Chuyện chưa biết về người bảo vệ rừng lim trăm tuổi giữa phim trường King Kong

18:19 | 21/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ phim King Kong nổi tiếng được cả thế giới biết đến, nhưng có một câu chuyện về một lão “gàn” hơn 30 năm bảo vệ rừng lim quý giá giữa phim trường này không phải ai cũng biết đến.
Gắn bó với rừng lim như một định mệnh
 
Chúng tôi tìm về mảnh đất của phim trường King Kong nổi tiếng thuộc xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) rất dễ dàng để hỏi đường đến nhà ông Đô “gàn” (ông Trương Xuân Đô, 68 tuổi, trú xóm 5, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa).
 
Tiết đông lạnh buốt, khi thấy chúng tôi đến nhà, ông Đô gọi người con trai út nấu nước lá rừng thiết đãi khách phương xa. Bên ly nước nóng đang bốc khói nghi ngút, ông kể về cuộc đời mình, cuộc đời gắn liền với cánh rừng lim, một cuộc đời luôn đau đáu giữ rừng như một định mệnh.
 
Ông Đô sinh ra và lớn lên ngay cạnh rừng Cồn Lim nên cả khu rừng hàng chục hecta không có chỗ nào là không biết, khoảnh rừng nào cũng in hằn dấu chân của ông. Ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi rất nhỏ, cuộc sống mưu sinh nhờ rừng nên ông càng gắn bó thân thiết với rừng hơn. 
 
Khi đất nước còn tiếng súng, khu rừng trở thành nơi trú ẩn của bộ đội và trở thành điểm bắn phá ác liệt của quân giặc. Vì thông thạo địa hình, ông Đô tình nguyện làm liên lạc dẫn bộ đội qua các cánh rừng. Sau đó ông tham gia thanh niên xung phong, thuộc đơn vị C2 - D70 - BT17.
 
Biết được tầm quan trọng của rừng nên ông đã ý thức được việc bảo vệ rừng lim trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất. “Nhìn những mảnh rừng cháy nham nhở do bom đạn của địch bắn phá mà tôi đau như cắt từng khúc ruột, vì tôi biết còn rừng là còn chỗ trú ẩn oan toàn là còn chỗ ngụy trang cho bộ đội vào Nam chiến đấu”, ông Đô trầm ngâm.
 
Chuyện chưa biết về người bảo vệ rừng lim trăm tuổi giữa phim trường King Kong - ảnh 1
Ông Đô "gàn", người hơn 30 năm bảo vệ rừng lim
 
Chiến tranh kết thúc, tiếng súng lặng im, khu rừng trở lại bình yên sinh trưởng nhưng chỉ được một thời gian ngắn, rừng lại lâm vào đại nạn khi “lâm lặc” liên tục đua nhau khai thác gỗ quý.
 
Thấy những cây lim và nhiều cây gỗ quý khác bị tàn phá kiệt quệ, ông Đô đau nhói trong tim mà không tài nào ngăn được vì nạn đói hoành hành thì miếng cơm trở thành gánh nặng của người dân. Tất cả những gì có giá trị, họ đều đem bán để mua gạo, họ cũng tự biến mình thành lâm tặc để phá bỏ những cánh rừng xanh mà thiên nhiên ban tặng.
 
Ông Đô kể, khi mọi người chặt phá hết rừng để kiếm tiền mua gạo thì mỗi nhà tôi là giữ lại. Bao lần vợ con phản đối vì không có gạo ăn, mà cứ giữ khư khư cánh rừng lim không cho khai thác. Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều người gọi tôi là Đô “gàn”.
 
Đầu những năm 1990, khi Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho người dân bảo vệ, không chần chừ, ông tình nguyện nhận ngay 17 hecta mà bấy lâu nay ông đã bảo vệ, chăm sóc, giờ đây danh chính ngôn thuận rừng là của ông, được nhà nước công nhận.
 
Giữ rừng lim như giữ hơi thở của chính mình
 
Men theo con dốc nhỏ, trơn trượt, chúng tôi được ông Đô dẫn đi chiêm ngưỡng một rừng lim sừng sững xanh ngát, điều mà chúng tôi không thể tưởng tượng nổi khi chưa đặt chân đến nơi này.
 
Qua hàng chục năm, khu rừng Cồn Lim có nhiều cây lim cổ thụ quý hiếm với tuổi đời trên trăm năm, trị giá bạc tỉ. Ngoài ra, những cây lớn có đường kính to khoảng từ 0,5 - 1m được ông gìn giữ, chăm sóc như báu vật.
 
