Chủ tịch VCCI: Chả nhẽ cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng có chu kỳ như… chu kỳ kinh tế?
“Thống kê của chúng tôi cho thấy, mỗi năm có khoảng 10-20 bộ luật mới ra đời, khoảng 200 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị của Chính phủ, số còn lại là của các bộ ngành”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh
Chủ tịch VCCI ghi nhận thời gian qua, nhiều văn bản có tính “cởi trói” cho doanh nghiệp đã được ban hành. Trong đó, Bộ Công Thương là Bộ đi đầu, sau đó là Bộ Y tế với Nghị định 15 về an toàn thực phẩm với hơn 90% thủ tục hành chính được bãi bỏ.
Tuy nhiên, theo ông Lộc, vẫn chưa có sự đồng đều trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh. Có Bộ tích cực, có Bộ trì trệ. Các bộ ngành chưa “đều tay” trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh.
“Cách đây hai năm, vào tháng 6/2016, VCCI đã tổ chức hội thảo đầu tiên về điều kiện kinh doanh. Tại hội thảo này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cho rằng, các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo đang… bóp chết doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Từ thời điểm đó đến nay, VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức hiệp hội đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh ngặt nghèo này. Với tinh thần cải cách cầu thị sửa đổi, Bộ Công Thương đã bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh bất hợp lý tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp gửi thư tới Chính phủ để cảm hơn khi Nghị định 87/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 19/2016/NĐ-CP được ban hành”, Chủ tịch VCCI nói.
Trên thực tế việc thực hiện chính sách sẽ có độ trễ nhất định nhưng theo quan sát của Chủ tịch VCCI thì lý do chính nằm ở sự chủ động ở bộ ngành, trở ngại hiện nay nằm ở các vụ cục, chuyên viên... thực hiện cải cách. Đây chính là điểm cản trở chính.