Cơ hội lớn để hàng hóa tại thị trường Nga cất cánh: Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt

14:34 | 14/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cơ hội lớn để hàng hóa tại thị trường Nga cất cánh khi thương hiệu Việt đã trở nên phổ biến, được ưa chuộng và khẳng định được chất lượng trong cuộc cạnh tranh tại các siêu thị cũng như nhà hàng tại xứ sở Bạch Dương
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội chợ Thực phẩm Quốc tế tại Moscow năm nay (WorldFood Moscow 2020) chỉ có 10 nước tham gia, với tổng số doanh nghiệp và gian hàng trưng bày giảm gần 4 lần so với bình quân mọi năm, nhưng theo phản ánh của Báo Quốc tế, các sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn được trưng bày tại đây và theo như đánh giá của các doanh nghiệp Nga, thương hiệu Việt Nam giờ đã trở nên phổ biến, được ưa chuộng và khẳng định được chất lượng trong cuộc cạnh tranh tại các siêu thị cũng như nhà hàng tại xứ sở Bạch Dương.
 
 
Cơ hội lớn để hàng hóa tại thị trường Nga cất cánh: Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt - ảnh 1
Hàng Việt đã trở nên phổ biến tại thị trường Nga
 
Hội chợ Thực phẩm Quốc tế Moscow 2020 có khoảng 400 gian hàng, chủ yếu là của doanh nghiệp nước chủ nhà. Tuy nhiên, xen kẽ giữa các gian hàng này nổi lên 2 gian hàng trưng bày mặt hàng cà phê, trà và các sản phẩm chế biến từ dừa của Việt Nam. Điểm đặc biệt là cả 2 gian hàng do các công ty Nga là đơn vị nhập khẩu, đại lý và đối tác của doanh nghiệp Việt tổ chức. Các công ty này cho biết, các mặt hàng của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường Nga, được người tiêu dùng Nga lựa chọn.
 
Ông Anton Kudryatsev, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vietcoco có trụ sở ở thành phố Krasnoyarsk (thuộc Đông Sibiri) cho biết, công ty hiện đang cung cấp sản phẩm hữu cơ chế biến từ dừa của Việt Nam cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, công ty đang có kế hoạch sẽ tiến hành sản xuất và đóng gói sản phẩm ngay tại Krasnoyarsk dựa trên nguyên liệu nhập từ Việt Nam.
 
Ông Kudryatsev bày tỏ hy vọng, WorldFood Moscow 2020 sẽ là dịp để công ty tìm được đối tác cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ ở Moscow để giúp người dân thủ đô có thể mua được các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao của Việt Nam. Ông Kudryatsev rất hào hứng khi biết Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới và việc đưa sản phẩm chế biến từ dừa vào thị trường Nga sẽ góp phần làm tăng trao đổi thương mại song phương, cũng như gia tăng xuất khẩu dòng sản phẩm này vào thị trường các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).
 
Bà Nadezhda Antropova, Tổng Giám đốc công ty Sense Asia cũng bày tỏ tin tưởng vào triển vọng kinh doanh cà phê Việt Nam mang thương hiệu “Mr.Viet” và trà Teapins tại thị trường Nga. Bà nói: “Chúng tôi mong muốn mang sản phẩm cà phê Việt đến những khách hàng chưa có điều kiện thưởng thức ngay tại Việt Nam loại cà phê chất lượng cao này”.
 
Là người rất yêu quý đất nước và con người Việt Nam, bà Antropova rất ấn tượng với hình ảnh chiếc nón truyền thống và phin cà phê của Việt Nam được in trên bao bì của sản phẩm “Mr.Viet”. Đối với trà Teapins, công ty của bà Antropova nhập nguyên liệu do nông dân Việt Nam trồng. Hiện nay, các sản phẩm của công ty Sense Asia đã được bán trên khắp nước Nga, từ thành phố biển Sochi đến thành phố cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông.
 
Cũng tại Hội chợ Thực phẩm Quốc tế Moscow 2020, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, ông Anton Kudryatsev, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vietcoco có trụ sở ở thành phố Krasnoyarsk (thuộc Đông Siberia), cho biết: “Chúng tôi hiện đang cung cấp sản phẩm hữu cơ chế biến từ dừa của Việt Nam cho các nhà bán lẻ song vừa qua chúng tôi đã quyết định sẽ tiến hành sản xuất và đóng gói sản phẩm ngay tại Krasnoyarsk trên cơ sở nguyên liệu nhập từ Việt Nam để có thể cung cấp cho thị trường tiềm năng Moskva.
 
Tại triển lãm này, chúng tôi mong muốn tìm được đối tác có thể cung cấp hàng hóa vào hệ thống bán lẻ để nhiều người tiêu dùng tại thủ đô Moskva có thể mua các sản phẩm hữu cơ chất lượng cao của Việt Nam. Theo tôi được biết, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dừa hàng đầu thế giới và việc đưa sản phẩm chế biến từ dừa vào thị trường Nga sẽ góp phần gia tăng trao đổi thương mại song phương cũng như gia tăng xuất khẩu dòng sản phẩm này vào thị trường các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)”.
 
Cơ hội lớn để hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nga tiếp tục được ông Robert Kurilo – Trưởng Đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam – chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
 
 
Cơ hội lớn để hàng hóa tại thị trường Nga cất cánh: Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt - ảnh 2
Ông Robert Kurilo – Trưởng Đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam
 
Theo đó, ông Robert Kurilo cho rằng rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đang có cơ hội và tiềm năng để tiếp cận thị trường Nga, trong đó có các mặt hàng du khách Nga thường mua về làm quà là tỏi đen, cà phê, trà xanh. Ngoài ra, Việt Nam có một số sản phẩm khác rất tiềm năng để đến với thị trường Nga như ống hút bằng giấy, một số sản phẩm hữu cơ, những sản phẩm đang rất phù hợp với xu hướng, tư duy tiêu dùng xanh của thị trường.
 
