Chủ trương đầu tư 3 dự án lớn vào khu vực Tây Nguyên
Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.
“Nếu so với các vùng kinh tế khác, số vốn khoảng 1.250 tỷ đồng không lớn. Nhưng so với vùng kinh tế Tây Nguyên vào những năm trước, thì con số này rất đáng trân trọng”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Cùng với đó, Chính phủ đã ghi nhận rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm đầu tư vào khu vực Tây Nguyên. Thực tế, hiện có rất nhiều thỏa thuận ghi nhớ, với dòng vốn hàng tỷ đô la Mỹ có nhu cầu đầu tư trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thương mại, giao thông vận tải.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người của vùng Tây Nguyên vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước.
Những hạn chế, bất cập này nếu được khắc phục kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực còn chưa được khai được hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Tây Nguyên phát triển mạnh trong thời gian tới.
Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với một số trọng tâm mới trong việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông của Tây Nguyên, kết nối với các khu vực khác.
Theo đó, trong Nghị quyết này, Tây Nguyên sẽ được đầu tư phát triển 9 dự án giao thông quan trọng trong giai đoạn 2030-2045; trong đó, 5 dự án đường bộ quan trọng được chú trọng đầu tư là Quy Nhơn – Pleiku, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương và Gia Nghĩa – Nhơn Trạch.
Cùng với đó, nhiều dự án đã được xác định nguồn lực đầu tư. Đơn cử như dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đã được xác định sử dụng ngân sách của 2 địa phương là Khánh Hòa và Đắc Lắk, Bộ Giao thông Vân tải là chủ đầu tư…
“Tất cả các dự án hạ tầng này đều giúp Tây Nguyên kết nối các vùng kinh tế trọng điểm khác, nhất là vùng kinh tế Nam Trung Bộ. Các dự án này được kỳ vọng sẽ giúp Tây Nguyên phát triển du lịch trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên, dự kiến ngày 20/11, Chính phủ sẽ tổ chức sẽ công bố Chương trình hành động việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Với chủ đề “Phát triển xanh – Hài hòa – Bền vững”, Hội nghị sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, 500 đại biểu sẽ tham dự Hội nghị.
Hội nghị này còn là dịp để xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên; đồng thời, sẽ diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.