Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Covid-19 là phép thử đối với đội ngũ doanh nhân!

10:03 | 27/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Covid-19 là phép thử đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động.

Không thể phủ nhận “cơn bão” Covid-19 đã, đang và sẽ còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu. Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng . Theo số liệu thống kê, quý I năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước đạt 3,82%, quý II giảm còn 0,39%, quí III tăng trở lại đạt 2,62%, đưa con số tăng trưởng của 9 tháng năm 2020 lên 2,12%. Mặc dù tăng trưởng vẫn là một con số dương, nhưng đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của các năm trong giai đoạn 2011-2020 và là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng dương.

Theo kết quả điều tra đột xuất của Tổng cục Thống kê về tác động của dịch Covid-19 tới doanh nghiệp (lần 1) cho thấy, đến 20/4/2020, với 126.565 doanh nghiệp tham gia trả lời, có tới 85,7% số doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%.

Tuy nhiên, “thảm hoạ toàn cầu” mang tên Covid-19 không thể nhấn chìm đi tất cả. Ngược lại, nó như một liều thuốc để “đo sức khoẻ” và sự sáng tạo để các doanh nghiệp khẳng định được vị thế, trong đó có doanh nghiệp ngành xây dựng. Trong bối cảnh Covid-19 bủa vây nhưng với tinh thần luôn “chinh phục những đỉnh cao”, một số doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn vươn lên trở thành “điểm sáng” đảm bảo bền vững mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Covid-19 là phép thử đối với đội ngũ doanh nhân! - ảnh 1

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 cũng là dịp để doanh nghiệp cấu trúc lại hoạt động theo xu thế của thời đại. Đây cũng là phép thử đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động.

“Việc duy trì, trụ vững của doanh nghiệp và có thể phát triển sau đại dịch như thế nào, một mặt phụ thuộc vào môi trường kinh tế, nhưng một mặt phụ thuộc vào chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Trong giai đoạn ngắn hạn này, điều quan trọng đối với doanh nghiệp là phải tiết giảm chi phí, cố gắng giữ công ăn việc làm cho người lao động bằng nhiều biện pháp. Đợt khủng hoảng này, thị trường thế giới sẽ được tái cấu trúc lại. Các nền kinh tế sẽ chú trọng bảo vệ thị trường trong nước nhiều hơn” - ông Vũ Tiến Lộc nói.

“Theo cá nhân tôi nhận định, Chính phủ đã và đang đưa ra những chính sách rất kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng Chính phủ sẽ xem xét đến việc là giải quyết một cách triệt để trong vấn đề pháp lý và thủ tục của dự án mới, để có thể hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong trung và dài hạn” – tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Hoài Thương, đại diện Công ty TNHH Nestle Việt Nam thừa nhận dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình sản xuất, phát triển của doanh nghiệp.

“Có thể nói, đại dịch Covid-19 như một phép thử đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

Trở lại câu chuyện về giãn cách xã hội, nói về khả năng thích ứng của giới DN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng nhận định, qua các đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó thì các DN cũng đã “thấm đòn” và có cơ hội để đầu tư từ thay đổi nhận thức cho đến việc tái cấu trúc toàn bộ chuỗi cung ứng của mình, cũng như nâng cấp lên những khâu mà bản thân DN yếu thật sự.

Theo ông Dũng, điều mà ông kỳ vọng là từ nhân sự, công nghệ, tài chính, thị trường, những hợp đồng giao dịch mua bán của các DN sẽ được nâng cấp cao hơn. Và như vậy, nguyên cả chuỗi trong phát triển, trong điều kiện bối cảnh mới sẽ là cơ hội để các DN có trách nhiệm với nhau hơn, tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn, sẽ cung cấp nhiều hơn lượng sản phẩm cho toàn xã hội.

Còn theo bà Cáp Thị Minh Trang (Giám đốc Nhân sự khu vực Việt Nam-Campuchia và mảng an toàn năng lượng khu vực Đông Á – Nhật Bản của  công ty Schneider Electric), khi ứng phó với Covid-19 thì bản thân DN của bà đã nhấn mạnh vào góc độ con người và khâu tổ chức.

Bà Trang chỉ ra bốn trọng tâm trong cách ứng phó của Công ty Schneider Electric tại Việt Nam, đó là sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, an toàn chức nghiệp, kinh doanh liên tục và bền vững, tăng trưởng, tăng tốc hậu Covid-19.

“Quan trọng là chúng tôi không chỉ chú trọng ứng phó với thách thức hiện tại, mà còn chủ động chuẩn bị để hồi phục và tăng trưởng trong tương lai”, bà Trang nói.

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta đang thích ứng nhanh với thời cuộc. Đây cũng là điều mà nhiều người kỳ vọng ở lớp doanh nhân mới, những người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế cho đất nước.

Nhật Anh (TH)