Đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia từ nhiều công ty chứng khoán, quỹ quản lý... đều thống nhất nhận định rằng thị trường chứng khoán đang ở trong một giai đoạn hết sức thuận lơi. Trên thế giới, kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm giảm lãi suất (có thể vào tháng 9 tới), làm cho đồng USD giảm bớt sức mạnh và qua đó giảm bớt áp lực tỷ giá.

Trong nước, môi trường lãi suất thấp sẽ tiếp tục được duy trì, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và sự phục hồi của doanh nghiệp, đồng thời cũng thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước đổ vào TTCK khi kênh tiết kiệm giảm bớt sức hấp dẫn. 

  Nguồn: VDSC 

Tuy triển vọng của thị trường được nhận định là rất thuận lợi và tích cực, trong cập nhật TTCK mới nhất, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra 3 kịch bản chi VN-Index cuối năm nay.  Ở kịch bản cơ sở khả năng cao, VN-Index kết thúc năm ở mốc 1.298 điểm. Trong khi ở kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể quay về vùng tiệm cận 1.200 điểm và ở kịch bản tích cực, chỉ số hướng đến 1.425 điểm.  

Trong khi đó, cũng tại cập nhật mới nhất vào đầu tháng 6, nhóm phân tích từ chứng khoán VNDirect dự báo VN-Index sẽ chạm mốc 1.320-1.350 điểm vào cuối năm 2024, dựa trên mức P/E mục tiêu khoảng 14,3 lần và dự phóng tăng trưởng lợi nhuận cho các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE trong khoảng 16-18%.  

Tại tài liệu họp Đại hội cổ đông công bố vào đầu tháng 4, Chứng khoán SSI cũng nhận định giá trị hợp lý cho VN-Index cuối năm 2024 là 1.300 điểm với thanh khoản thị trường dao động khoảng 18.000-20.000 tỷ đồng/phiên.

Trong bối cảnh triển vọng thị trường như vậy, nhóm cổ phiếu nào tiềm năng ‘upside’ từ nay đến cuối năm? Nhóm nào đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của các quỹ đầu tư?  Dưới đây, người viết ghi lại khuyến nghị của một số chuyên gia từ các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán về triển vọng một số nhóm ngành và gợi ý cho nhà đầu tư trong giai đoạn từ nay đến cuối năm:

 

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): 

"Tăng trưởng tín dụng, biên lợi nhuận và chất lượng tài sản là 3 thách thức của ngành ngân hàng năm nay"

Về bức tranh chung của ngành ngân hàng năm nay, VDSC dự báo lợi nhuận toàn ngành trong 2024 sẽ phục hồi tốt hơn so với 2023. Nếu 2023, tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng chỉ ở mức 1 chữ số thì năm nay, mức dự phóng mà VDSC đưa ra đang ở khoảng 15-20%. Mức dự phóng cao này một phần được hỗ trợ bởi mức nền thấp của 2023 khi cả hệ thống ngân hàng bước vào giai đoạn trích lập dự phòng khi nợ xấu tăng khá nhanh trong năm. 

 

Mặc dù về cơ bản, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 có thể cải thiện hơn, tuy nhiên chúng tôi cho rằng toàn ngành vẫn đối diện những thách thức lớn. 

Thứ nhất, về tăng trưởng tín dụng, trong 5 tháng đầu năm, có thể thấy mức độ hấp thụ vốn của toàn nền kinh tế vẫn còn khá chậm. Mặc dù các hoạt động kinh tế đã cho thấy tín hiệu phục hồi nhưng chưa thực sự bứt phá, trong khi tăng trưởng tín dụng sẽ còn đi sau cả sự phục hồi kinh tế.

Tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể rõ ràng hơn từ cuối quý III, khi việc làm và thu nhập của người dân cải thiện dần trên nền tảng các đơn hàng xuất khẩu tăng dần trở lại từ những tháng gần đây. 

