Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi chạm ngưỡng 30.000, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất

10:10 | 26/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11, chứng khoán Mỹ giảm điểm trên diện rộng, chỉ số Dow Jones mất mốc 30.000 điểm.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 174 điểm, tương đương 0,6%, kết phiên ở 29.872 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng sụt 0,2%, đóng cửa ở 3.630 điểm.
 
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khi chạm ngưỡng 30.000, nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất - ảnh 1
Trước đó, ở phiên giao dịch 24/11, lần đầu tiên chỉ số Dow Jones đóng cửa trên mốc 30.000 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,6% lên đỉnh lịch sử 3.635 điểm.

Theo CNBC, thanh khoản thị trường thấp hơn so với thị trường do sắp đến ngày nghỉ Lễ Tạ ơn. Khối lượng chứng chỉ quỹ SPDR S&P 500 ETF Trust (SPY) giao dịch trong ngày 25/11 chỉ khoảng hơn 33 triệu đơn vị, chưa bằng một nửa trung bình 30 phiên gần đây.

Nhóm ngành cổ phiếu năng lượng được xem là diễn biến tiêu cực nhất, giảm đến 2,4%. Trong khi đó, cổ phiếu Salesforce dẫn đầu đà đi xuống của Dow Jones với mức giảm hơn 5% sau khi có tin công ty phần mềm này đang đàm phán mua lại Slack Technologies. Kết phiên 25/11, cổ phiếu Slack vọt lên gần 37%.

Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty dịch vụ tài chính CUNA Mutual Group cho biết: "Việc Dow Jones vượt 30.000 điểm chỉ là một cột mốc được xác định một cách tuỳ tiện, tuy nhiên nó cũng thể hiện tâm lý của nhà đầu tư vào thời điểm này".

Khi mới đây, Bộ Lao động Mỹ cho biết có 778.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên trong tuần trước, cao hơn so với dự báo 733.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra.
Tính từ đầu tháng đến hết phiên 24/11, Dow Jones đã tăng hơn 13% - mức đi lên theo tháng lớn nhất kể từ năm 1987. S&P 500 và Nasdaq cũng đã tăng tương ứng 11,2% và 10,3% trong tháng này, cao nhất kể từ tháng 4/2020.

Sự tăng trưởng này theo các nhà đầu tư là không cố định vì diễn biến của suy thoái kinh tế vẫn sẽ khó lường trước được về dịch COVID-19, về những bất ổn trên chính trường Mỹ.

Các cổ phiếu vốn hoá nhỏ cũng đang diễn biến tích cực trong tháng 11 này với chỉ số Russell 2000 tăng gần 2% trong phiên 24/11 và lập đỉnh mới. Sang phiên 25/11, chỉ số này giảm nhẹ 0,5%.

Tính từ đầu tháng đến nay, Russell 2000 đã tăng khoảng 20%, thành tích tốt nhất trong lịch sử chỉ số.

Hôm 23/11, hãng dược phẩm châu Âu AstraZeneca và Đại học Oxford cho biết vắc-xin của hai tổ chức này có tỉ lệ hiệu quả trung bình 70%, trong đó một phác đồ mang lại hiệu quả tới 90%. Trong các ngày 9/11 và 16/11, hãng dược Pfizer-BioNTech và Moderna cũng công bố các loại vắc xin với tỉ lệ phòng bệnh trên 90%.

Tâm lí nhà đầu tư cũng được cải thiện sau khi bà Emily Murphy - Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công bắt đầu triển khai quá trình chuyển giao quyền lực cho phía ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden.
 
Khánh Linh