơ hội lớn nếu vì e ngại “năm tuổi” hay những quan niệm khác sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt đang đến.
Thứ chúng ta hay những người doanh nhân cần phải lo lắng hay e ngại nhất chính là ‘nội lực’ của bản thân. Nếu cơ hội đến mà ‘nội lực’ không đủ đáp ứng thì thật sự rất đáng tiếc. Trong cuộc đời của những người làm kinh doanh không phải lúc nào cũng có nhiều cơ hội tốt. Nếu nắm bắt được cùng với đó thực lực bản thân tốt và đáp ứng được có thể vươn lên rất nhanh. Còn nếu không nắm bắt được thì chúng ta có thể phải chờ đợi rất lâu.
PV: Nếu có thể gửi lời khuyên đối với những lớp doanh nhân đi sau, ông sẽ gửi gắm điều gì?
Ông Phạm Đình Đoàn: Tôi cho rằng người Việt Nam có đức tính rất quý báu là tinh thần yêu nước. Đã bước trên con đường này (làm doanh nhân – PV) thì càng phải yêu nước và có khát vọng cống hiến nhiều hơn cho tổ quốc. Với việc đặt khát vọng cống hiến cho đất nước, xã hội lên trước thì tôi tin rằng các bạn doanh nhân sẽ luôn có hành động, hướng đi đúng đắn.
Những doanh nhân lứa trước như tôi, anh Bình (Trương Gia Bình – PV) hay anh Chính (Nguyễn Trung Chính – PV) hay lớp lớp doanh nhân hiện nay đều yêu nước và mong muốn cho quốc gia được hưng thịnh. Việc của tôi, những người đi trước hay các bạn doanh nhân hiện nay có lẽ là làm sao để đoàn kết hơn nữa tận dụng tốt nhất những cơ hội tới đây để nâng vị thế kinh tế, xã hội của quốc gia.
Một lần nữa tôi muốn nhắc lại và hy vọng rằng: Chúng ta, những người doanh nhân cần có lòng yêu và khát vọng cống hiến thật nhiều cho đất nước!
PV: Xin cảm ơn ông!