Có cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số?
Dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số
Theo Bộ TT&TT, Luật Công nghệ thông tin 2006, Nghị định 71/2007/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn đã hình thành và tạo hành lang pháp lý phát triển ngành công nghiệp ICT Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành công nghiệp này chưa đạt như kỳ vọng do còn một số bất cập.
Cụ thể là một vài quy định mâu thuẫn, chồng chéo với luật khác và chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực thi.
Ngoài ra, do pháp luật về công nghiệp ICT được xây dựng hơn 10 năm trước nên chưa điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ các xu thế phát triển công nghệ và xu thế dịch chuyển của ngành công nghiệp ICT sang công nghệ số. Chẳng hạn như chưa có quy định liên quan đến các công nghệ số mới của cuộc CMCN 4.0 và mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như tiền mã hóa, các sản phẩm tạo bởi cá nhân dưới dạng điện tử; chưa có cơ chế bảo vệ người dùng, người sáng tạo đối với loại tài sản số này… Dự thảo Báo cáo đưa ra chính sách về đối tượng quản lý; các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; chính sách về bảo hộ, vốn, đầu tư và ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số…Văn bản này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, phần cứng và dịch vụ nội dung số.
Một dây chuyền sản xuất ô tô tự động
Bộ TT&TT đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp ICT, công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho ngành công nghiệp này phát triển.
Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được xây dựng dựa trên việc kế thừa những quy định phù hợp của Luật Công nghệ thông tin năm 2006 và đồng bộ với các luật chuyên ngành liên quan. Phù hợp với những điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia có liên quan đến lĩnh vực công nghiệp ICT, công nghệ số. Giải quyết được những tồn tại, rào cản cho sự phát triển công nghiệp CNTT, công nghiệp công nghệ số.
Theo đó, Luật Công nghiệp công nghệ số quy định về hoạt động công nghiệp công nghệ số; quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động công nghiệp công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thực thi pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin và các chương trình, kế hoạch phát triển, ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin năm 2020 đạt 123,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015- 2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.
Bên cạnh các kết quả, sự phát triển nhanh của ngành thời gian qua cũng phát sinh những tồn tại bất cập trong hệ thống pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin về đối tượng quản lý; thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ công nghệ mới; biện pháp đảm bảo phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin.
Có nhất thiết phải xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số?
Theo dự thảo, công tác quản lý và thúc đẩy hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin thời gian quan đã bộc lộ một số vướng mắc do việc thiếu đồng bộ trong khái niệm, phân loại các loại hình công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là sự xuất hiện của công nghệ số chưa được định nghĩa trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên khó khăn trong việc áp dụng chế tài và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển. Việc phân loại các loại hình công nghiệp công nghệ thông tin đã bộc lộ một số vướng mắc, thiếu đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
Cùng đó, hoạt động công nghiệp phần mềm gặp một số vướng mắc trong áp dụng pháp luật do khái niệm và phạm vi các hoạt động công nghiệp phần mềm chưa phù hợp, chưa theo kịp xu thế phát triển. Công nghệ số xuất hiện là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin đặt ra những yêu cầu quản lý mới, nhưng chưa được quy định, định nghĩa trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nên khó khăn trong việc áp dụng chế tài và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển…
Một dây chuyền sản xuất Camera AL của doanh nghiệp trong nước
Do vậy, việc xác lập phạm vi điều chỉnh, đối tượng quản lý trong các hoạt động công nghiệp công nghệ số trên cơ sở kế thừa và thay thế những quy định về công nghiệp công nghệ thông tin trong Luật Công nghệ thông tin, làm cơ sở để ban hành chính sách quản lý thúc đẩy, biện pháp bảo đảm phát triển ngành công nghiệp công nghệ số phù hợp với thực tiễn phát triển là cần thiết.
Cũng theo dự thảo, hành lang pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin hiện tại đang thiếu các quy định pháp lý cho việc phát triển và thương mại hoá các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, Internet kết nối vạn vật, các sản phẩm mới, dịch vụ mới là kết quả của sự sáng tạo, đổi mới trong ứng dụng công nghệ số, dịch vụ số vào các ngành, lĩnh vực...
Các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới gặp nhiều khó khăn do chưa được đặt tên, phân loại, chưa có chế tài để áp dụng, chưa có chính sách để hỗ trợ. Doanh nghiệp có thể gặp rủi ro, sự không ổn định khi đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới nếu thiếu các quy định pháp lý.
Ngay cả việc thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới cũng có thể gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần có các quy định pháp lý đột phá nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời kiểm soát, hạn chế được tối đa rủi ro.
Trong thời gian tới, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục phát triển mạnh. IDC dự báo thị trường ngành công nghiệp ICT toàn cầu năm 2021 đạt trên 5.100 tỷ USD, trong đó các công nghệ mới (như AI, robot, AR/VR, blockchain,…) đạt trên 1000 tỷ USD. Toàn ngành công nghiệp ICT sẽ tiếp tục tăng trưởng gấp hơn 2 lần GDP. Các công nghệ mới sẽ chiếm thị phần lớn hơn trên thị trường, từ 19,6% vào năm 2021 lên 30,5% vào năm 2023.
Trong bối cảnh này, việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết. Luật sẽ là hành lang pháp lý để ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục phát triển mạnh hơn, bền vững hơn và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.
Huy Hùng