Giá heo dần hồi phục, dự báo sáng cho loạt đại gia ngành thịt
Sự thiếu hụt nguồn cung là yếu tố hỗ trợ giá
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, trong tháng 5, chăn nuôi heo vẫn gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số heo của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 5 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022.
Tuy nhiên, đã có những điểm sáng trở lại. Sau những tháng giá heo hơi giảm, thậm chí xuống ngưỡng 48.000 đồng/kg, thì trong tháng 5 giá heo hơi xuất chuồng đã tăng nhanh trở lại, với mức tăng 10.000-13.000 đồng/kg so với tháng 4.
Ghi nhận từ đầu tháng 5 đến nay, giá lợn hơi trong nước hồi phục mạnh trên diện rộng, tại nhiều tỉnh thành, giá lợn hơi xuất chuồng đã cán mốc 61.000 đồng/kg, tăng đến 20% so với mức giá trung bình hồi tháng 2 năm nay. Đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Thị trường kỳ vọng giá heo hơi tăng nhẹ trong quý II/2023 và sẽ cải thiện rõ rệt trong quý III/2023 khi nhu cầu ăn uống tăng trở lại trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục và việc Trung Quốc phục hồi kinh tế, giá heo nước này đi lên có thể ảnh hưởng một phần thị trường heo Việt Nam.
Ngoài ra, nguồn cung từ các hộ chăn nuôi giảm cũng sẽ tác động đến giá heo những quý tiếp theo. Dự báo nguồn cung heo năm 2023 sẽ không có biến động lớn vì thực tế nhiều hộ chăn nuôi đã cạn vốn để ngay lập tức tái đàn với quy mô lớn do đã chịu lỗ trong hai năm liên tiếp.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Dabaco (mã: DBC) Nguyễn Như So nhận định: “Chủ quan tôi nghĩ giá thịt heo sẽ phải lên tiếp. Bởi vì tổng đàn heo đã giảm từ 28 triệu con xuống còn khoảng 23 triệu con do năm vừa qua dịch bệnh và giá heo giảm, nhiều nông dân giảm tái đàn".
Giảm tổng đàn thì không lý do gì giá heo không lên, trong khi cả nước phải có 32 triệu con heo thịt mới đủ nguồn cung. "Tôi còn kỳ vọng giá heo tới 60.000 – 65.000 đồng/kg”, Chủ tịch DBC nhận định
Ngoài ra, các yếu tố như nhu cầu tiêu thụ tăng tích cực khi thu nhập thực tế của người tiêu dùng tăng lên và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến phục hồi 84% trong quý II và 100% trong quý IV sẽ kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống.
Cũng với phân tích rằng nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và nguồn cung từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm, trong phân tích đầu tháng 3, Chứng khoán VNDirect dự báo giá lợn hơi sẽ tăng 5% trong năm 2023.
Bên cạnh nhu cầu tốt, việc giá nông sản hạ nhiệt từ đầu năm cũng sẽ hỗ trợ ngành, đặc biệt là khi khoảng 75% nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nước ta đã nhập khẩu 398.603 tấn ngô trong tháng 5, giảm 36% so với tháng trước đó. Lũy kế nhập khẩu ngô trong 5 tháng đầu năm nay của nước ta cũng đang thấp hơn 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Hàng hóa Việt Nam cho hay: "Trong bối cảnh lạm phát dần được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ thịt heo của nước ta nhiều khả năng sẽ cải thiện rõ rệt. Kết hợp với việc giá các mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt so với năm ngoái, ngành chăn nuôi nước ta có thể sẽ ghi nhận sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm nay”.
Lợi nhuận doanh nghiệp ngành thịt sẽ có sự cải thiện nửa cuối năm 2023?
Theo chuyên gia từ Sàn hàng hoá Việt Nam, với mức giá heo hơi như hiện tại, các công ty, doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tối đa hoá chi phí đầu vào đã bắt đầu có lợi nhuận.