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong năm nay theo tôi sẽ phụ thuộc khá nhiều vào tăng trưởng tín dụng của những ngân hàng có đặc thù đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Thực tế trong quý I/2024, những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao là những ngân hàng có hệ sinh thái đối tác doanh nghiệp đặc thù. Diễn biến này có thể kéo dài đến hết năm nay, và động lực từ khối khách hàng doanh nghiệp sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng năm nay. Còn nhóm ngân hàng bán lẻ, có thể chờ đợi tăng trưởng tín dụng của nhóm này cải thiện khi tăng trưởng việc làm và thu nhập của người dân có sự cải thiện rõ hơn, như chúng tôi đang kỳ vọng vào cuối năm nay.

 Tăng trưởng tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết trong quý I đạt 1,9% so với đầu năm. Nguồn: ACBS 

Thứ hai, là vấn đề biên lợi nhuận. Có thể thấy NIM của ngân hàng đã tạo đáy từ quý III/2023 và cho đến quý IV/2023, chi phí vốn đã giảm khá sâu khi phần chi phí vốn giá cao và kỳ hạn dài từ cuối 2022 đã dần đáo hạn và chuyển thành tỷ lệ CASA tăng lên đáng kể vào quý IV. Tuy nhiên bước sang quý I/2024, NIM đã có sự điều chỉnh nhẹ. Mặc dù chi phí vốn tiếp tục được cải thiện nhưng tăng trưởng tín dụng thấp cùng cạnh tranh lãi suất đầu ra đã ảnh hưởng nhiều đến biên lợi nhuận của các ngân hàng.

VDSC dự báo NIM trong thời gian tới sẽ có sự cải thiện nhưng hạn chế, và sẽ có sự phân hóa tùy theo từng ngân hàng với từng chiến lược kinh doanh khác nhau.

NIM ngân hàng đi xuống trong quý I/2024 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp cùng cạnh tranh lãi suất đầu ra. Ảnh: ACBS

Thứ ba, về chất lượng tài sản. Chất lượng tài sản của các ngân hàng đã có sự cải thiện nhẹ kể từ quý III - quý IV/2024 khi tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tạo đỉnh trong quý II/2023. Tuy nhiên đến quý I/2024, do tác động của một số nhóm khách hàng cá nhân, đặc biệt ở nhóm sản phẩm vay mua bất động sản và một số nhóm đặc thù khác, đã ảnh hưởng khá nhiều đến tỷ lệ nợ xấu ngân hàng. Cộng với tác động gián tiếp từ CIC đã cho bức tranh nợ xấu và chất lượng tài sản của ngân hàng có sự suy giảm nhẹ trong quý I.

Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm sẽ có những yếu tố hỗ trợ cho sự cải thiện chất lượng tài sản của hệ thống, chẳng hạn lãi suất vay đã giảm đáng kể so với cuối năm ngoái sẽ góp phần củng cố khả năng trả nợ của khách hàng vay…

Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đang có dấu hiệu tăng trở lại trong quý I/2024. Ảnh: ACBS

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc khối phân tích Chứng khoán VPS:

"Năm nay, cổ phiếu ngân hàng không phải nhóm ưu tiên cao"

 

Trong quá trình nghiên cứu về nhóm ngân hàng, khi đánh giá lợi nhuận trước trích lập của nhóm ngân hàng năm nay, chúng tôi nhận thấy rằng một số ngân hàng cũng có tăng trưởng lợi nhuận khá tốt. Không chỉ tăng trưởng lợi nhuận trước trích lập, cả lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng, biên lợi nhuận (NIM) và kinh doanh ngoài lãi cũng có sự cải thiện…

Tuy nhiên ngân hàng là nhóm vốn hóa lớn và trên quan điểm đầu tư của chúng tôi, nhóm này phải được định giá một cách đặc biệt hơn các nhóm ngành khác, mà chúng tôi gọi là mô hình kinh doanh vượt trội. Tức là thứ nhất phải có đột biến về doanh thu và lợi nhuận, thứ hai là có chất xúc tác như M&A và yếu tố khối ngoại. Nếu không có những yếu tố này thì rất khó để một cổ phiếu ngân hàng có thể đột phá. 

