'Mức thuế 46% sẽ không áp dụng cho tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ'
Doanh nghiệp chưa nên quá hoang mang
Tại "Bàn tròn trực tuyến" do báo Dân Việt tổ chức ngày 3/4, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) chia sẻ: “Các doanh nghiệp chưa nên quá hoang mang, lo lắng vào lúc này vì tôi cho rằng Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế 46% cho tất cả các mặt hàng của Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ mà họ sẽ lựa chọn những mặt hàng nào đang xuất siêu hoặc nghi ngờ có xuất xứ nguyên liệu từ nước thứ ba như hàng điện tử, thép, nhôm, năng lượng tái tạo, dệt may, giày dép",…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT). Ảnh: Đại biểu Nhân dân.
"Đối với xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Mỹ, theo tôi, Mỹ có thể xem xét đến một số mặt hàng đang có lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm trong nước của họ như cá tra.
Đối với ngành hàng rau quả, hiện nay, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Mỹ nên tôi cho rằng sẽ không bị áp mức thuế này. Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi chúng ta nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD.
Tuy nhiên, trước những thay đổi chính sách thuế của Mỹ, theo tôi, các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn”, vị này nói tiếp.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus (Tập đoàn đa quốc gia đến từ Hà Lan) cho rằng, ông tin tưởng vào sự sáng tạo và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam.
“Việc chính quyền của ông Trump bất ngờ đưa ra mức thuế lên tới 46% cho hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi hiện nay, thị trường Mỹ đang chiếm 30% trong tổng lượng hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Để ứng phó với điều này, tôi cho rằng chúng ta sẽ phải điều chỉnh cách đàm phán với Mỹ. Bởi mục đích của họ chính là nhằm thúc giục các nước giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hoá của Mỹ; tăng nhập khẩu LNG (khí hoá lỏng), máy bay hoặc vũ khí do Mỹ sản xuất…”, ông Gabor Fluit chia sẻ.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus (Tập đoàn đa quốc gia đến từ Hà Lan) tin tưởng vào sự sáng tạo và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam. Ảnh: Dân Việt.
Cũng theo vị này, ở góc nhìn toàn cầu, không riêng gì Việt Nam bị ảnh hưởng mà hàng chục nền kinh tế khác cũng bị áp thuế cao, đơn cử Trung Quốc 54%, EU 20%; Ấn Độ 26%, Nhật Bản 24%...
“Với mức thuế cao ngất ngưởng này, sẽ làm tăng đáng kể giá thành hàng hoá khi xuất khẩu sang Mỹ, đồng nghĩa với việc các sản phẩm của chúng ta sẽ kém hấp dẫn hơn so với hàng hoá từ các quốc gia khác không bị áp thuế hoặc chịu mức thuế “dễ chịu” hơn.
Lâu nay các tập đoàn đa quốc gia cũng đã cân nhắc việc chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác để tránh thuế. Và với con số áp thuế 46%, có thể sẽ thúc đẩy điều này xảy ra nhanh hơn trong tương lai, điều đó sẽ ảnh hưởng đến việc làm, đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tôi rất tin tưởng vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam cũng như sự sáng tạo và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam khi bước vào các cuộc đàm phán mới với Chính phủ Hoa Kỳ”, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Cần phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”
Chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới ngày 4/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, trong cơ cấu xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam năm 2024, Mỹ dẫn đầu với kim ngạch xuất khẩu khoảng 13,8 tỷ USD, xuất siêu khoảng 10,8 tỷ USD.
Ông Tiến cũng cho biết ngành nông nghiệp sẽ xúc tiến để mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường.
"Ví dụ, thị trường Trung Quốc, chúng ta đang xuất khẩu nhiều thứ hai. Như Thủ tướng nói, nếu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tốt, rất nhiều mặt hàng nông sản khác có thể xuất khẩu qua, nhất là một số mặt hàng đã ký nghị định thư như sầu riêng đông lạnh, cá sấu, khỉ đuôi dài… Ngoài ra, thị trường châu Âu cũng là thị trường lớn (chiếm 44%) vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế.
Trước tác động của thị trường Mỹ, chúng tôi sẽ phải bàn để tổ chức thực hiện ở các ngành, các lĩnh vực thế nào, xuất khẩu thế nào để đạt mục tiêu 64-65 tỷ USD mà Chính phủ giao", ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, thủy sản sẽ là một trong những mặt hàng chịu nhiều ảnh hưởng khi Tổng thống Trump đánh thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam.
"Trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay đạt trên 300 triệu USD (chiếm khoảng 15%). Từ cơ cấu này, chúng tôi sẽ xem lại cơ cấu ngành hàng, nhất là hai mặt hàng chủ lực tôm và cá tra.
Động lực mới và làm mới động lực hai mặt hàng này như thế nào thì chúng tôi sẽ bàn rất kỹ để làm sao con tôm cạnh tranh được với Ấn Độ, Ecuador, đối với cá tra thì mình đã có lợi thế thì phát huy và một phần nữa là sản phẩm thủy sản khai thác", đại biện Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói và cho biết sẽ họp với hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản để bàn giải pháp trực tiếp để khơi thông.
“Để vượt qua khó khăn, thách thức, đảm bảo tăng trưởng 4% của ngành trong năm 2025, chúng ta cần phải “dĩ bất biến ứng vạn biến” để vượt qua, tính toán các giải pháp để đảm bảo đà tăng trưởng”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.