Chuyên gia, CEO Lê Ngọc Sơn: Trong khủng hoảng luôn có cơ hội!

07:37 | 17/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong giới doanh thương và chính trị tại Đức hay châu Âu, nhiều người biết danh tiếng của 2 nhà vận động hành lang, chuyên gia xử lý khủng hoảng Lê Ngọc Sơn và Sten Schmidt.
Lê Ngọc Sơn là một chuyên gia gốc Việt và là nhà sáng lập, điều hành Mạng lưới Chuyên gia từ Đức về Xử lý Khủng hoảng – Berlin Crisis Solutions (BCS).

Giúp hàng triệu khẩu trang Việt vào châu Âu 

Chuyên gia, CEO Lê Ngọc Sơn: Trong khủng hoảng luôn có cơ hội! - ảnh 1
Ông Sten Schmidt, đồng sáng lập công ty APIS-Germany và chuyên gia Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia từ Đức về Xử lý Khủng hoảng (BCS).
 
Cuối tháng Hai năm 2020, cả nước Đức rúng động vì ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Một Đức tự hào với khoa học công nghệ tiên tiến bậc, có nền y tế hàng đầu thế giới cũng phải lo sợ khi biết “thần chết” COVID-19 đang gõ cửa. Một nước Đức ngạo nghễ với sản xuất những mặt hang hiện đại tiên tiến như động cơ máy bay, ô-tô,.. lại rơi vào một cuộc khủng hoảng kép: khủng hoảng khẩu trang (thứ tưởng chừng đơn giản) trong đại dịch COVID. Ở thời điểm đó, hầu như tất cả các quốc gia đều xem khẩu trang là mặt hàng vô cùng đặc biệt và ngăn cấm xuất khẩu. Giá khẩu trang tăng chóng mặt… theo giờ. Nhiều quan chức lẫn giới chuyên gia đã vào cuộc để giải quyết câu chuyện này, bởi nếu thiếu mặt hàng trọng yếu này những nhân viên y tế, người già, và những người có bệnh nền sẽ cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.
 
Lúc đó, cùng sự lo lắng cho cộng đồng, giáo sư Martin Löffelholz, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thông, ĐH Tổng hợp Công nghệ Ilmenau – chuyên gia hàng đầu thế giới về xử lý khủng hoảng - đã sắp xếp một cuộc họp khẩn cấp giữa Lê Ngọc Sơn – nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ tại Viện, đồng thời là Chủ tịch Mạng lưới Chuyên gia từ Đức về Xử lý Khủng hoảng (BCS) và Sten Schmidt - một doanh nhân sở hữu nhiều công ty, đồng thời là chuyên gia vận động chính sách (lobbyist) tại thành phố Erfurt, CHLB Đức. Một quyết định mạo hiểm đã được đưa ra khi dịch cấp tập tấn công nước Đức, Lê Ngọc Sơn và Sten – hai nhà vận động chính sách tại Đức - đã cùng góp vốn thành lập công APIS-Germany GmbH chuyên về xuất nhập khẩu các thiết bị vật tư y tế khẩn cấp như khẩu trang, máy trợ thở… phụ vụ công cuộc chống dịch COVID19.
 
Ngay sau đó, các quy trình hành chính và kỹ thuật đã được chuẩn bị chu đáo. Bên cạnh nhập trực tiếp về tại kho của công ty ở thành phố Erfurt, Lê Ngọc Sơn cùng các đồng nghiệp đã tư vấn và  giúp đỡ cho nhiều công ty khác của Đức cùng nhập khẩu trang Việt Nam. Những chuyến hàng đầu tiên vô cùng khó khăn về mặt thủ tục, nhưng bằng kênh ngoại giao và các mối quan hệ, Jack đã thúc đẩy tiến độ giao hàng. Nhưng vận chuyển hàng thiết yếu trong mùa dịch lại là một thách thức. Có những câu chuyện, hàng được giao tận sân bay, nhưng một số quốc gia khác đến tận cửa máy bay trả giá cao hơn để đưa hàng về nước họ, thay vì giao về Đức theo đơn đặt hàng.
 
Để phòng ngừa chuyện này, chuyên gia Lê Ngọc Sơn đã đặt hàng từ nhiều nhà máy khác nhau. Mỗi nhà máy sẽ dùng dịch vụ của một nhà vận chuyển riêng biệt. Ông gọi đây là việc “phân tán rủi ro”, tránh “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.  Tính đến tháng 9/2020, hàng triệu khẩu trang từ Việt Nam đã được nhập vào Đức và các nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU), và APIS-Germany GmbH và Berlin Crisis Solutions (BCS) được biết đến như là một doanh nghiệp và mạng lưới có trách nhiệm với xã hội Đức trong đại dịch.
 
