(DNVN) - Nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về xuất xứ hàng hóa, ngày 17/7, Câu lạc bộ Truyền thông số Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Thế nào là Made in VietNam?”.
Tọa đàm xoay quanh vấn đề xây dựng thương hiệu hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa rất quan trọng không chỉ với hàng chục ngàn doanh nghiệp đang hoạt động mà còn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là khi chuỗi cung ứng sản xuất đã toàn cầu hóa.
Trong buổi toạ đàm, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết, hiện Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể thế nào là “Made in Vietnam”. Bởi khái niệm “Made in” gắn kết chặt chẽ với quy tắc xuất xứ của sản phẩm nhưng được áp dụng khá linh hoạt.
Theo bà Hương, mỗi quốc gia đều có quy định riêng về từng mặt hàng cụ thể bắt buộc phải dán nhãn lên hàng hóa. Ví dụ, thị trường Mỹ quy định tất cả hàng hóa hoặc bao bì đóng gói hàng hóa có xuất xứ ngoài quốc gia này đều phải dán nhãn. Ngoại trừ một số trường hợp như hàng hóa không có khả năng được đánh dấu như trái cây, có thể áp dụng đánh dấu trên bao bì đóng gói hàng hóa này.
Thị trường Liên minh châu Âu (EU) cũng yêu cầu dán nhãn xuất xứ lên thực phẩm và mỹ phẩm nhập khẩu. Hiện tại, không có bất kỳ quy định nào của EU có liên quan đến dán nhãn “Made in” cho hàng hóa không phải thực phẩm nhập khẩu vào EU. Nhà sản xuất và nhà nhập khẩu có quyền tự do dán nhãn thông tin xuất xứ lên hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, EU quy định bắt buộc phải khai báo nước xuất xứ của hàng hóa trên tờ khai hải quan khi nhập khẩu. Do đó, quy định xuất xứ tại các nước cũng có nhiều điểm riêng biệt nên không tránh khỏi những xung đột. Việc áp dụng các quy tắc xuất xứ đôi khi cũng được sử dụng để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, bà Hương cũng cho biết thêm, cần phải phân biệt rạch ròi các quy định gia công tại doanh nghiệp. Để phân biệt được thì phải đi vào mổ xẻ quy trình sản xuất, gia công lắp ráp tại doanh nghiệp. Phải bày tất cả ra, trong toàn bộ sản phẩm, thành phẩm hoàn chỉnh này có những bộ phận, linh kiện gì được nhập khẩu từ nước ngoài, những cái gì có thể sản xuất tại Việt Nam. Và toàn bộ quy trình gia công lắp ráp có phải là gia công đơn giản hay không.
“Nếu toàn bộ linh kiện nhập khẩu về mà công đoạn gia công lắp ráp chỉ dùng công nghệ “tuốc lơ vít” để gá - lắp các sản phẩm vào tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó xuất khẩu đi thì đó là gia công đơn giản. Như thế cơ quan chức năng sẽ từ chối không cấp chứng nhận xuất xứ cho doanh nghiệp...”, bà Hương lưu ý.
Về vấn đề đội lốt hàng Việt, ví dụ vụ Khaisilk nhập hoàn toàn sản phẩm từ Trung Quốc sau đó cắt nhãn mác của Trung Quốc và dán nhãn mác Made in Vietnam là hành vi lừa dối người tiêu dùng, không chấp nhận được.
Ngoài ra, còn có trường hợp doanh nghiệp dựng lên nhà xưởng nhưng không có trang bị máy móc hoặc có nhưng không vận hành, sau đó chỉ đóng gói, dán nhãn “made in Vietnam”, như vậy chính là đội lốt. Đợt kiểm tra vừa qua, một số mặt hàng nổi cộm phát hiện doanh nghiệp sai phạm về công đoạn gia công, gá lắp đơn giản là: Linh kiện điện tử, thiết bị văn phòng (máy in, máy hủy tài liệu)… những trường hợp này không được cấp C/O. Do đó, Để ngăn chặn gian lận thương mại của doanh nghiệp trong nguồn gốc xuất xứ, cần đưa việc kiểm tra C/O vào diện lĩnh vực quản lý rủi ro.
Nhìn nhận ở góc độ quy định pháp luật pháp lý, luật sư Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp công ty Luật Baker cho rằng: Hiện nay quy định pháp lý còn nhiều lỗ hổng về ghi xuất xứ hàng hóa. Cơ quan nhà nước chỉ quan tâm đến vấn đề hàng xuất khẩu để được hưởng ưu đãi thuế quan. Nhưng chưa có quy định nào về chứng nhận xuất xứ đối với hàng sản xuất bán trong nước. Do đó, cần phải có sự cân bằng và quan trọng nhất là tập trung về chất lượng. Việc quản lý không đơn thuần là chứng nhận xuất xứ mà còn song hành cùng chất lượng.
Quy lại vụ Asanzo, vị luật sư này cho rằng, người tiêu dùng đã đặt vấn đề chất lượng các sản phẩm của Asanzo chưa? Về mặt nhãn hàng có thể là không trung thực nhưng chất lượng sản phẩm phải được người tiêu dùng chấp nhận được, khẳng định được uy tín thì Asanzo mới tồn tại và phát triển như hiện nay. Do vậy, người tiêu dùng nên có sự nhìn nhận khách quan, không nên chỉ nhìn ở góc độ vi phạm về dán nhãn xuất xứ mà cần nhìn nhận cả về chất lượng của sản phẩm.
Từ đó, ông Trần Ngọc Trung cũng nhấn mạnh, cần tránh biến việc gắn nhãn mác trở thành thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp, thay vì quản lý về xuất xứ thì quản lý chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý đóng vai trò quan trọng hơn trong vấn đề này.