Chuyển hướng đầu tư xây dựng nông thôn mới

17:19 | 27/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng ngày 27/7, tại Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức Hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nêu rõ cần chuyển hướng đầu tư xây dựng nông thôn mới.


Chuyển hướng đầu tư xây dựng nông thôn mới - ảnh 1
Hội nghị toàn quốc về xây dựng nông thôn mới

Ưu tiên cho các thôn, bản, ấp đạt các tiêu chí cơ bản của nông thôn mới

Sau 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất mới đem lại thu nhập cao, đời sống nhân dân nông thôn được cải thiện. Đến tháng 7/2018, cả nước có 3.370 xã (chiếm 37,76% tổng số xã của cả nước) được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, có 53 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 1.922 xã dưới 10 tiêu chí (trong đó có 103 xã dưới 5 tiêu chí), trong số đó có khoảng 363 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt dưới 10 tiêu chí (trong đó có 52 xã dưới 5 tiêu chí). Những tiêu chí còn lại chưa đạt hầu hết là những tiêu chí quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng sống của người dân nông thôn như: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, mặc dù được ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí nhưng đầu tư trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều, hầu hết tập trung vào các công trình cấp xã nhưng do thiếu vốn nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả. Nhiều công trình dở dang nên không thể đưa vào sử dụng và phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều thôn, bản khó khăn, hẻo lánh vùng xa, vùng cao hầu như chưa được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chính vì vậy, thu nhập của người dân còn rất thấp (nhiều xã chỉ đạt bình quân 7-8 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/4 bình quân cả nước), thiếu mô hình sản xuất bền vững, chưa phát huy được nội lực và điều kiện đặc thù tại chỗ, thiếu tính kết nối thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi.

Do vậy, xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản, ấp là cách thức tiếp cận mới, sáng tạo của của nhiều tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế mà địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trải rộng, lại có địa hình chia cắt, phức tạp.

Thay vì tập trung đầu tư để hình thành các xã nông thôn mới ở vùng cao, các địa phương trên đã chuyển hướng đầu tư cho các thôn, bản, ấp đạt các tiêu chí cơ bản của nông thôn mới, trực tiếp tác động tới sinh hoạt, đời sống của từng hộ gia đình ở các bản, ấp. Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên của cả nước đã ban hành được bộ tiêu chí riêng của tỉnh về thôn, bản nông thôn mới.

Thay đổi đời sống vùng “phên dậu”

Phát biểu tại Hội nghị, biểu dương kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, yêu cầu từ nay tới năm 2020, xây dựng thôn, bản, ấp NTM sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

“Xây dựng NTM luôn phải có sức sống mới dựa vào tư duy mới, cách làm mới. Trong giai đoạn này sự chỉ đạo của Trung ương là quan trọng nhưng sự sáng tạo của người dân, cộng đồng là quyết định cho thành công của chương trình", Phó Thủ tướng nói.

Trưởng Ban Chỉ đạo dẫn chứng đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM mới như NTM kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, chương trình mỗi xã một sản phẩm và đã thành công ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Nam Định..., góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn ở các tỉnh này.

Về bộ tiêu chí xã NTM nói chung, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ và người dân không thể thu xếp đủ nguồn lực để nhanh chóng xây dựng các xã ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoàn thành 19 tiêu chí vì dân cư phân tán, địa hình trải dài, chia cắt.

Lấy ví dụ ở tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Văn Sơn tính toán rằng nếu để hơn 100 xã còn lại đạt chuẩn NTM thì cần phải đầu tư tới hơn 20.000 tỷ đồng (trung bình đầu tư 200 tỷ đồng/xã) - con số mà ngân sách và sự ủng hộ của xã hội không thể đáp ứng nổi trong ngắn hạn.

Từ thực tiễn của địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, địa phương xây dựng Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”, tập trung cho các xã đang đạt dưới 10 tiêu chí.

“Khi đời sống cư dân nông thôn ở đồng bằng ngày một thay đổi mà đời sống của bà con ở những vùng sâu, địa bàn “phên dậu” của Tổ quốc vẫn còn nhiều khó khăn thì không thể như vậy được”, Trưởng Ban Chỉ đạo bày tỏ và quán triệt tới Hội nghị việc triển khai Đề án trong thời gian tới song song với việc triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh không chỉ có 35 địa phương trong phạm vi Đề án triển khai thực hiện mà các địa phương khác có địa bàn khó khăn dưới 10 tiêu chí cũng cần chủ động rà soát, thực hiện theo phương châm khơi dậy tính chủ động của người dân, cộng đồng ở thôn, bản, ấp.

Để tăng cường nguồn lực thực hiện chương trình, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức tín dụng chính sách nghiên cứu, cung cấp dịch vụ tín dụng phục vụ cho Đề án này, tập trung vào các tiêu chí phục vụ sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu...

Các bộ, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả giải pháp về tuyên truyền, tập huấn để nâng cao năng lực, kiến thức cho cấp ủy và chính quyền các cấp, nhất là cán bộ, những người có uy tín trong cộng đồng làm công tác xây dựng NTM ở xã, thôn, bản, ấp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm khu vực trưng bày các sản phẩm trong khuôn khổ Hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung

Trong quá trình hỗ trợ các thôn, bản, ấp xây dựng NTM, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phải chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng dân cư; để cộng đồng dân cư tự bàn bạc, thống nhất lựa chọn các công trình, nội dung thực hiện thiết thực, phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân gắn với các chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật, mỗi xã một sản phẩm.

Xây dựng đề án hỗ trợ cho 3.500 thôn, bản, ấp khó khăn

Theo ông Trần Thanh Nam, Đề án sẽ hỗ trợ cho khoảng 3.500 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của 35 tỉnh, trong đó có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu của Đề án là góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào năm 2020.

Cụ thể, tại các xã thuộc phạm vi đề án, tỉ lệ hộ nghèo giảm ít nhất từ 3-4% bình quân hằng năm, thu nhập của người dân tại các xã thuộc phạm vi Đề án tăng ít nhất 1,6-1,8 lần so với năm 2015.

Các thôn, bản, ấp đạt được các mục tiêu: Có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mô hình mỗi làng một sản phẩm; cơ bản hoàn thành một số công trình hạ tầng thiết yếu cấp thôn, bản phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; phấn đấu 50% thôn, bản ấp trong phạm vi Đề án được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản do UBND cấp tỉnh ban hành.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, Đề án xác định dành 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trích từ tổng số 10% vốn dự phòng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cho các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi hỗ trợ của Đề án.

Vốn phân bổ hằng năm của Trung ương cho các địa phương theo hệ số ưu tiên để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, ngân sách địa phương, vốn tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại và ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam hỗ trợ cho vùng khó khăn,...

Đề án cũng đặt ra yêu cầu các nội dung được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương phải có sự tham gia đối ứng của cộng đồng bằng tài sản hoặc ngày công lao động trên nguyên tắc tự nguyện. Khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức việc làm công để tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập khi tham gia ngày công lao động để thi công công trình.