Sten Schmidt, đồng sáng lập công ty APIS-Germany GmbH vốn là một người tốt nghiệp ngành luật tại Đức, cho rằng: Điều ấn tượng của anh là được làm việc với chuyên gia gốc Việt có nhiều kinh nghiệm  trong việc xử lý các vấn đề tại Đức và Việt Nam. Bởi khi hiểu cả văn hóa Á và Âu, mọi việc thông đạt trở nên dễ dàng, những vướng mắc đều được giải quyết mau lẹ.

Kiến tạo lợi thế từ khủng hoảng

Hiện nay, mạng lưới chuyên gia xử lý khủng hoảng của Lê Ngọc Sơn đang giúp đỡ nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong đó có những “Cá mập” (Shark) có tên tuổi, muốn đầu tư sang CHLB Đức và các nước châu Âu. Đội ngũ chuyên gia có mối quan hệ rộng, am hiểu luật pháp và văn hóa Đức đang góp phần đưa các sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường châu Âu.
 
Trao đổi với giới truyền thông tại Đức, Lê Ngọc Sơn cho rằng, bản năng của một nhà nghiên cứu về xử lý khủng hoảng đã giúp anh luôn nhìn thấy những cơ hội từ những thứ tai ương, thấy “cơ” từ “nguy”. Đó cũng là cách tư duy độc đáo mà anh thường giúp khách hàng của mình nắm lợi thế mỗi khi họ “có chuyện”.
 
 Chuyên gia, CEO Lê Ngọc Sơn: Trong khủng hoảng luôn có cơ hội! - ảnh 2

 
Đặc biệt, Lê Ngọc Sơn và các cộng sự đang giúp nhiều doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật, có đủ các chứng chỉ cần thiết để tham gia sân chơi lớn và đầy lợi ích này. Lê Ngọc Sơn cho biết: "Thực ra có những chứng chỉ rất đơn giản, nhưng do không có đủ thông tin và không quen với cách làm, nên nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng rất tốt nhưng không thể bước chân vào thị trường EU được, vì không có đủ các giấy tờ cần thiết. Bằng sự giúp sức nhỏ bé này, việc “mang chuông đi đánh xứ người” sẽ không còn xa vời với các doanh nghiệp Việt".
 
Không những vậy, chuyên gia gốc Việt này còn kết nối nhiều doanh nghiệp Đức và châu Âu đến đầu tư và làm ăn tại Việt Nam. Anh và Mạng lưới Chuyên gia từ Đức về Xử lý Khủng hoảng (BCS) của mình đã giúp đỡ một số nhà máy của Đức tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục chuyển nhà máy sang Việt Nam do một số biến động về chính trị và quan hệ quốc tế ở những nơi này.
 
Khi được hỏi vì sao anh có thể thuyết phục nhiều công lớn của Đức chọn Việt Nam mà không phải là Ấn Độ một nước Đông Nam Á nào khác, Lê Ngọc Sơn tâm sự rằng: Anh chia sẻ với họ một cách rất… chiến lược bằng cách đưa ra những lý do rất logic, (mà người Đức thì vốn dĩ trọng logic): "Thứ nhất, nước Đức vừa công bố trọng tâm chiến lược sắp tới của Đức là ở vùng Nam Thái Bình Dương, trong đó có VIệt Nam. Và ở vùng này, nếu hỏi nước nào có thể nói tiếng Đức tốt nhất, thì hẳn đó phải là Việt Nam, do có truyền thống quan hệ lịch sử đặc biệt từ thời Đông Đức. Thêm nữa, Việt Nam là cửa ngõ của Đông Nam Á, vào được Việt Nam là vào được 9 thị trường còn lại. Đồng thời, Việt Nam đang có những hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, vậy nên sẽ là một lợi thế to lớn nếu hàng sản xuất ở Việt Nam".

Bằng cách thuyết phục đó, Lê Ngọc Sơn đã khiến những doanh nhân xa lạ đều trở nên cảm mến và yêu Việt Nam, và họ có những quyết định lớn mang tính quyết định sau những cuộc làm việc với chuyên gia gốc Việt này.
 
Nhờ uy tín về chuyên môn, hàng năm, chuyên gia Lê Ngọc Sơn được mời về Việt Nam xử lý nhiều vụ khủng hoảng lớn. Ông Sơn được biết đến là người góp phần giải quyết ổn thỏa khủng hoảng Codotel ở dự án Cocobay Đà Nẵng năm 2019 và vụ kiện tụng đình đám giữa hai vợ chồng ông bà chủ hãng cà phê Trung Nguyên...
 
Với lối tư duy kiến tạo cơ hội từ những bất lợi, Mạng lưới chuyên gia từ Đức về Xử lý Khủng hoảng (BCS) đang được nhiều doanh nghiệp Đức và Việt Nam tin cậy.
 
                                                                                                                                  Việt Hoa