Chưa chú trọng bảo vệ môi trường: Mức thuế chưa điều chỉnh được hành vi tiêu cực

06:23 | 12/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là một trong những nhận định đáng chú ý của TS. Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội, Viện CIEM tại Hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam”, sáng 11/3.

Chưa chú trọng bảo vệ môi trường: Mức thuế chưa điều chỉnh được hành vi tiêu cực - ảnh 1

Nguồn: CIEM
Chưa phù hợp với thực tiễn bảo vệ môi trường

Kết quả nghiên cứu Dự án “Nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ rõ chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực  tiễn. Số thu từ các sắc thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra. Chỉ khi diễn ra các sự việc lớn tác động nguy hại đến môi trường thị mới có sự vào cuộc.

Giải thích rõ hơn về hạn chế này, TS. Nguyễn Mạnh Hải nhấn mạnh: Nguyên nhân chưa chú trọng bảo vệ môi trường là do các mức thuế hiện nay chưa điều chỉnh được hành vi tiêu cực. Do vậy, sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam là điều rất cần thiết.

“Phạm vi của nghiên cứu chưa đến mức đánh giá mức độ của từng sắc thuế, nhưng nhận xét chung ban đầu chúng tôi thấy là cần điều chỉnh hầu hết các mức thuế của các sắc thuế, có thể điều chỉnh nhỏ hoặc lớn, xuất phát từ thực tế hiện nay. Những ngành nào, những sản phẩm nào ảnh hưởng quá mức tới môi trường, chúng ta tập trung vào sản phẩm đó”, ông Hải trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo.

Chưa chú trọng bảo vệ môi trường: Mức thuế chưa điều chỉnh được hành vi tiêu cực - ảnh 2
TS. Nguyễn Mạnh Hải trả lời phỏng vấn bên lề Hội thảo. Ảnh: DNVN/Bảo Long. 
Nhằm khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh, Dự án “Nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam” đã đưa ra những khuyến nghị thông qua chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp như miễn thuế cho đất đồi, núi trọc dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, đất trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Khuyến khích sản xuất tiêu dùng xanh thông qua chính sách thuế giá trị gia tăng và hạn chế gây ô nhiễm môi trường thông qua chính sách thuế tài nguyên.

Về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, Dự án cho rằng cần được hoàn thiện cả về mức ưu đãi và thời gian ưu đãi nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch; khuyến khích phát triển vận tải công cộng.

Đồng thời, Dự án cũng khuyến nghị chính sách thuế bảo vệ môi trường thông qua việc tăng mức thu đồng thời áp dụng kết hợp mức thu tuyệt đối và mức thuế suất theo tỷ lệ phần trăm; mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để bao quát hết các sản phẩm gây tổn hại đối với môi trường.

Thuế có chồng thuế?

Trước câu hỏi nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đặt ra về việc sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh liệu có tạo ra thuế chồng thuế cho doanh nghiệp hay không, TS.Nguyễn Mạnh Hải cho rằng, bất cứ chính sách nào đều có mặt tích cực và mặt tác động không mong muốn. Chính sách cho tăng trưởng xanh cũng sẽ có những tác động không mong muốn.

Chưa chú trọng bảo vệ môi trường: Mức thuế chưa điều chỉnh được hành vi tiêu cực - ảnh 3
Nguồn: Internet. 
Ông Hải cũng chỉ dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy, vấn đề thuế môi trường, khuyến khích các hành động vì môi trường cũng như giảm thiểu gây hại môi trường, các nước đều áp dụng.

“Nếu chúng ta áp dụng đúng thì có thể có chính sách khuyến khích chứ không chỉ là xử phạt. Khi chúng ta có cách nhìn, có điều chỉnh chính sách hợp lý hơn thì sẽ mang lại kết quả tốt hơn. Chẳng hạn thuế môi trường đối với sản phẩm ni lông, sản phẩm phân bón, nếu thuế suất cao hơn thì ý thức bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn, tất nhiên, chúng ta cần có nghiên cứu tác động mức độ nào là mức độ hợp lý để làm sao, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn phát triển kinh tế, nuôi dưỡng để cho doanh nghiệp phát triển nhiều hơn vì doanh nghiệp chính là hạt nhân của nền kinh tế”, ông Hải phân tích.

Theo TS.Nguyễn Mạnh Hải, nghiên cứu để đưa ra công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam tức là tính đến việc sử dụng nguyên liệu và công nghệ ít sử dụng năng lượng hóa thạch nhiều hơn.

Về vấn đề này, kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á như Indonesia và Malaysia có thể áp dụng cho Việt Nam, sau khi đã có những đánh giá khách quan. Hai nước này đã có chính sách mạnh mẽ hơn cho các sản phẩm gây nguy hại cho môi trường và đặc biệt, họ kiểm soát được rõ ràng hơn mức độ gây ô nhiễm và khối lượng gây ô nhiễm của các doanh nghiệp.

“Tôi nói về túi nylon, hiện nay chúng ta sử dụng túi nylon tràn lan có nghĩa là biểu hiện đầu tiên của việc đánh thuế vào túi nylon chưa cao. Ở rất nhiều nước đã phải dùng túi vải, túi dùng nhiều lần. Đó không hẳn chỉ là ý thức người dân mà do các mức thuế cũng như mức chi phí mà họ phải trả cao hơn, dẫn đến việc điều chỉnh hành vi. Tôi hy vọng Việt Nam mình cũng như vậy”, ông Hải nói.