Chuyên gia: Còn nhiều điểm nghẽn khiến doanh nghiệp tư nhân chưa thể bứt phá
PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại hội thảo - Ảnh Bình An.
Phát biểu trong khuôn khổ tọa đàm 'Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68' , PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng: Nghị quyết này đã xác định kinh tế tư nhân là "một động lực quan trọng của nền kinh tế", điều mà trước đây còn nhiều tranh luận. Nhưng đây là sự chuyển biến căn bản trong tư duy phát triển, góp phần mở rộng động lực đưa đất nước đi lên.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn phát triển thời gian qua, kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế, do ba nguyên nhân lớn: nhận thức chưa đầy đủ và chưa thống nhất về vai trò của kinh tế tư nhân; thể chế, chính sách và bộ máy thực thi còn nhiều điểm nghẽn, chưa theo kịp yêu cầu phát triển; bản thân khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn yếu, tiềm lực hạn chế, chưa thực sự trở thành lực lượng đủ mạnh.
Sự phát triển của kinh tế tư nhân gắn liền với quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong lịch sử, do điều kiện đặc thù về nguồn lực sau giải phóng, chúng ta từng có giai đoạn thu hẹp vai trò tư nhân. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh không thể phát triển nếu thiếu vai trò của khu vực này. Bởi vậy, việc nhìn nhận đúng, đầy đủ và khách quan về kinh tế tư nhân là yêu cầu cấp thiết.
Cũng theo PGS.TS Trần Quốc Toản, kinh tế tư nhân không phát triển mạnh nếu không giải được các bài toán lớn như: khó khăn trong tiếp cận đất đai (đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, nơi hàng trăm triệu mét vuông đất nông nghiệp đang bị vướng chính sách); tiếp cận tín dụng còn hạn chế; chính sách công nghệ thiếu lực đẩy; và sự liên kết chuỗi còn rời rạc. Hệ sinh thái doanh nghiệp chưa hình thành rõ nét, đặc biệt trong nông nghiệp - ngành trụ cột của quốc gia.
Cần có cơ chế tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi cung ứng, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo kiểu hình chóp như tại Đức, nơi các doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ nhau trong chuỗi giá trị.Vì vậy, việc xây dựng thể chế phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển là yêu cầu cấp bách, PGS.TS Trần Quốc Toản nhấn mạnh.
Đồng thời, cần cải cách hành chính triệt để, giảm thiểu các thủ tục rườm rà gây cản trở và xây dựng văn hóa kinh doanh minh bạch, có đạo đức, tránh tình trạng “hàng giả, thực phẩm giả, đạo đức giả” như đang tồn tại ở một số nơi.
Nếu không xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh với thế giới. Cuối cùng, một yếu tố then chốt là đào tạo đội ngũ doanh nhân có trình độ, có tầm nhìn và đạo đức nghề nghiệp. Nhà nước cần đóng vai trò chủ động trong việc hình thành lớp doanh nhân mới, đủ sức gánh vác trọng trách phát triển kinh tế tư nhân từ đó thúc đẩy nền kinh tế quốc dân phát triển bền vững trong giai đoạn mới, ông Toản chia sẻ.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phát biểu tại hội thảo - Ảnh Bình An.
Nhận định thêm về các điểm nghẽn đối với khu vực kinh tế tư nhân, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam cho thấy đang tồn tại nhiều hạn chế sâu sắc.
Ông Nghĩa cho rằng Nghị quyết 68 là một văn kiện quan trọng, thể hiện chủ trương thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, không thể kỳ vọng chỉ nhờ một nghị quyết mà kinh tế Việt Nam sẽ đột phá. Nếu thể chế không thực sự chuyển biến về chất lượng, Việt Nam có thể đi vào vết xe đổ của các nước Đông Nam Á - nơi từng kỳ vọng lớn vào khu vực tư nhân nhưng lại không đạt được thành công.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, một trong những thất bại lớn của một vài quốc gia Đông Nam Á là thất bại về cấu trúc tài chính. Các nước này đã tư nhân hóa toàn bộ hệ thống ngân hàng và gắn liền với bất động sản. Hệ quả là rất nhiều ngân hàng nhỏ ra đời, cạnh tranh khốc liệt để huy động vốn, chủ yếu đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản. Sự cạnh tranh gay gắt này khiến mặt bằng lãi suất bị đẩy lên rất cao. Với mức lãi suất như vậy, không một nền công nghiệp non trẻ nào có thể trụ vững. Lãi suất cao đã bóp nghẹt các doanh nghiệp sản xuất và làm lệch lạc ưu tiên phát triển của nền kinh tế. Không chỉ tín dụng ngân hàng, ngay cả kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng chủ yếu phục vụ bất động sản.
“Cấu trúc tài chính của Việt Nam hiện nay cũng mang ‘dáng dấp’ tương tự các nước Đông Nam Á – quá tập trung vào bất động sản. Nếu muốn xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghiệp hiện đại và bền vững, chúng ta cũng phải chuyển hướng, ưu tiên rõ ràng cho sản xuất – công nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Vấn đề kế tiếp là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không có nguồn lực tài chính để đầu tư cho khoa học – công nghệ. Trong khi đó, tại các quốc gia như Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản… chính phủ đóng vai trò chủ lực trong việc tài trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển cho khu vực tư nhân.
Theo ông Nghĩa, chính nhờ sự hậu thuẫn này, các doanh nghiệp mới có thể tạo ra đột phá công nghệ và từ đó thúc đẩy công nghiệp hóa. Nhật Bản là ví dụ điển hình. Trong ba gói kích thích kinh tế lớn gần đây, có một gói trị giá tới 70 tỷ USD được rót trực tiếp vào khu vực tư nhân để phát triển khoa học – công nghệ. Chính phủ chủ động đóng vai trò là "người dẫn đường”, đầu tư trực tiếp chứ không chỉ hỗ trợ về mặt chính sách.
“Muốn theo kịp các nền kinh tế phát triển, Việt Nam cũng phải hành động quyết liệt, có tầm nhìn chiến lược, không thể làm một cách hời hợt. Nghị quyết 68 là một dấu mốc quan trọng, song chỉ ra riêng nghị quyết là chưa đủ. Điều cần thiết là tất cả phải triển khai toàn diện và quyết liệt, không hời hợt, chỉ như thế Nghị quyết mới có thể thực sự thành công”, TS Lê Xuân Nghĩa cho hay.