Cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm cổ phiếu với giá rẻ
Trong thư “trấn an” nhà đầu tư sau đợt điều chỉnh đầu tháng 8, các chuyên gia của VinaCapital nhìn nhận, tâm lý tiêu cực của thị trường đến từ lo ngại sự leo thang xung đột tại Trung Đông giữa Israel với Liban và Iran; nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và đầu tư chênh lệch lãi suất (carry trades) tại Nhật phải đóng vị thế do đồng Yên tăng mạnh.
Đáng chú ý, báo cáo việc làm tháng 7 công bố cuối tuần trước của Mỹ gây thất vọng với số liệu yếu hơn so với dự kiến, dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ; đồng thời, kết quả kinh doanh quý của các công ty công nghệ lớn kém lạc quan khiến cổ phiếu công nghệ, vốn từng là tâm điểm của xu hướng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và hiện có mức định giá cao đã giảm mạnh. Thị trường tài chính toàn cầu cũng lao dốc theo; trong đó, có cả chứng khoán Việt Nam.
Theo VinaCapital, sự biến động có khả năng còn tái diễn trong các tháng cuối năm 2024 khi các điều kiện vĩ mô, địa chính trị và dịch chuyển dòng vốn toàn cầu đều có thể là tác nhân.
“Rất khó để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố này đến thị trường tài chính toàn cầu, cụ thể là Việt Nam vì có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng và các yếu tố này thay đổi liên tục. Tuy nhiên, nguy cơ rơi vào suy thoái của Mỹ sẽ gây áp lực thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhanh hơn. Fed đã giữ nguyên lãi suất điều hành của Mỹ vào tuần trước, nhưng đã định hướng thị trường cho một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Điều này sẽ làm giảm áp lực về tỷ giá cho đồng VND khi USD yếu hơn và giảm áp lực tăng lãi suất của Việt Nam”, VinaCapital nhận định.
Đối với việc Nhật tăng lãi suất sau 8 năm duy trì chính sách lãi suất âm, VinaCapital cho rằng, các vị thế bán khống đồng Yên từ giới đầu tư tài chính có thể đã trung lập. Mỹ và Ấn Độ là hai thị trường lớn nhất thu hút đầu tư từ Nhật nên Việt Nam gần như không chịu ảnh hưởng tiêu cực về việc rút vốn này.
Trong bối cảnh đó, triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định vẫn tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn kỳ vọng. Với việc GDP tăng trưởng 6,9% trong quý II/2024 và 6,4% trong nửa đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 đạt 6,5 – 7%, tăng so với mục tiêu 6 – 6,5% hồi đầu năm. Việt Nam đang còn nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng đầu tư công và đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm.
Theo VinaCapital, kết quả kinh doanh quý II/2024 của các công ty niêm yết vừa được công bố là bằng chứng cho việc hồi phục kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam với mức lợi nhuận sau thuế tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cực kỳ ấn tượng và vượt cả dự báo. Với đà tăng trưởng này, lợi nhuận của các công ty niêm yết có thể tăng trên 20% trong cả năm 2024. Mặc dù có thể có những thời điểm biến động, VinaCapital kỳ vọng xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ tích cực trong thời gian tới.
Ngoài ra, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2025 như mục tiêu đề ra, chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng tiền từ các quỹ đầu tư.
Với những dữ liệu trên, VinaCapital tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và cho rằng, những biến động hiện tại không ảnh hưởng lâu dài đến tình hình hoạt động của các công ty mà công ty này đang đầu tư.
“Những cơ hội tốt nhất để đầu tư dài hạn thường đến vào những thời điểm thị trường biến động mạnh. Vì vậy, chúng tôi hiện đang tận dụng thời cơ để mua vào những cổ phiếu tốt. Khi thị trường chứng khoán biến động ngắn hạn, thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thì nhà đầu tư nên thật bình tĩnh và coi đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn”, VinaCapital khuyến nghị.
Theo VinaCapital, định giá của thị trường chứng khoán nói chung và những công ty trong danh mục đầu tư nói riêng đang ở mức hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Nhà đầu tư nên kiên định với chiến lược đầu tư dài hạn, định kỳ để có được kết quả đầu tư tích cực trong tương lai.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, trong những phiên đầu tháng 8, tốc độ điều chỉnh của chỉ số mạnh hơn so với bức tranh kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm 2024. Do vậy, việc điều chỉnh nhanh và mạnh, chủ yếu theo đà diễn biến của chứng khoán toàn cầu, thay vì phản ánh bức tranh kém khả quan về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thì thị trường sẽ sớm cân bằng trở lại.
Cho nửa cuối năm 2024, VDSC cho rằng, môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan sẽ là động lực để thị trường sớm phục hồi.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp duy trì được xu hướng phục hồi/ tăng trưởng lợi nhuận ở các ngành hàng tiêu dùng, thép, ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, nhóm ngành dệt may cũng là nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể quan tâm trở lại, nếu có sự chiết khấu mạnh về giá cổ phiếu trong các đợt điều chỉnh của thị trường khi mà xu hướng lợi nhuận của ngành này là khả quan.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho rằng, với các yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán bao gồm đà phục hồi tăng trưởng lợi nhuận và nền tảng định giá tốt, nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các ngành/cổ phiếu còn dư địa mở rộng định giá và có các yếu tố hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm. Đặc biệt, trọng tâm có thể là nhóm hàng tiêu dùng (thực phẩm, bán lẻ); nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp (cảng vận tải biển).
“Biến động thái quá do yếu tố tâm lý cũng sẽ tạo cơ hội tốt cho các nhóm cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt ổn định, cũng như các nhóm cổ phiếu có bảng cân đối mạnh. Tuy vậy, đi kèm là biến số rủi ro mới với biến động khó lường, chúng tôi khuyến nghị chiến lược “Tích lũy từng phần khi giá giảm sâu” cho giai đoạn hiện tại”, chuyên gia của SSI khuyến nghị./.