Chủ tịch Thiên Long Cô Gia Thọ: Những thứ sản sinh ra chỉ vì hợp thời cuộc sẽ chóng tàn cùng với thời cuộc

Lê Thị Thu Hà 14:09 | 06/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công nghệ vốn sinh ra để phục vụ mục tiêu doanh nghiệp, tự nó không phải là một mục tiêu', Chủ tịch Thiên Long Cô Gia Thọ chia sẻ.

Ông Cô Gia Thọ chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số của Thiên Long. (Ảnh: TLG)

Vượt qua đại dịch n kinh nghiệm 'chinh chiến' 40 năm

Đầu tháng 12, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, cùng các bên liên quan đã tổ chức buổi talkshow online với chủ đề: “Lãnh đạo và Chiến lược bẻ gãy trong chuyển đổi số". Trong chương trình ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Thiên Long, với tư cách là khách mời, đã chia sẻ những kinh nghiệm của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Ông Thọ cho biết dù gặp khó khăn trong đại dịch, song với kinh nghiệm 40 năm thành lập và phát triển của công ty đã giúp Thiên Long vẫn đứng vững đến bây giờ. "Chúng tôi được thành lập năm 1981 - thời kỳ đất nước còn gặp nhiều khó khăn. 

Cũng giống như một số doanh nghiệp lâu đời, xuất phát từ một hộ gia đình nhỏ rồi lớn mạnh dần lên, từ cơ sở kinh doanh cá thể đến cơ sở sản xuất, công ty TNHH rồi doanh nghiệp đại chúng. 

Trong quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, đây là một sự may mắn mà Thiên Long được hưởng thụ và giúp doanh nghiệp học hỏi rất là nhiều."

Theo vị chủ tịch, do trải qua thời kỳ đất nước đổi mới kinh tế nên Thiên Long đã quen với thích ứng hoàn cảnh. "Tuy dịch bệnh khó khăn nhưng Thiên Long cũng đã quen rồi, giờ có võ rồi". 

Tự tạo ra chuỗi cung ứng riêng

Ông Thọ khẳng định điều làm nên sức mạnh của Thiên Long trong đại dịch lần này là con người chuyên nghiệp cộng với chiến lược quản trị có hệ thống. Từ lâu, Thiên Long đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất, tạo nên một hệ sinh thái rộng lớn phục vụ cho hoạt động của tập đoàn.

"Thiên Long làm hệ thống từ rất là sớm. Từ 2010, tôi đã làm EIP (Cổng thông tin doanh nghiệp) nhờ nhân sự Thiên Long làm rất chuyên nghiệp. Phải nói phòng R&D của Thiên Long đã làm tốt. Từ đó giúp chúng tôi tự tạo ra một chuỗi cung ứng riêng. Trong bút thì có mực, đầu viết là quan trọng và Thiên Long đã tự sản xuất được", Chủ tịch Cô Gia Thọ nói.

Lãnh đạo của Thiên Long lấy dẫn chứng cách đây 20 năm, Thiên Long vẫn phải đi mua máy móc thiết bị để sản xuất bút bi thì ở hiện tại, doanh nghiệp đã có thể tự tạo ra chuỗi cung ứng riêng nhờ sớm đầu tư vào công nghệ, điều này đã làm giảm bớt tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp Thiên Long vẫn có doanh số và lợi nhuận trong đại dịch dù không bằng những năm chưa có dịch bệnh.

Ngoài ra, ông Thọ cho biết Thiên Long cũng sở hữu hệ sinh thái bán hàng rộng lớn và đa dạng từ B2B, B2C,... đến cả thị trường TMĐT ở cả trong và ngoài nước. Hiện sản phẩm của Thiên Long được xuất đến 60 quốc gia trên toàn thế giới.

