Chuyến thăm của Tổng Bí thư thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Pháp
Nhân chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai quốc gia đã ra tuyên bố chung, với 29 điểm, trong đó có nhiều nội dung đề cập đến khía cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, với những dự án, chương trình, lĩnh vực rất cụ thể.
Chẳng hạn, Điểm 13 của Tuyên bố chung nêu rõ: "Hai bên bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời tiếp tục nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp hai nước thâm nhập vào thị trường của nhau. Hai bên tái khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp dài hạn, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng và vũ trụ. Hai bên đặc biệt hoan nghênh sự hợp tác hình mẫu trong lĩnh vực hàng không, thể hiện qua việc ký các hợp đồng mới giữa Hãng hàng không Tre Việt và Airbus, giữa Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và Công ty kỹ thuật bảo dưỡng máy bay Air France, cũng như hợp đồng liên doanh giữa Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và Air France. Hai bên nhất trí ủng hộ các giải pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh hoàn thành dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội."
Đáng chú ý, trong chương trình làm việc của mình, Tổng Bí thư đã dành nhiều thời gian trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp, giới chủ hàng đầu của Pháp.
Gặp gỡ đại diện Hiệp hội Giới chủ Pháp (MEDEF) sáng 27/3 tại Thủ đô Paris, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư, DN Pháp phù hợp với định hướng phát triển và chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam. Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất và bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, các nhà đầu tư Pháp nói riêng. Tổng Bí thư mong rằng các nhà đầu tư, các DN Pháp sẽ kinh doanh thành công, bền vững lâu dài tại Việt Nam.
Và chính ngay tại cuộc gặp gỡ này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến một số DN hai nước trao 5 văn bản, thỏa thuận hợp tác: Thỏa thuận giữa VietJet Air và Tập đoàn Safran-CFN về cung cấp 321 động cơ và các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho 148 tàu bay của VietJet Air; hợp đồng giữa VietJet Air và Công ty Gecas France về thuê mua 6 tàu bay A321 neo trị giá 800 triệu USD; Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Boyugues về cải tạo sân vận động Hàng Đẫy (trị giá 250 triệu euro); Bản ghi nhớ (MOU) giữa Tập đoàn FPT và Airbus về việc xây dựng năng lực và đội ngũ tư vấn, phát triển nền tảng dữ liệu Skywise của Airbus; MOU giữa Tập đoàn FPT và Tập đoàn Geopost về việc giúp hiện đại hóa hệ thống IT, tăng hiệu quả hoạt động của Geopost.
Tiếp xúc, gặp gỡ lãnh đạo một số doanh nghiệp hàng đầu của Pháp như: Airbus, Bouygues, Total - những doanh nghiệp đã và đang có nhiều dự án hợp tác đầu tư tại Việt Nam, Tổng Bí thư hoan nghênh các tập đoàn này đã hợp tác tốt đẹp với các đối tác Việt Nam trên những lĩnh vực thế mạnh của họ và Việt Nam đang rất cần trong quá trình phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển theo hướng thiết thực, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân ở cả hai nước nói riêng và hai khu vực ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
Đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Pháp phù hợp với định hướng phát triển và chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam, Tổng Bí thư đặt kỳ vọng cao vào sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn Pháp tại Việt Nam.
Khi đưa tin về chuyến thăm của Tổng Bí thư, rất nhiều cơ quan báo chí của Pháp cũng nhấn mạnh đến những thỏa thuận và triển vọng về hợp tác kinh tế-thương mại mà hai nước đạt được nhân chuyến thăm.
Tờ Les Echos ngày 27/3 nhấn mạnh cuộc gặp gỡ và hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có mục tiêu hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam - một trong những nước năng động nhất ở châu Á, với tốc độ tăng trưởng trên 6% mỗi năm kể từ đầu thế kỷ 21, và được các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm 2018.
Tờ báo đánh giá với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có thể được phê chuẩn và có hiệu lực từ nay đến cuối năm 2018, và việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế nhanh chóng.
Les Echos đã điểm lại quan hệ hợp tác kinh tế Pháp-Việt. Với tổng vốn đầu tư khoảng 2,8 tỷ USD, Pháp hiện là nhà đầu tư đứng thứ 16 tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp với giới chủ doanh nghiệp hai nước, nêu những lĩnh vực hợp tác quốc tế cùng quan tâm như năng lượng, chế biến lương thực-thực phẩm, vận tải, y tế, kỹ thuật số…
Trong khi đó, bà Lisa Sankari, phóng viên tờ l'Humanite, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, nhận định chuyến thăm diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Pháp là nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có thể đóng vai trò nhất định trong quá trình giúp Việt Nam mở cánh cửa vào châu Âu. Ngoài các vấn đề chính trị, bà Sankari nói hai nước có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác như năng lượng và môi trường.
Tờ báo chuyên về kinh tế của Pháp Challenges và đài truyền hình BFMTV ngày 27/3 cũng đã điểm các hợp đồng kinh tế được ký kết giữa Pháp và Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Có thể nói, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ Việt-Pháp, tăng cường tin cậy chính trị, đưa quan hệ hợp tác kinh tế phát triển tương xứng hơn với quan hệ chính trị tốt đẹp, đẩy mạnh hợp tác chiến lược, tạo chuyển biến mạnh mẽ để thúc đẩy và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại buổi gặp gỡ báo chí hai nước ngay sau cuộc hội đàm.