Chủ tịch VIC - Phạm Nhật Vượng: VinFast sẽ sớm có lãi
VinFast trên đường đạt điểm hoà vốn và sẽ sớm có lãi
Theo đó, ông Vượng cho biết khi sản lượng tăng cao, VinFast sẽ tối ưu chi phí và dần có lãi. Thu hồi vốn cho VinFast sẽ theo 2 hình thức là từ sản xuất kinh doanh và huy động thêm vốn.
“Nếu định giá 23 tỷ USD sau khi niêm yết với mức đầu tư 8 tỷ thì chi phí đó không phải quá lớn. Đợi khi thị trường sầm uất trở lại, VinFast có đầy đủ dải sản phẩm, kinh doanh có lãi thì sẽ sớm mang lại niềm vui về tài chính cho mọi người”, ông Vượng nói.
Năm qua, VinFast đã vươn lên thành hãng xe thuần điện hàng đầu khu vực với dải sản phẩm xe điện đa dạng, gồm ô tô điện (phủ đủ các phân khúc từ A, B, C, D, E); xe máy điện (14 mẫu từ bình dân đến cao cấp); xe buýt điện và hệ thống cổng sạc điện hiện diện khắp các tỉnh thành trên toàn quốc tại Việt Nam. Với chiến lược “Xe tốt – Giá tốt – Hậu mãi cực tốt”, năm 2022, VinFast đã bán được 24 nghìn ô tô tại Việt Nam và xuất khẩu lô xe 999 chiếc đầu tiên ra thị trường quốc tế, chính thức trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu. Bên cạnh đó, xe máy điện VinFast giữ vững vị trí số 1 trên thị trường, với doanh số 60 nghìn xe bán ra trong năm 2022.
"VinFast hướng đến xây dựng một thương hiệu công nghệ đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng, được quan tâm trên trường quốc tế. Nếu kinh doanh kiếm tiền thì Vingroup không dại gì lao vào một lĩnh vực khó khăn gian khổ đến thế. Nếu dễ thì cũng không đến lượt chúng ta làm. Chúng tôi quyết định làm VinFast là vì trách nhiệm xã hội và lòng yêu nước của mình", ông Phạm Nhật Vượng khẳng định.
Theo hồ sơ VinFast gửi lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), tính đến ngày 31/12/2022, khoảng 8,2 tỷ USD đã được Vingroup, các công ty liên kết và các bên cho vay bên ngoài tài trợ cho chi phí hoạt động và chi phí vốn của VinFast kể từ năm 2017.
Cuối tháng 4/2023, ông Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup thông báo sẽ tài trợ thêm 2,5 tỷ USD cho VinFast. Trong đó, ông Vượng sẽ hiến tặng thêm 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân và Vingroup sẽ rót cho VinFast khoản vay trị giá 1 tỷ USD trong vòng 5 năm. Vingroup cũng sẽ tài trợ không hoàn lại cho VinFast 500 triệu USD.
Như vậy, tổng số tiền đầu tư cho VinFast tính đến hiện tại đạt 10,7 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm nay, VinFast đã hoàn tất bàn giao tổng cộng 5.487 ô tô điện cho khách hàng Việt Nam. Trong đó, VF e34 là mẫu xe bán chạy nhất với doanh số 3.105 xe. Kế đến là 2.097 xe VF 8, 249 xe VF 9 cùng với 36 xe VF 5 Plus.
Không lý do gì bỏ 500 - 700 triệu USD xây trạm sạc mà lại cho đối thủ dùng chung
Cũng trong cuộc họp, vị chủ tịch thẳng thắn chia sẻ rõ ràng về kế hoạch 10 năm với trạm sạc của hãng. Cụ thể, khi cổ đông đặt câu hỏi về việc liệu VinFast cho các hãng xe điện khác dùng chung trạm sạc xe điện của mình hay không, ông Vượng đã trả lời: “Chúng tôi xác định chiến lược rõ ràng là sau 10 năm nữa sẽ cho các hãng xe khác dùng chung sạc. Hiện tại, không có lý do gì bỏ ra 500 – 700 triệu USD để xây dựng các hạ tầng mà lại cho các đối thủ dùng chung. Điều đó không đúng”.
Trước đó, trong video được đăng tải trên kênh YouTube chính thức, VinFast cũng từng làm rõ các vấn đề liên quan tới trạm sạc. Theo đó, hãng xe Việt đã nêu ra 9 điều cần lưu ý khi sạc xe tại trạm sạc VinFast, trong đó có một thông tin đáng chú ý là “Khách hàng sử dụng xe VinFast mới được phép sạc tại trạm sạc của VinFast”. Như vậy, có thể khẳng định trạm sạc xe điện VinFast chỉ cho xe điện của hãng này sạc.
Nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe điện thay cho phương tiện xăng dầu, giúp giảm lượng khí thải ra môi trường, VinFast phát triển hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam.
Với chiến lược phủ sóng trạm sạc, VinFast cho biết người dùng có thể dễ dàng tiếp cận mạng lưới trạm sạc phủ khắp toàn quốc. Nhà sản xuất nói rằng khi hết pin, xe sẽ tự động tìm kiếm và đề xuất trạm sạc gần nhất, hoặc khách hàng có thể tự tìm kiếm vị trí trạm sạc thông qua ứng dụng di động hoặc trên màn hình ô tô; đặt lịch sạc trước khi đến.