Quản trị con người là quan trọng nhất

Với một hệ thống sản xuất và phân phối lớn như vậy, Chủ tịch Cô Gia Thọ cho biết Thiên Long rất chú trọng vào đội ngũ nhân lực quản trị - những người trực tiếp vận hành, đảm bảo cho bộ máy hoạt động hiệu quả.

"Chúng tôi thường gọi bút bi là pocket money hay tiền lẻ, ngày xưa học sinh đi học chỉ cần nhịn một bữa xôi là có thể mua được. Như vậy, biên lợi nhuận rất là nhỏ và việc chuyển đổi số thì cũng cần phải đầu tư. Tôi nghĩ các anh em trong Thiên Long đã rất cố gắng và đấy chính là nội lực của Thiên Long".

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, chủ tịch tập đoàn Thiên Long cho rằng bất kể công nghệ hay con người thì đều sẽ phải thay đổi. "Chắc là chúng ta cũng hiểu từ xưa đến giờ, công nghệ đều bị thay đổi, con người cũng trở thành thiên cổ. 

Bây giờ, tôi đã có thể xài iPhone 12 thay thế cho những dòng sản phẩm trước đó. Các bạn cũng biết rồi đấy, con người ai cũng có khát khao để tồn tại và vươn lên, nếu không có điều đó thì sẽ không bao giờ có sự thay đổi, cải biến trong tương lai", ông Thọ chia sẻ.

Ông cho rằng trọng tâm chuyển đổi số của Thiên Long vẫn là con người, không phải là kỹ thuật hay công nghệ số. "Ai cũng nghĩ chuyển đổi số thì phải biết nhiều số nhưng không phải. Là một doanh nghiệp cần phải phục vụ cho con người của mình trước, trở nên thông minh hơn, giỏi hơn, làm tiết kiệm hơn".

Chủ tịch Thiên Long cho hay lãnh đạo luôn là người dẫn dắt để nhân viên của mình có thể sử dụng công cụ số một cách tốt hơn, tránh gặp rủi ro. Do đó luôn đề cao gắn kết trong nội bộ bên đó là tinh thần tự chủ, khả năng lãnh đạo của từng nhân sự.

"Nếu con người không có sự tự chủ, chỉ làm theo lệnh thì không có mang lại hiệu quả", Chủ tịch Cô Gia Thọ nói.

"Cái gì làm theo hợp thời thì cũng mau tàn"

Về chiến lược bẻ gãy trong chuyển đổi số của Thiên Long, Chủ tịch Cô Gia Thọ cho rằng các doanh nghiệp không nên chạy đua theo những xu hướng nhất thời. Thay vào đó, họ cần phải mạnh dạn tư duy theo hướng mới, tập thích nghi với hoàn cảnh và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

"Ví dụ nếu nói chuyển đổi số là một quyết định hợp thời thì chúng ta cần phải bẻ gãy cái tư tưởng đó liền. Mình phải biết rằng mục đích chuyển đổi số là vì cái gì, cuối cùng phải giúp cho doanh nghiệp của mình phát triển hiệu quả, tối ưu hơn, đó mới là cách chuyển đổi số. 

Người ta nói đừng có làm theo tư duy hợp thời vì những cái gì sản sinh cho hợp thời thì cũng mau tàn", ông Thọ chia sẻ chiến lược chuyển đổi số của Thiên Long. 

Theo Chủ tịch Cô Gia Thọ, thay vì tư duy chạy theo xu hướng chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải xác định mục tiêu và chiến lược rõ ràng để đem lại hiệu quả lâu dài. Ông Thọ đề cao sự thích ứng và tư duy luôn hướng về giá trị vững bền trong tương lai.

Đối với một doanh nghiệp chuyên về sản xuất như Thiên Long, Chủ tịch Cô Gia Thọ cho rằng công nghệ không phải là tất cả. "Công nghệ chỉ là công cụ, phục vụ cho mình. Thành thử ra mình cần phải sử dụng chuyển đổi số làm sao để đạt được mục tiêu mong muốn", Chủ tịch Thiên Long nêu quan điểm.