Chuỗi siêu thị Big C bắt đầu đổi tên thương hiệu thành Tops Market từ ngày 1/3
Từ ngày 1/3, các siêu thị Big C tại TP.HCM chính thức đổi tên thành Tops Market. Sau đó tới lượt các Big C tại Hà Nội cũng đổi tên trong quý III. Động thái nằm trong chiến lược tái định vị thương hiệu của tập đoàn.
Theo kế hoạch tái định vị thương hiệu của Tập đoàn Central Retail (chủ sở hữu hệ thống Big C Việt Nam), từ ngày 1/3, các siêu thị Big C tại TP.HCM là An Phú, Thảo Điền và Âu Cơ sẽ chính thức đổi tên thành Tops Market.
Tiếp đến, 4 siêu thị Big C tại Hà Nội (The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn) dự kiến sẽ hoàn tất việc chuyển đổi, nâng cấp thành Tops Market vào quý 3 năm nay.
Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết chuỗi siêu thị Tops Market được thiết kế với 3 tiêu chí là cung cấp thực phẩm hữu cơ tươi sống đa dạng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng uy tín và dịch vụ khách hàng tận tâm, chỉn chu.
Big C Thảo Điền đã được đổi tên thành Tops Market. Ảnh: Central Retail.
Thực tế, Tops Market cũng là một thương hiệu bán lẻ lớn thuộc Tập đoàn Central Retail. Hiện thương hiệu này đang có hàng chục chi nhánh siêu thị tại Thái Lan. Đây là một phần trong kế hoạch định vị lại thương hiệu và mở rộng thị trường của tập đoàn Thái Lan.
Tại Việt Nam, một fanpage trên Facebook với tên gọi Tops Market cũng đã chính thức hoạt động song song với fanpage Big C Việt Nam.
Trước đó, một số siêu thị Big C trong các trung tâm thương mại tại các tỉnh thành cũng được đổi tên thương hiệu khác. Điển hình là từ cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021, các siêu thị Big C nằm trong trung tâm thương mại ở Nha Trang (Khánh Hòa), Dĩ An (Bình Dương), Cần Thơ, Hạ Long (Quảng Ninh) và Vĩnh Phúc đã được đổi tên thành siêu thị GO!.
Năm qua, Central Retail cũng xây dựng mới các siêu thị GO! tại các TTTM ở Mỹ Tho (Tiền Giang), Bến Tre, Trà Vinh, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Quảng Ngãi.
"Dự kiến trong năm 2021, một số đại siêu thị Big C khác cũng sẽ lần lượt tái định vị và đổi tên thành đại siêu thị GO!", đại diện Central Retail Việt Nam cho biết.
Big C Việt Nam về tay Central Retail của Thái Lan từ tháng 4/2016, sau khi tập đoàn Casino của Pháp đồng ý bán cổ phần cho tập đoàn của người Thái. Giá trị giao dịch khoảng 920 triệu euro, tương đương 1,05 tỉ USD.
Trong vòng 1 năm đầu tiên về tay người Thái, Big C Việt Nam tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua ngành bán lẻ khi các doanh nghiệp chủ chốt trong hệ thống như Big C Thăng Long (gồm các siêu thị ở Hà Nội), Big C An Lạc (gồm một số siêu thị ở TP.HCM), Big C Hải Phòng (gồm Big C Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), Big C Bình Dương và Big C Đồng Nai đều ghi nhận doanh thu giảm hoặc đi ngang.
Bước vào giai đoạn 2018-2019, tình hình kinh doanh của Big C có dấu hiệu khởi sắc hơn. Báo cáo tài chính năm 2019 của Central Retail (đơn vị chủ quản Big C Việt Nam) cho thấy chuỗi này mang về doanh số 27.650 triệu baht, tương đương gần 20.454 tỷ đồng cho công ty mẹ. Con số này tăng 10% so với năm 2018. Tăng trưởng doanh số trên mỗi siêu thị đạt 14%.
Theo số liệu của Kantar Worldpanel, đến hết năm 2019, Big C chiếm 3,5% thị phần và là chuỗi siêu thị, đại siêu thị lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tỷ lệ gia tăng thị phần trong vòng 1 năm đạt 0,4% được coi là hiệu quả, khi Co.opMart giảm mức thị phần tương đương, còn VinMart chỉ tăng trưởng 0,2%.
Hà Ly