Chuyên gia: Trung Quốc nên bổ sung gói kích thích mới để vượt bão thuế quan

Khánh Ly 20:00 | 11/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung Quốc nên xem xét một gói bổ sung trị giá từ 1.000-1.500 tỷ nhân dân tệ trong 12 tháng để thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế từ mức thuế 20-30% của Mỹ.
 

Các học giả, trong đó có một cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương), cho rằng nước này nên bổ sung một gói kích thích mới trị giá lên tới 1.500 tỷ nhân dân tệ (209 tỷ USD) để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và duy trì sự linh hoạt của đồng tiền nhằm đối phó với những lực cản tăng trưởng do thuế quan của Mỹ gây ra.

Ông Huang Yiping, một thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ thuộc PBoC, cùng hai chuyên gia khác đã viết trong một báo cáo công bố ngày 11/7 rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với "những xáo trộn mới" kể từ tháng Tư, thời điểm thuế quan của Mỹ tăng vọt, bên cạnh tình trạng giảm phát kéo dài.

Các tác giả báo cáo, bao gồm ông Guo Kai, một cựu quan chức PBoC, và ông Alfred Schipke, Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng để giải quyết những thách thức đang biến đổi này, Trung Quốc phải áp dụng một cách điều tiết ngược chu kỳ kinh tế mạnh mẽ hơn để duy trì tăng trưởng ổn định, đồng thời đẩy mạnh cải cách cơ cấu một cách quyết liệt.

Theo các tác giả, chính quyền nên xem xét một gói bổ sung trị giá từ 1.000-1.500 tỷ nhân dân tệ trong 12 tháng để thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế từ mức thuế 20-30% của Mỹ.

Con số này cao hơn đáng kể so với khoản 300 tỷ nhân dân tệ mà Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch vay trong năm nay, thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài để trợ cấp cho hoạt động mua sắm của người tiêu dùng, trong khuôn khổ sáng kiến chủ lực nhằm thúc đẩy chi tiêu.

Các chuyên gia kinh tế nhìn chung dự đoán Chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng thêm những chính sách trong những tháng tới, để bảo vệ nền kinh tế khỏi khả năng sụt giảm xuất khẩu do thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và việc Mỹ tăng cường giám sát hoạt động vận chuyển hàng hóa Trung Quốc qua các nước thứ ba.

Ở trong nước, thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn và áp lực giảm phát ngày càng gia tăng khi các doanh nghiệp phải giảm giá để giữ chân khách hàng.

Ông Huang và các đồng nghiệp cũng nhận thấy PBoC còn dư địa để cắt giảm thêm lãi suất chính sách và hướng dẫn các ngân hàng hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR). Họ đề xuất PBoC nên duy trì “đủ” tính linh hoạt cho đồng nhân dân tệ để hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài trong tương lai.

Theo các tác giả, về lâu dài, chính phủ cần mở rộng cơ sở thuế thu nhập cá nhân và đơn giản hóa cấu trúc thuế giá trị gia tăng, như một phần của những cuộc cải cách nhằm đảm bảo sự bền vững tài khóa.

Các tác giả cũng kêu gọi chính phủ quản lý rủi ro liên quan đến những khoản vay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải phóng năng lực của các ngân hàng trong việc cấp tín dụng mới cho những lĩnh vực sản xuất hiệu quả hơn.

Báo cáo cho biết, sau nhiều năm thực hiện các chính sách khuyến khích cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với việc gia hạn thời gian trả nợ, dư nợ cho vay đối với nhóm này hiện đã vượt quá mức tương đương 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, tăng mạnh từ mức 37% GDP vào năm 2019.