Chuyên gia nói gì về khả năng lây nhiễm COVID-19 qua thực phẩm?
Thời gian vừa qua, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn căng thẳng khi hàng ngày phát hiện ra các ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây khiến nhiều người hoang mang lo lắng. Hàng loạt các siêu thị, chợ đầu mối như: Chợ Long Biên, chợ Phùng Khoang, chợ Minh Khai… tạm dừng hoạt động vì có các mắc COVID-19 liên quan.
Ngoài ra, ngày 3/8 vừa qua Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố 55 khách sạn, siêu thị, bệnh viện liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga - nơi ghi nhận 30 ca mắc COVID-19.
Theo đó, 55 khách sạn, siêu thị, bệnh viện thuộc địa bàn của 12 quận, huyện: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoài Đức, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Tây Hồ và Thanh Xuân. Trong đó có 41 cửa hàng thuộc hệ thống Vinmart, Vinmart+.
Sau các công bố trên, nhiều người dân lo ngại về khả năng virus có thể lây lan qua thực phẩm và hàng hoá.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: “Khả năng lây nhiễm cao nhất trong trường hợp này là những người tiếp xúc với nhân viên giao hàng nhiễm SARS-CoV-2. Vì vậy, các lực lượng chức năng đang rà soát chuỗi cung ứng thực phẩm này”.
Về vấn đề nhiều người lo ngại là lây nhiễm virus từ F0 bắn ra các bề mặt, vào hàng hoá, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu người mua hàng, nhân viên siêu thị chạm tay vào các bề mặt này có chứa virus, sau đó đưa tay lên mũi miệng thì có nguy cơ bị lây. Virus có thể từ vật chủ qua các giọt bắn bám vào các dụng cụ, các bao gói thực phẩm, bề mặt rau củ quả… Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm kiểu này không nhiều, nếu người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch. Còn với thực phẩm khi nấu chín sẽ không thể lây nhiễm.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19 cơ bản nhất là khẩu hiệu 5K đã quy định rõ ràng. Nhất là việc đeo khẩu trang ở nơi đông người và thường xuyên khử khuẩn tay... Đây là những biện pháp đơn giản, nhưng hiệu quả cao, đặc biệt là với tình huống này, nếu các nhân viên giao hàng nhiễm virus mà tuân thủ thì không có khả năng lây qua hàng hoá.
Chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế lây lan virus SARS-CoV-2 là phát tán qua giọt bắn và tiếp xúc gần. Virus SARS-CoV-2 cũng có thể sống bám dính trên bề mặt khác nhau.
Để phòng tránh khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 qua thực phẩm, người dân cần thực hiện các hướng dẫn về đeo khẩu trang khi đi chợ, mua sắm, vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng sau khi động tay vào thực phẩm, rau củ quả, hàng hoá mua về, sát khuẩn tay thường xuyên.
Còn PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua tiếp xúc gần trong vòng 2m hoặc virus có thể rơi trên một số bề mặt và hiện nay chưa có bằng chứng nào khẳng định virus SARS-CoV-2 lây qua thực phẩm. Các nhà khoa học cũng khẳng định, virus SARS-CoV-2 khó lây qua thực phẩm. Vì vậy, người dân cũng không nên quá lo lắng về việc sẽ lây nhiễm SARS-CoV-2 qua đường tiếp xúc này.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, trước tình hình dịch hiện nay, người dân khi mua thực phẩm về có thể lau rửa sạch sẽ bên ngoài bao bì bằng cồn hoặc chất sát trùng không gây hại cho thực phẩm. Mọi người cũng nên thực hiện tốt 5K, sẵn sàng tiêm vaccine ngay khi có vaccine, đặc biệt chú trọng đến những người cao tuổi ở trong thời điểm này.