Bên cạnh đó, ngoài chất lượng đang nâng lên, một điều rất đáng ngạc nhiên và phía Nga đánh giá cao đó là sản phẩm hàng hóa Việt Nam đang được cải thiện rất tốt về mẫu mã, bao bì. Đây có thể nói là bước tiến rất đáng khích lệ, bởi trước đây bao bì sản phẩm của Việt Nam thường không được chú trọng, chưa tạo được sức hút với người tiêu dùng, đặt biệt là khi xuất khẩu thường không gây được chú ý vì người tiêu dùng nước ngoài không biết đây là hàng hóa, sản phẩm có gì đặc biệt, hấp dẫn.
 
“Thực tế, có rất nhiều kênh để giới thiệu hàng hóa Việt Nam đến người tiêu dùng của Nga. Ngoài các hoạt động, chương trình xúc tiến, thương mại của Bộ Công Thương, hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, thì kênh du lịch cũng mang lại hiệu quả rất tốt. Hiện khách Nga đến Việt Nam du lịch hàng năm rất đông, nên các bạn cần tận dụng dòng khách này để giới thiệu sản phẩm thông qua việc tổ chức các buổi thử sản phẩm miễn phí; hay đưa các sản phẩm đặc sắc, truyền thống giới thiệu tới khách Nga ngay tại các bữa ăn ở khách sạn, cơ sở lưu trú. Đối với khách du lịch Nga, nếu họ thích sản phẩm, hàng hóa của quốc gia nào thì sẽ giới thiệu cho các thành viên gia đình và bạn bè, cũng như các đối tác”, ông Robert Kurilo nói.
 
Hiện, nhiều mặt hàng của Việt Nam được du khách Nga yêu thích, và ngay tại Nga nhiều người tiêu dùng rất thích ăn tôm Việt Nam, uống cà phê Việt Nam và hoa quả sấy như: Xoài sấy, chuối sấy,… tuy nhiên, lại chưa có kênh chính thức bán các sản phẩm này tại thị trường Nga. Do vậy, Trưởng Đại diện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam khuyến nghị nên thành lập các showroom giới thiệu sản phẩm tại Nga: “Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam đã mở một showroom ở TP. Hồ Chí Minh từ 3 năm trước, làm nơi triển lãm các sản phẩm lương thực, thực phẩm, đồ uống của Nga và khách Việt có thể đến ăn thử, xem bao bì và lấy địa chỉ email của đại diện công ty sản xuất và kết nối trực tiếp với họ. Hiệu quả mang lại rất lớn, theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên đẩy mạnh mở kênh xúc tiến tương tự tại Nga”.
 
Cùng với đó, Việt Nam cần quan tâm, đầu tư và xây dựng thêm các thương hiệu mạnh để khi ra thị trường quốc tế sẽ có chỗ đứng, vị trí và được người tiêu dùng quan tâm hơn. Hiện Trung tâm Xuất khẩu Nga tại Việt Nam đang thiết lập nhiều mối quan hệ tốt đẹp với các hiệp hội doanh nghiệp, trong đó mới đây là Chi hội doanh nghiệp Việt Âu trực thuộc Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhằm hỗ trợ, tạo cầu nối để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đối tác kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở thị trường Nga.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Liên bang Nga, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt cần có chiến lược, có cam kết mạnh mẽ về chất lượng hàng Việt nhưng giá cả phải cạnh tranh.
 
 
Cơ hội lớn để hàng hóa tại thị trường Nga cất cánh: Khuyến nghị cho doanh nghiệp Việt - ảnh 3
Các sản phẩm từ dừa của Việt Nam được trưng bày tại Hội chợ WorldFood Moscow 2020
 
Bà Olga - Biruikova, Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Phát triển Á-Âu, Liên bang Nga khuyến nghị, cần nghiên cứu kỹ phong tục tập quán tiêu dùng để đưa tới hàng hóa phù hợp. Đặc biệt phải tìm hiểu rõ Luật Ngoại kiều của Nga nhằm tránh vi phạm luật. Cách tốt nhất là tìm kiếm và gắn kết với hệ thống các nhà phân phối và doanh nghiệp theo dạng B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) để tìm chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa. Mức tiêu thụ cũng như thu nhập của người dân Nga bây giờ đã cao hơn, do vậy nhu cầu đòi hỏi chất lượng hàng hóa cũng cao hơn, nếu chỉ lo cạnh tranh về giá sẽ không ổn.
 
 “Doanh nghiệp cần chú ý đầu tiên vào danh mục cắt giảm thuế quan hàng hóa, tìm dòng thuế liên quan đến hàng hóa của đơn vị mình, xem hàng hóa được cắt giảm như thế nào, bao nhiêu phần trăm, lộ trình thế nào. Sau đó doanh nghiệp tìm đến phần Quy tắc xuất xứ xem hàng hóa phải làm thế nào để đạt được những ưu đãi trong Hiệp định. Tiếp đến là doanh nghiệp xem đến phần kiểm tra chất lượng, hàng rào kỹ thuật, điều kiện hải quan để có thể tận dụng được hiệu quả tối đa. Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi sẵn sàng có những buổi đào tạo cho các doanh nghiệp quan tâm đến việc xuất khẩu sang thị trường Nga”, theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.
 
Minh Hoa