Tại doanh nghiệp lớn như Dabaco (mã: DBC), năm 2022, kết quả kinh doanh của DBC khá ảm đạm với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 11.558 tỷ đồng, tăng 7% và 5 tỷ đồng, giảm 99% so với cùng kỳ. Với kết quả này, DBC chỉ hoàn thành được 54% kế hoạch về doanh thu và 16% kế hoạch về lợi nhuận mà doanh nghiệp đặt ra từ đầu năm, đây là năm thứ 2 liên tiếp DBC ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi so với cùng kỳ.
Nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh đến từ việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào leo thang. Trong năm 2022, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, cao điểm vào tháng 6 với giá đầu vào 3 loại nguyên liệu là ngô, lúa mỳ, đậu tương lần lượt tăng đến 36%, 42% và 26% so với đầu năm. Trung bình cả năm, giá nguyên liệu thức ăn tăng khoảng 18% so với năm 2021. Điều này khiến cho giá vốn nguyên liệu đầu vào của DBC tăng mạnh 24%, bào mòn lợi nhuận.
Sang quý I/2023, tình hình chưa được khả quan do giá lợn hơi tiếp tục suy giảm. Cụ thể, doanh thu thuần của DBC đạt 2.314 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ và DBC ghi nhận lỗ 321 tỷ. Nguyên nhân của khoản lỗ này đến từ việc doanh thu giảm 18% nhưng giá vốn đầu vào mới chỉ giảm nhẹ 5%. Thêm vào đó, do doanh nghiệp tăng nợ vay nên chi phí lãi vay trong kỳ cũng tăng mạnh lên 69 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, trong đó đã bao gồm tiêu thụ nội bộ. Trong khi mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng cao gấp nhiều lần con số đã đạt được trong năm 2022.
Theo chủ tịch của DBC, kế hoạch của công ty bao giờ cũng tính tới rủi ro. Ví dụ một con heo nái một năm đẻ ra khoảng 28 con thì chỉ chỉ tính 26, quá trình nuôi heo thịt thì tỷ lệ chết chỉ khoảng 5% thì tính toán đưa lên 7%. Lợi nhuận chỉ đưa ra mức 5-7%.
Cùng với dự đoán toàn ngành nói chung và DBC nói riêng sẽ hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023, Chứng khoán An Bình (ABS Research) cho biết thời gian khó khăn nhất của ngành chăn nuôi đã qua. Giá lợn hơi khởi sắc sẽ gỡ khó doanh nghiệp trong thời gian tới.
Cụ thể, chuyên gia kỳ vọng giá lợn hơi năm 2023 trung bình đạt 60.000 đồng/kg, tăng 3% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, giá thức ăn chăn nuôi đầu vào hạ nhiệt giúp biên lợi gộp của DBC được cải thiện.
Bên cạnh đó, ABS Research kỳ vọng DBC sẽ thu về khoảng 700 tỷ từ dự án bất động sản trong năm 2023. Điều này sẽ góp phần giúp kết quả kinh doanh của DBC khởi sắc hơn so với cùng kỳ.
ABS Research cho rằng năm 2022 là đáy chu kỳ của DBC, doanh nghiệp sẽ trên đà phục hồi và tăng trưởng trở lại trong giai đoạn tới. Đơn vị chứng khoán dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2023 của DBC lần lượt đạt 11.366 tỷ đồng, giảm 2% và 203 tỷ đồng, tăng 40 lần so với cùng kỳ.
Về dài hạn, đơn vị phân tích cho rằng DBC vẫn còn động lực tăng trưởng đến từ đầu tư và triển khai các dự án. DBC có kế hoạch mở rộng quy mô đàn lợn với 4 dự án tại Bình Phước, Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ nhằm nâng công suất thiết kế với tổng mức đầu tư lên đến 2.167 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hoá sản phẩm cung ứng ra thị trường cũng là một yếu tố đáng kỳ vọng. Chứng khoán VCBS phân tích, bên cạnh đàn lợn với doanh thu dự kiến khoảng 3.488 tỷ đồng vào cuối năm 2023, doanh nghiệp đang nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm trứng gà mới để đẩy mạnh sản lượng bán vào các nhà máy bánh kẹo với mức giá tăng 20% so với năm trước. Dự phóng doanh thu mảng gà và trứng gà sẽ đóng góp 559 tỷ đồng cho doanh nghiệp trong năm 2023.