Cùng với đó, người dân nên chọn hình thức thanh toán trực tuyến mỗi khi đặt hàng. Ngoài ra, khi nhân viên tới giao hàng, cả người nhận và shipper đều phải tuân thủ đeo khẩu trang đầy đủ và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m. Cách tốt nhất là nên chọn lựa một chỗ tại nhà để người giao có thể đặt, hoặc treo hàng vào đó, lúc sau người nhận chỉ cần ra lấy để hạn chế tiếp xúc. Trước và sau khi nhận hàng, nên rửa tay sạch sẽ và sát khuẩn tay trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
Trước đó, đầu năm 2021 dịch bệnh đang bùng phát mạnh khiến Hải Dương phải phong tỏa toàn tỉnh. Các mặt hàng nông sản cũng vì thế không tìm được đầu ra, lượng tồn lên tới hàng chục nghìn tấn. Đứng trước khó khăn này, nhiều người Hải Dương sống và làm việc ở các địa phương khác đã liên lạc với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản. Nhiều người cũng có ý kiến băn khoăn liệu virus SARS-CoV-2 có lây qua đường thực phẩm, hàng hóa không.
Lý giải về điều này, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết virus SARS-CoV-2 phát tán lây nhiễm từ người sang người thông qua tiếp xúc gần và đường giọt bắn. Giống như các virus corona khác, virus SARS-CoV-2 có thể sống trên bề mặt khác nhau, tại mọi nơi từ vài giờ đến vài ngày.
Hiện tại chưa có thông tin về virus có thể sống bao lâu trên thực phẩm và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ cũng thông báo chưa có thông tin về khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua thực phẩm tươi hoặc thực phẩm đóng gói.
Nếu người dân băn khoăn về khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 qua thực phẩm, GS Mai khuyên mọi người thực hiện các hướng dẫn về vệ sinh, rửa tay sau khi cầm nắm thực phẩm, rau củ quả bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi đi chợ, làm sạch các dụng cụ đựng thực phẩm, rau quả thường xuyên.
Đồng thời, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), Bộ Nông nghiệp và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã ban hành một lưu ý cho biết thực phẩm và bao bì thực phẩm khó có khả năng lây lan COVID-19.
FDA viết trong một tuyên bố: "Người tiêu dùng nên yên tâm rằng, dựa trên sự hiểu biết về những thông tin khoa học đáng tin cậy hiện có và được sự đồng thuận của đa số các nhà khoa học quốc tế, chúng tôi tin rằng thực phẩm mà chúng ta ăn và bao bì thực phẩm chúng ta tiếp xúc rất khó có khả năng lây lan virus SARS-CoV-2".
Cả ba cơ quan cùng muốn nhấn mạnh việc thiếu bằng chứng đáng tin cậy cho thấy thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm có liên quan đến việc lây truyền virus.
COVID-19 là một bệnh đường hô hấp lây lan từ người này sang người khác, không giống như virus từ thực phẩm có thể khiến con người bị bệnh thông qua thực phẩm bị ô nhiễm, FDA cho hay.
"Do số lượng virus có thể truyền qua bề mặt tiếp xúc về mặt lý thuyết là rất nhỏ trong khi số lượng cần thiết để lây nhiễm qua đường hô hấp bằng miệng sẽ rất cao, cho nên khả năng lây nhiễm khi chạm vào bề mặt bao bì thực phẩm hoặc ăn thực phẩm được coi là cực kỳ thấp", FDA thông tin thêm.
"Xem xét hơn 100 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng tôi chưa thấy bằng chứng dịch tễ học nào về việc thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm là nguồn lây truyền virus SARS-CoV-2 sang người", các cơ quan khẳng định.
Để chủ động phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện Thông điệp 5K gồm: Khẩu trang- Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế. Cụ thể: - Khẩu trang: Đeo khẩu trang theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế - Khử khuẩn: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Vệ sinh các bề mặt/ vật dụng thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, điện thoại, máy tính bảng, mặt bàn, ghế…). Giữ vệ sinh, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng. - Khoảng cách: Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. - Không tụ tập đông người. - Khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khỏe; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19: https://www.bluezone.gov.vn Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở hãy gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc đường dây nóng của y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ. |
Hoa Trần (t/h)
Xem thêm: WTO báo động biến thể Delta phá hủy thành quả chống Covid-19 của thế giới