Chính vì thế, năm nay, theo tôi nhóm ngân hàng nhìn chung không phải là nhóm ưu tiên cao so với các nhóm ngành khác. Dù vậy, đây cũng là một nhóm mà nhà đầu tư có thể phân bổ tiền, nhất là đối với những ai có khẩu vị rủi ro không cao, thích sự ổn định, an toàn. Tuy nhiên, theo tôi tỷ trọng phân bổ cho nhóm này chỉ nên ở mức vừa phải và nhà đầu tư nên tìm những cổ phiếu ngân hàng có yếu tố đặc biệt.

 

Ông Nguyễn Sang Lộc, Giám đốc nghiệp vụ, Quản lý danh mục đầu tư Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam:

"Top 3 ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của Dragon Capital là: bán lẻ, ngân hàng và công nghệ thông tin"

Từ góc độ nhà quản lý quỹ, theo tôi chiến lược chung cho năm nay vẫn là đầu tư phòng thủ, đầu tư vào những doanh nghiệp lớn, ổn định, có chia cổ tức. Tuy nhiên những doanh nghiệp này thường không đáp ứng kỳ vọng tăng giá, do đó bên cạnh nhóm doanh nghiệp lớn và ổn định, chúng tôi cũng phân bổ danh mục vào những nhóm ngành, những doanh nghiệp kỳ vọng có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận.

Sau khi mùa BCTC quý I qua đi, chúng ta thấy rõ sự sự phục hồi đến từ nhiều nhóm ngành khác nhau, nhiều nhóm doanh nghiệp từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tập trung vào những ngành kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhất, chẳng hạn nhóm sản xuất, xuất khẩu, là nhóm đã chứng kiến đơn hàng khởi sắc mạnh.

Bên cạnh đó, những ngành kỳ vọng vẫn có sự ổn định như ngân hàng, tuy rằng lãi suất vừa rồi có giảm tác động đến biên lợi nhuận, nhưng nhóm này vẫn đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ổn định, thì nhà đầu tư cũng có thể duy trì nó như một phần danh mục.

Dự phóng cả năm 2024, chúng tôi cho rằng toàn thị trường vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 16-18% so với cùng kỳ.

 

Ông Nguyễn Bá Huy, CFA - Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM):

"Cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân rất đa dạng: từ nhóm chứng khoán, BĐS KCN đến tiêu dùng thiết yếu…"

Tôi cho rằng việc nhà đầu tư chọn ngành nào để phân bổ vào danh mục sẽ rất khác với lựa chọn của quỹ, vì quy mô đi tiền cũng như khẩu vị rủi ro khác nhau. 

Ví dụ ở một quỹ tôi đang quản lý thuộc SSIAM thì 70% quy mô danh mục phân bổ vào các cổ phiếu đầu ngành, chỉ 20-25% vào mid-cap. 

Về chiến lược thời gian tới, quỹ vẫn tập trung vào nhóm cổ phiếu tiêu dùng (bao gồm cả xuất nhập khẩu, sản xuất), với tỷ trọng khoảng 25-30%. Nhóm thứ hai là ngân hàng, cũng với tỷ trọng khoảng 25-30%. Nhóm công nghệ thông tin cũng loanh quanh mức đó, đây là ngành mà chúng tôi đánh giá sẽ bền vững trong nhiều năm tới chứ không mang tính chu kỳ.

Về khuyến nghị cho nhà đầu tư cá nhân trong thời điểm này, tôi cho rằng sẽ có rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong 6 tháng đến 1 năm tới chứ không chỉ giới hạn trong 3 ngành này vì hành động đi tiền của nhà đầu tư cá nhân sẽ thoáng hơn, không co hẹp như quỹ. 

