Chuyên gia hiến kế để sử dụng gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng hiệu quả

14:32 | 28/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV đưa ra 5 khuyến nghị để thực hiện tốt các gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng của ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo "Lượng hóa các Gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2021 và một số kiến nghị".

Theo báo cáo, dự kiến tổng số tiền ngành ngân hàng hỗ trợ cho nền kinh tế năm 2021 là khoảng 62,2 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 30% lợi nhuận dự kiến của ngành ngân hàng năm 2021.

Nếu tính thêm cả con số trích lập dự phòng rủi ro bổ sung theo Thông tư 03 và Thông tư sửa đổi dự kiến của NHNN, số tiền của gói hỗ trợ còn lớn hơn nhiều (năm 2021, dự phòng rủi ro phải trích thêm theo Thông tư 03 là khoảng 42,6 nghìn tỷ đồng, còn theo Thông tư sửa đổi dự kiến là khoảng 69 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, kỳ vọng sang Quý 2/2022, Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, nền kinh tế có sự hồi phục rõ nét hơn thì số tiền trích lập dự phòng rủi ro có thể ít hơn, cùng với tiến trình giảm nợ xấu và dư nợ cơ cấu lại.

Chuyên gia hiến kế để sử dụng gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng hiệu quả - ảnh 1

Ảnh minh họa.

Theo đánh giá của Citibank (tháng 7/2021) dự báo miễn dịch cộng đồng tại các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) ít nhất phải đến Quý 2/2022 mới có thể đạt được. Vì vậy, để thực hiện tốt các gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng nêu trên, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV có 5 khuyến nghị sau:

Một là, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Thí dụ, Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 đã hết hiệu lực nộp hồ sơ xin giãn hoãn thuế và tiền thuê đất từ ngày 31/7/2021; vậy vấn đề gia hạn sẽ như thế nào?. NHNN sớm ban hành sửa đổi Thông tư 01 và 03 ngay sau khi hoàn tất lấy ý kiến rộng rãi để vừa tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và vừa hỗ trợ TCTD.

Đặc biệt là Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (quy mô 26 nghìn tỷ đồng). Tính đến ngày 12/8/2021, theo thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, tổng số lao động đã được hỗ trợ là trên 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng (23%), trong đó chủ yếu là nhóm chính sách bảo hiểm hỗ trợ 12 triệu lao động với số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ tiền mặt mới phát cho hơn 1 triệu lao động với số tiền là 1.300 tỷ đồng; chính sách cho vay trả lương và phục hồi sản xuất đã hỗ trợ cho hơn 42.000 lao động với số tiền là trên 170 tỷ đồng…v.v. Rõ ràng là, khâu thực thi còn chậm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt như hiện nay và cần có thời hạn thực hiện cụ thể để đẩy nhanh hỗ trợ quý giá này.

Các chính sách này cùng với các gói giảm phí, lệ phí khác nên được tính toán để gia hạn, ít nhất là đến khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng (hết quý 2/2021). Đồng thời, nên xem xét điều chỉnh ngân sách hỗ trợ từ cấu phần này sang cấu phần khác thiết thực hơn.

Hai là, ngoài gói hỗ trợ 20 ngàn tỷ đồng mà Bộ Tài chính đang đề xuất; cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Theo đó, sớm tháo gỡ vướng mắc đối với phương án đầu tư mua cổ phần của SCIC tại Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không tư nhân (theo hướng cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận, có ưu đãi đối với hãng hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng phục hồi trung – dài hạn là tích cực).

Tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với DNNVV và có thể bao gồm các hãng hàng không tư nhân nêu trên (dưới dạng hỗ trợ lãi suất có trọng tâm, trọng điểm với gói tín dụng quy mô khoảng 60 nghìn tỷ đồng). Giá trị hỗ trợ lãi suất thực tế ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng. Một số điều kiện cơ bản như lãi suất cho vay khoảng 4%/năm (tức là mức hỗ trợ lãi suất khoảng 4%/năm so với lãi suất thị trường).

Việc cho vay thực hiện qua NHTM và Quỹ phát triển DNNVV (có thể cùng với bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV). Thời hạn cho vay khoảng 1 năm, nguồn vốn cấp bù lãi suất từ NSNN; tập trung vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như vận tải, du lịch, lưu trú – ăn uống, y tế, giáo dục – đào tạo…v.v.

Ba là, NHNN tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD, để các ngân hàng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Bốn là, NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số ngành ngân hàng – hoạt động đang phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn dịch bệnh và cũng là hỗ trợ các TCTD đa dạng hóa thu dịch vụ, đa dạng hóa nguồn thu; trong đó sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng; cơ chế chia sẻ thông tin – dữ liệu giữa ngân hàng – fintech – trung gian thanh toán khác…v.v.

Năm là, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Theo đó, Chính phủ cần chỉ đạo sớm ban hành Đề án cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có đề án cấu phần là cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2021-2025, trong đó có trọng tâm là đẩy nhanh tiến trình tăng vốn chủ sở hữu cho các TCTD, xử lý nợ xấu hiệu quả, trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng như phân tích ở trên và cũng là dự báo của WB công bố gần đây.

(TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV)

 

ĐỌC NHIỀU