Sau khi đầu tư hơn 300 tỷ vào nghiên cứu vắc-xin cho dịch tả lợn Châu Phi, trung tuần tháng 4 vừa qua DBC đã nghiên cứu thành công ra loại vắc-xin với tỷ lệ chết là 0%. DBC sẽ đưa vắc-xin vào sử dụng tối thiểu 2 vùng chăn nuôi của mình trước bao gồm Bắc Ninh và Phú Thọ. DBC đang tích cực hoàn thiện và lắp đặt nhà máy vắc-xin để tháng 6 sẽ bắt đầu đưa vào chạy thử và cho ra sản phẩm thương mại vào quý IV/2023.
Mảng dầu thực vật và khô đậu hạt năm 2022 có mức lợi nhuận đạt 121% kế hoạch. DBC đang nghiên cứu để cho ra các sản phẩm dầu ăn mới đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng như: dầu ăn dặm cho bé, dầu thực vật tốt cho tim mạch,… Dự báo, doanh thu mảng dầu ăn và khô đậu của DBC sẽ đạt khoảng 1.976 tỷ VND trong năm 2023.
Bên cạnh đó, tỷ trọng thức ăn chăn nuôi bán ra ngoài được cải thiện trong năm vừa qua. Mảng thức ăn chăn nuôi và mảng dầu thực vật sẽ đem về doanh thu lần lượt là 4.453 tỷ và 1.976 tỷ đồng trong năm nay.
Nhìn chung, VCBS dự phóng DBC sẽ thu về 11.977 tỷ đồng doanh thu thuần, và 95 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 3,63% và 19 lần so với năm 2022.
Tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG), hầu hết lợi nhuận trong 5 tháng đầu năm 2023 đều đến từ mảng chuối, mảng chăn nuôi heo hầu như không có lãi. Tuy nhiên, HAGL vẫn lên kịch bản từ này đến cuối năm sẽ có lợi nhuận, vì từ tháng 4 năm nay, giá heo đã có dấu hiệu tăng.
Tại ĐHĐCĐ 2023 vừa diễn ra, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Trong năm 2023, trước tình hình kinh tế khó khăn và còn nhiều biến động khó lường, theo cách nói trong bóng đá là 'chúng ta tiếp tục cầm cự để trụ hạng' nên chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng nhẹ. Nhưng là doanh nghiệp sản xuất, vốn để dành của Tập đoàn còn rất nhiều với 3 trụ cột chính là 7.000 ha chuối, 1.000 ha sầu riêng và 10 cụm chuồng trại chăn nuôi heo với công suất lên đến 600.000 con".
Tại CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (mã: BAF), trong năm 2023, BAF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 7.525,91 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301,43 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết, cơ cấu lợi nhuận chủ yếu 192 tỷ đồng từ hoạt động chăn nuôi, chiếm 63,7% tổng lợi nhuận; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi ghi nhận 45,4 tỷ đồng, chiếm 15% và hoạt động kinh doanh nông sản dự kiến 64 tỷ đồng, chiếm 21% tổng lợi nhuận.
VNDirect nhận định, mảng 3F (Feed-Farm-Food) sẽ là "bệ đỡ" cho lợi nhuận toàn tập đoàn trong năm nay. Cụ thể, việc doanh nghiệp tiếp tục mở rộng mô hình, tăng quy mô đàn tăng với các trang trại mới sẽ là những yếu tố để kỳ vọng sự tăng trưởng.
Trong năm 2023, BAF dự kiến xây dựng 3 trang trại mới gồm trang trại tại Bình Phước (công suất 6.250 lợn giống và 30.000 lợn thịt) và 2 trang trại còn lại tại Nghệ An với tổng công suất 5.000 lợn giống và 90.000 lợn thịt. VNDirect ước tính quy mô tổng đàn lợn năm 2023 của BAF sẽ tăng 65,5% so với năm 2022.
Sự đầu tư về cả số lượng trang trại và đàn đã cho thấy quyết tâm tập trung vào mảng chăn nuôi 3F của BAF. Ngoài ra, doanh nghiệp có “heo ăn chay” có nhiều lợi thế so với các đối thủ trực tiếp trong việc thiết lập mạng lưới phân phối trong giai đoạn 2 năm tới.