Biết ông Đô sở hữu rừng lim có giá trị lớn, nhiều người đã tìm đến nhà ông hỏi mua nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Nhiều người hỏi mua không được thì dòm ngó, dọa đốn chặt cây rừng, nhiều năm qua “lâm tặc” nhiều lần thâm nhập rừng khiến ông và con cháu không ít phen lao đao, vất vả để bảo vệ rừng.
 
Chuyện chưa biết về người bảo vệ rừng lim trăm tuổi giữa phim trường King Kong - ảnh 2
Phóng viên được chiêm ngưỡng cây lim đại thụ giữa rừng Cồn Lim
 
Ông Đô kể, khoảng 10 năm trước, sau một buổi sáng đi thăm rừng, ông vừa về nhà ăn dùng bữa cơmtrưa thì bỗng nghe tiếng máy cưa inh ỏi phía sau rừng lim. Lúc ấy, ông để vội bát cơm rồi tức tốc theo âm thanh tiếng cưa chạy lên rừng, đến nơi thì phát hiện một nhóm “lâm tặc” đang dùng máy cưa và các phương tiện khác chuẩn bị hạ một cây lim cổ thụ.
 
“Tôi lao vào ôm lấy thân cây lim, nhóm người kia hung hăng lao vào đánh. Tôi liền dùng một khúc cây quật ngã được 2 tên rồi cả nhóm lao vào đánh tôi. Chúng làm tôi bị thương nhưng tôi hề run sợ, tôi vẫn chống cự với bọn chúng. Một lúc sau, con tôi đến nơi nên bọn chúng sợ bỏ chạy để lại cả máy cưa”, ông Đô nhớ lại.
 
Hơn 30 năm giữ rừng, không biết bao nhiêu lần phải đối mặt với hiểm nguy, có lần ông từng bị rắn độc cắn trọng thương, nguy hiểm đến tính mạng phải chữa trị và nghỉ ở nhà cả tháng trời nhưng ông không bao giờ nản chí, ông quyết bảo vệ từng cây rừng.
 
Cứ thế, xuân - hạ - thu - đông đi qua, ngày nào cũng như ngày nào, tờ mờ sáng ông Đô khăn gói lên rừng đến trời nhá nhém tối mới trở về nhà. Ông tâm sự những ngày vất vả nhất là vào mùa hè, nắng oi bức nên rừng dễ bị cháy, ông phải rảo quanh từng khoảnh rừng để kiểm tra thật kĩ. 
 
Hễ thấy người lạ vào rừng là ông đuổi ngay còn người dân vào lấy củi khô là ông nhắc nhở cẩn thận như không hút thuốc, không đốt ong và sử dụng vật dụng dể cháy nổ và theo sát họ cử chỉ họ rồi mới yên tâm ra về.
 
Chuyện chưa biết về người bảo vệ rừng lim trăm tuổi giữa phim trường King Kong - ảnh 3
Cây lim đại thụ có tuổi đời hơn trăm năm
 
Ông Đinh Văn Chiến (72 tuổi, người dân trong vùng) cho biết: “Ông Đô là người tiên phong gương mẫu trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài bảo vệ, ông còn tuyên truyền cho các hộ dân tìm biện pháp để cùng ông giữ lại rừng”.
 
Ông Đô cho hay, cả đời ông chỉ ở vùng đất này, chẳng thể đi đâu xa vì cứ hễ đi xa rừng một hôm là thấy nhớ, lòng cứ đau đáu khôn nguôi. “Xa ai thì xa chứ không thể xa rừng, hễ đi xa cái là lòng cứ thấy không yên”, ông Đô chia sẻ.
 
Ông Đô nói rằng, dù khó khăn đến mấy ông cũng quyết không bán bất cứ một cây gỗ lim nào. “Tôi mong trời cho sức khỏe để canh giữ rừng Cồn Lim. Giữ rừng là giữ cho nhà nước, cho hậu thế mai sau. Sức khỏe có thể yếu đi những tôi còn con, còn cháu. Chúng sẽ thay tôi bảo vệ và chăm sóc khu rừng lim quý giá này”.
 
Tạm biệt rừng lim quý và người giữ rừng đáng kính để xuống núi, chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt của “lão gàn” như trẻ lại khi hướng về những cây gỗ lim đang lớn dần theo thời gian. Giữa trời đông lạnh giá, lòng chúng tôi như ấm lại khi nghĩ về ông Đô - cây lim đại thụ, bức tường thành vững chãi cho đại ngàn lim mãi xanh thẳm.
 
Vũ Hoàng - Cẩm Kỳ