Chuyển giá: Khi DN lớn “bất khả xâm phạm” và cơ quan thuế tụt lại trong nền kinh tế số
Đấu tranh với những doanh nghiệp lớn
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, đấu tranh chống chuyển giá đã phức tạp, đấu tranh với những doanh nghiệp lớn càng khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Bởi các doanh nghiệp lớn luôn có tiềm lực tài chính và nhân lực rất mạnh.
Họ có một đội ngũ chuyên gia cực kỳ am hiểu về kế toán, tài chính, thuế và luật để có thể tạo ra vô vàn các giao dịch liên kết phức tạp và lập nên các báo cáo tài chính rất công phu, đủ để che mắt các cơ quan thuế.
“Khi đối diện với các cuộc thanh tra thuế, họ có thể thuê các chuyên gia thuế với chi phí đắt đỏ để tranh luận với các nhân viên thuế địa phương và thường thì họ dành phần thắng. Ở Việt Nam, tình huống Coca-Cola, Pepsi, Adidas, Metro… đã cho thấy điều đó”, ông Tuấn nhận định.
Cũng theo ông Tuấn, ngoài các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia, chuyển giá cũng không phải là vấn đề xa lạ với các doanh nghiệp trong nước, cả doanh nghiệp nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực. Việc đấu tranh với các doanh nghiệp này cũng gặp không ít khó khăn và thách thức so với các doanh nghiệp FDI.
Ngoài vấn đề tiềm lực tài chính và nhân lực, các tập đoàn đa quốc gia và xuyên quốc gia hoạt động ở Việt Nam còn dành được sự quan tâm và ưu ái rất nhiều của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.
Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tập đoàn này ít nhiều bị trở ngại bởi các rào cản vô hình đó. Chỉ khi có những bằng chứng khá rõ ràng, có cơ sở và vấn đề đủ nghiêm trọng thì cơ quan thuế mới có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra, song tất cả đều phải lên kế hoạch cẩn trọng, cụ thể và phải báo trước.
“Mặc dù các tập đoàn quốc tế đầu tư ở Việt Nam nhìn chung đều tuân thủ rất tốt luật pháp của Việt Nam, thậm chí có nhiều tập đoàn còn hình thành nên nhiều chuẩn mực kinh doanh tốt, đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện các chính sách và quy định của luật pháp Việt Nam, tuy nhiên, trên phương diện thuế khóa, xét về bản chất lợi ích, không phải tập đoàn nào cũng có động cơ tuân thủ tốt mọi nghĩa vụ thuế với nhà nước. Sự quan tâm của Chính phủ hay chính quyền địa phương đối với các tập đoàn lớn là cần thiết nhưng sự ưu ái và dễ dãi quá mức đôi khi cũng khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các tập đoàn này gặp ít nhiều khó khăn và thách thức vô hình”, ông Tuấn nói.
Các mô thức kinh doanh mới khiến cơ quan thuế bị tụt lại
Bàn về tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với cuộc đấu tranh chống chuyển giá, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn đã dẫn chứng:
Tính đến đầu năm 2018, theo thống kê của tổ chức We Are Social, ở Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng Internet. Tổng số thuê bao di động của Việt Nam tính đến cuối năm 2017 là gần 120 triệu, trong đó riêng các thuê bao 3G là 41,5 triệu (theo Tông cục Thông kê).
Theo tổ chức Nielsen Việt Nam, tỉ lệ người dùng điện thoại thông minh (smartphone) so với người dùng điện thoại phổ thông trong năm 2017 ở Việt Nam là 84% và dự kiến sẽ tăng 20% trong năm 2018. Đây là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển của thương mại điện tử và nền kinh tế số tại Việt Nam và là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhiều mô thức kinh doanh và giao dịch thương mại mới được sáng tạo ra, ví dụ như các ứng dụng chia sẻ Uber, Grab, công nghệ blockchain… làm cho công tác quản lý thuế ở Việt Nam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
“Sự mới mẻ đó đôi khi là xa lạ trong các mô thức kinh doanh mới đang ngày càng du nhập và phổ biến hơn ở Việt Nam khiến cho các cơ quan thuế cảm thấy như bị tụt lại, không nắm bắt kịp với các xu hương này để có thể thiết kế được một cơ chế quản lý thuế hiệu quả sao cho không làm cản trở quyền tự do kinh doanh và sự sáng tạo”, ông Tuấn nhận định.
Cần thiết lập bộ phận chuyên trách chống chuyển giá ở địa phương
Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn đưa ra một số khuyến nghị, trong đó có đề xuất Việt Nam không nên thu hút FDI bằng mọi giá và cần thiết lập các bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá ở các địa phương/vùng.
Theo đó, ông Tuấn cho rằng, khi nguồn lực ngày càng khan hiếm hơn (ví dụ như đất đai, tài nguyên, môi trường, lao động…), Việt Nam cần phải có sự chọn lọc hơn trong việc thu hút FDI thay cho chiến lược thu hút đầu tư đại trà của những thập niên trước.
“Thay vì o bê quá mức, nhượng bộ và dành quá nhiều ưu đãi thuế, đã đến lúc Việt Nam cần phải khẳng định lại vị thế của mình, không chấp nhận thu hút FDI bằng mọi giá. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhờ tận dụng các lợi thế kinh doanh ở Việt Nam để có được lợi nhuận thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp thuế cho Việt Nam. Cần xem đây là một nguyên tắc mới trong thu hút đầu tư ở Việt Nam”, ông Tuấn nói.
Đối với việc thiết lập các bộ phận chuyên trách về chống chuyển giá ở các địa phương/vùng, ông Tuấn nhấn mạnh ngoài bốn bộ phận chuyên trách chống chuyển giá đã được thiết lập ở bốn cục thuế thuộc bốn địa phương (Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương), Bộ Tài chính cũng cần cân nhắc thành lập thêm các bộ phận chuyên trách tương tự như vậy ở các địa phương khác cũng có số lượng và quy mô doanh nghiệp FDI lớn và phức tạp như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Long An… tùy theo nhu cầu và thách thức thực tế của từng địa phương. Xây dựng quy chế và quy trình làm việc cụ thể, tăng cường thẩm quyền và trách nhiệm của bộ phận chuyên trách phù hợp với tính chất phức tạp và nhạy cảm của công việc.
“Điều không kém phần quan trọng là các bộ phận này ở các địa phương khác nhau có thể cùng phối hợp, hợp tác trong một số hoạt động đấu tranh chống chuyển giá, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau”, ông Tuấn nói.