Chuyên gia VNDirect: Nghị định 81 - tổ chức tư vấn, phát hành sau “thanh lọc” sẽ tạo thị trường mới
Chuyên gia Vương Hoàng Sơn - Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect nhận định Nghị định 81 sẽ “thanh lọc” nhiều nhà phát hành trái phiếu. Những tổ chức phát hành còn lại sẽ tạo thị trường trái phiếu mới.
Bị loại chiếm phần lớn
Chuyên gia tài chính Vương Hoàng Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh Trái phiếu, VNDirect cho rằng, Nghị định số 81 sửa đổi nhiều quy định về điều kiện phát hành trái phiếu so với quy định cũ đang đặt ra bài toán mới, không chỉ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà cho cả đơn vị tư vấn, phân phối để hướng tới phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững hơn.
Theo đó, Nghị định số 81 ảnh hưởng trực tiếp tới hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ, các nhà đầu tư chuyên nghiệp ảnh hưởng không nhiều. Đó là ảnh hưởng lớn nhất đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe hơn khi phát hành trái phiếu ra công chứng – doanh nghiệp phải tự thay đổi hoặc dừng lại việc phát hành.
Muốn phát hành ra công chúng, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn, phải xin giấy phép của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Trước đó, khi phát hành riêng lẻ, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo, không cần xin phép. Thực trạng trước đó doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng mục đích lại bán rộng rãi sẽ bị siết lại. Các tổ chức phát hành cũng như tổ chức tư vấn sẽ không làm được theo hướng tìm nhiều nhà đầu tư cá nhân để bán nữa, mà bắt buộc phải làm thủ tục phát hành ra công chúng.
Nghị định 81 và tiếp đó là Luật Chứng khoán có hiệu lực vào vào đầu năm 2021 sẽ khiến cho các tổ chức tư vấn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bị loại chiếm phần lớn. Quá trình “thanh lọc” này đồng nghĩa với việc chỉ có tổ chức tư vấn, phát hành được cấp phép mới được phát hành ra công chúng. Điều này không phải tổ chức nào cũng làm được, bởi vì phát hành phiếu, niêm yết phiếu theo quy định mới yêu cầu thời gian và thủ tục chặt chẽ hơn. Các tổ chức tư vấn, phát hành vượt qua sự “thanh lọc” trên sẽ tạo nên thị trường mới cho TPDN.
Chuyên gia tài chính Vương Hoàng Sơn, Trưởng phòng Kinh doanh Trái phiếu, VNDirect
Đừng để mất niềm tin
Đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn, phân phối TPDN, chuyên gia tài chính Vương Hoàng Sơn cho rằng cũng như mọi kênh đầu tư khác, trước khi quyết định mua bán, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức nhất định về sản phẩm, về thị trường để trả lời những câu hỏi cơ bản: Trái phiếu doanh nghiệp có phù hợp với nhu cầu đầu tư của mình hay không? Những lợi ích và rủi ro cơ bản của trái phiếu là gì? Nên phân bổ đầu tư vào trái phiếu với tỷ trọng như thế nào?
Ảnh minh họa
Để giảm thiểu các rủi ro, nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm nên tìm đến những tổ chức tư vấn, phân phối lớn, có uy tín trên thị trường để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể hơn về sản phẩm.
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, thị trường TPDN hiện đang còn nhiều thứ vướng. Về pháp lý, khung pháp lý của Việt Nam về TPDN còn thiếu khá nhiều khiến nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp chưa muốn đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.
Cùng với đó, quy định về mức thuế của Việt Nam tương đối cao nên thị trường chưa thực sự thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Xếp hạng tín nhiệm chung của Việt Nam hiện chưa cao nên hầu hết nhà đầu tư, phát hành TPDN đều là tổ chức trong nước, nhà đầu tư nước ngoài tham gia không đáng kể.
Để thị trường TPDN đạt được kỳ vọng, đặc biệt là thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, lời khuyên cho doanh nghiệp là cần nhanh chóng cập nhật quy định của Nghị định 81, các nội dung liên quan đến Luật Chứng khoán mới, từ đó, biết được hình thức huy động vốn nào là phù hợp; tìm hiểu được ưu nhược điểm của phương pháp phát hành, lựa chọn hình thức huy động vốn chính xác, phù hợp với nhu cầu của mình.
Tiếp đó, khi đã phát hành trái phiếu, một trong những yêu cầu của nhà đầu tư là thông tin doanh nghiệp cung cấp phải đầy đủ minh bạch. Doanh nghiệp phải minh bạch thông tin về tình hình hoạt động, sử dụng vốn huy động từ trái phiếu và việc cung cấp thông tin này đem lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp, tạo uy tín cho nhà nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp. Doanh nghiệp đừng để mất niềm tin, nếu không sẽ rất khó huy động vốn tiếp sau.
Đối với nhà đầu tư, nhà đầu tư phải hiểu rõ cái lợi hay rủi ro từ khoản đầu tư. Cần tìm hiểu doanh nghiệp hoạt động thế nào trong suốt quá trình, từ đó, đánh giá mức độ rủi ro và lãi suất có phù hợp hay không để ra quyết định mua bán chính xác. Đứng dưới góc độ các nhà đầu tư nhỏ, nhà đầu tư cá nhân thì nên lựa chọn đơn vị bán, phân phối trái phiếu, tổ chức phát hành có uy tín – đó là doanh nghiệp thuộc công ty đại chúng quy mô lớn, niêm yết trên sàn, công bố thông tin minh bạch đầy đủ. Nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ các thủ tục giao dịch, các loại hợp đồng mua bán trái phiếu.
Sau Nghị định 81, nhà tư vấn, phân phối buộc phải thích ứng với điều kiện mới. Cùng với đó, vai trò và trách nhiệm của nhà tư vấn được đẩy lên cao hơn. Bản thân các tổ chức tư vấn phát hành kém cũng sẽ bị “thanh lọc” dần. Thời gian qua, hầu hết thị trường vẫn là dạng phát hành riêng lẻ, rất ít tổ chức tư vấn phát hành làm theo hình thức ra công chúng. Sau Nghị định 81, bản thân các tổ chức này phải quay sang tìm hiểu, đẩy mạnh dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu ra công chúng. Thị trường TPDN sẽ minh bạch hơn về công bố thông tin, giao dịch trên thị trường.
Dự báo, thị trường TPDN sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi Nghị định 81. Khối lượng phát hành, giá trị phát hành sẽ còn giảm từ nay đến cuối năm, bởi một loạt tiêu chí mới khiến nhiều tổ chức phát hành không đáp ứng được dẫn đến thị trường trầm lắng.
Thị trường TPDN cần thời gian tích lũy vài năm mới có thể phát triển quy mô như cũ. Trong ngắn hạn, thị trường không sôi động được những năm trước, đặc biệt tình hình kinh tế đang bị tác động mạnh bởi Covid -19 và bão lũ.
Minh Hoa