Nếu ưa thích rủi ro cao hơn, có thể nghĩ tới nhóm chứng khoán, không chỉ các công ty chứng khoán hàng đầu, mà ngay cả các công ty chứng khoán top dưới tôi cho rằng cũng sẽ có một số công ty mang về cho nhà đầu tư tăng trưởng lợi nhuận rất tốt trong thời gian tới. Hay nhóm bất động sản khu công nghiệp với thực tế dòng vốn FDI và triển vọng đang mạnh mẽ. 

Nhóm dệt may, gỗ, đá, thủy sản…tôi tin rằng thời gian tới cũng sẽ chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng. Hiện tại có thể mới chỉ phục hồi về đơn hàng, giá chưa thực tốt nhưng theo thời gian, giá dự báo cũng sẽ phục hồi cùng với nhu cầu.

Nhóm tiêu dùng thiết yếu sẽ phù hợp với những ai có khẩu vị rủi ro thấp hơn. Chúng tôi bắt đầu thấy kết quả kinh doanh của nhóm này tốt hơn kỳ vọng trong 1-2 tháng gần đây. Đây cũng là nhóm an toàn mà nhà đầu tư có thể phân bổ.

Tóm lại tôi cho rằng có rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân trong giai đoạn này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc khối phân tích Chứng khoán VPS:

"Nhóm Hóa chất, nhóm Thép và nhóm Dầu khí là 3 nhóm tiềm năng tăng tốt năm 2024"

Thị trường năm nay theo dự báo của chúng tôi sẽ vượt đỉnh 1.300 điểm, có thể dao động trong khu vực 1.350-1.400 điểm hoặc thậm chí tích cực hơn. Thậm chí ngay trong tháng 6, có thể có những biến động rất đột phá.

Về phía phân bổ danh mục, chúng tôi thường chia các cổ phiếu thành 8 nhóm. Trong đó, có một số nhóm được ưu tiên. Nhóm ưu tiên số 1 là nhóm các cổ phiếu có kết quả kinh doanh nổi trội: nhóm này có thể bao gồm các cổ phiếu từ bất kỳ nhóm ngành nào: cảng biển, giấy công nghiệp, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, nhưng có kết quả kinh doanh vượt trội và tiềm năng bứt phá mạnh nhất. 

Chẳng hạn nhóm IT cũng có một số cổ phiếu như vậy. Ở phía những cổ phiếu đầu ngành, FPT thời gian qua có mức độ tăng trưởng lợi nhuận kép rất ấn tượng, và chúng tôi dự phóng triển vọng trong những năm tới vẫn rất tốt. Ngoài ra trong nhóm này vẫn có dư địa cho sự tăng trưởng của những cổ phiếu mid-cap trong thời gian tới.

Nhóm xếp số 2 là những mã đặc thù và cũng có triển vọng tăng giá tốt, bao gồm nhóm các doanh nghiệp tái cấu trúc, bắt đầu có kết quả kinh doanh đột biến, phản ánh khả năng vượt thoát khó khăn và triển vọng tăng trưởng trong tương lai. 

Ngoài ra là nhóm chu kỳ, khi vào chu kỳ thuận lợi thì tăng trưởng rất tốt. Trong nhóm này có 3 nhóm ngành đặc biệt: nhóm Hóa chất (cao su, phân bón), nhóm Thép (bao gồm cả bluechip và mid-cap), cuối cùng là nhóm Dầu khí. Tôi đánh giá đây là 3 nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng tốt trong năm nay. 

Với nhóm Dầu khí, nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là nhóm rất khó đầu tư vì nếu theo dõi kết quả kinh doanh thì không chỉ phải xem doanh nghiệp nào có triển vọng phục hồi và tăng trưởng, mà còn phải xem doanh nghiệp đó là thượng nguồn, hạ nguồn hay trung nguồn.

 

 Thùy Dung (ghi)