Chuyên gia: Sàn giao dịch thịt heo có lợi cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng, nhưng không nên nóng vội
Mới đây, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM và sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng sàn giao dịch thịt heo trên địa bàn TP.
TP hiện đang có rất nhiều thuận lợi để thiết lập sàn giao dịch như heo đã được truy xuất nguồn gốc và đang hình thành nhiều lò giết mổ công nghiệp. Đặc biệt heo chủ yếu đang được giao dịch tại 3 chợ đầu mối cũng đang là yếu tố giúp TP đạt mục tiêu cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ vận hành mô hình thí điểm, dự kiến có quy mô sàn giao dịch thịt heo có tổng trị giá tương đương 750 triệu USD/năm.
Thông qua đơn vị kiểm định độc lập, tất cả các quy định như tỷ lệ nạc, mỡ, độ pH sẽ được đánh giá và quyết định sản phẩm heo, đồng nghĩa với việc người chăn nuôi sẽ không còn bị yếu thế, thương lái ép giá xuống thấp, trong khi đó người tiêu dùng lại phải mua với giá cao.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho hay, các nước đã làm sàn giao dịch nông sản từ lâu. Thịt heo là một mặt hàng thiết yếu, chiếm trên 70% nhu cầu thức ăn, nhất là với người có thu nhập thấp. Đây cũng là mặt hàng chiến lược. Việc lập sàn sẽ giúp quản lý chất lượng, tránh tình trạng “ép mua, ép bán”, mọi thứ sẽ được minh bạch, công khai”.
Hiện nay hàng hoá của Việt Nam để đến được tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thịt bị đội lên. 1kg thịt phải qua người mổ, người bán buôn cấp 1, cấp 2,... Như vậy, không chỉ chất lượng sản phẩm giảm sút, mỗi khâu “ăn” 10-15% khiến giá cả bị đảo lộn, thị trường những lũng loạn. Cách đây 4 tháng, giá heo hơi giảm 37%, xuống 50.000 đồng/kg, nhưng ở chợ bán 1 kg thịt vai với giá 130.000 đồng/kg, trong siêu thị lên tới gần 200.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, việc mua đứt bán đoạn, ép giá từ chuồng nuôi nên nhiều lúc giá heo hơi xuống thấp, gây khó khăn cho người chăn nuôi,...
Hiện nay, có một thực trạng rằng những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không có nhu cầu lên sàn giao dịch do họ có chuỗi cung ứng, họ đã quyết định giá, liên kết với các nhà phân phối. Nhận định về vấn đề này, ông Phú cho hay: “Xã hội muốn phát triển là phải có cạnh tranh, minh bạch và công bằng. Hiện nay, nếu cứ để các doanh nghiệp nước ngoài mua cổ phần, chiếm trên 51% thì sẽ ảnh hưởng đến cả người sản xuất nhỏ lẻ và cả người tiêu dùng, thậm chí là môi trường. Khi họ giao việc chăn nuôi cho người dân, và việc giải quyết xả thải sẽ giao lại cho địa phương, gây nên không ít bất bình.
Bên cạnh đó, vấn đề thuế phí các doanh nghiệp này nộp cho ngân sách cũng đặt ra một dấu hỏi. Nhìn rộng ra, có một thời kỳ các siêu thị báo lỗ liên tục, nhưng cũng liên tục mở rộng chi nhánh. Dây chuyền, nhà máy giết mổ ở Trung Quốc có thể chỉ 1 triệu USD, nhưng sang nước ta khai 2 triệu USD thì cũng rất khó để kiểm toán, từ đó khấu hao khống 1 triệu USD và không có thuế thu nhập doanh nghiệp nữa.
Do đó, vai trò quản lý của Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Làm thế nào để tạo ra sân chơi bình đẳng, cạnh tranh công bằng, tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt”.
Quay lại sàn giao dịch thịt heo, mô hình này được kỳ vọng giúp minh bạch thị trường 800 tấn thịt mỗi ngày, khi thương lái không còn được quyết định giá. Nếu thành công, mô hình này có thể áp dụng trên nhiều tỉnh thành khác, và nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu khác. Tuy nhiên cần triển khai đồng bộ, minh bạch và hiệu quả, không nên nóng vội.
“Cần phải có các quy định rõ ràng, yêu cầu các giao dịch mặt hàng này qua sàn. Các Bộ, ngành tham mưu, ra những chỉ thị rõ ràng về cách thức giao dịch. Khi chứng minh được mô hình này có hiệu quả cho người nông dân, người sản xuất, các doanh nghiệp thì người ta sẽ theo” - Chuyên gia đề xuất.
Về phía doanh nghiệp, chia sẻ trên CafeF, ông Trần Văn Dai – Thành viên HĐQT đồng thời là người chịu trách nhiệm về thươnng hiệu “Heo ăn chuối” tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) cho biết: “Dự án sàn thịt heo này nếu được thực thi sẽ rất tốt cho thị trường, và HAGL sẽ tham gia để giao dịch heo hơi có thương hiệu”.
Trước đó, để gia nhập thị trường heo HAGL đã tiến hành khảo sát. Theo HAGL, thị trường thịt heo trong nước tiêu thụ khoảng 35 triệu con/năm, nhưng sản phẩm rất đa dạng và khó kiểm soát chất lượng. Hiểu được thị trường chăn nuôi rất khốc liệt, trong đó nước ngoài đang chiếm lĩnh và doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ bé, HAGL với sản phẩm riêng là heo ăn chuối và lấy chất lượng làm lợi thế cạnh tranh đặt tham vọng là thế lực cạnh tranh trên thị trường heo thương hiệu trong 2-3 năm tới.