Giám đốc điều hành (COO) Meta - bà Sheryl Sandberg vừa tuyên bố từ chức. Trong 14 năm gắn bó với Facebook, nay là Meta, nữ tướng quyền lực nhất đã đưa công ty từ một startup nhỏ trở thành một "gã khổng lồ" công nghệ, có thời điểm đạt giá trị vốn hóa trên 1.000 tỷ USD. 

Bà Sheryl Sandberg sinh năm 1969 tại Washington, Mỹ trong một gia đình trí thức. Cha bà là bác sĩ nhãn khoa, mẹ bà dạy tiếng Pháp tại một trường cao đẳng địa phương. Bà có một người anh trai tên là David và em gái Michelle. 

Năm Sheryl Sandberg 2 tuổi, gia đình bà chuyển đến bãi biển Bắc Miami. Trên phương diện học vấn, bà luôn tỏa sáng ở trường học nên từng được tham gia Hiệp hội Danh dự Quốc gia. "Xã hội nghĩ rằng một cô gái quá thông minh sẽ gặp nhiều rắc rối",  bà Adele - mẹ Sandberg, nói với The New Yorker. 

Sau đó, Sheryl Sandberg theo đuổi chuyên ngành kinh tế tại Đại học Harvard, ngôi trường cả anh trai và em gái bà đều theo học. Tại trường, bà thành lập một tổ chức có tên là Women in Economics and Government (Phụ nữ trong Kinh tế và Chính phủ).  

Cũng tại Harvard, bà Sandberg đã có quãng thời gian làm nghiên cứu với Larry Summers, sau này là Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. Ông là cố vấn quan trọng cho bà Sandberg trong giai đoạn đầu của sự nghiệp. Sau đó, khi Sandberg tốt nghiệp năm 1991, ông Summers đã tuyển bà về làm việc cho mình tại Ngân hàng Thế giới. 

Trong thời gian 1 năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới, bà Sandberg đã đến Ấn Độ để giúp người dân đất nước này hạn chế sự lây lan của bệnh phong. Sau đó, bà trở lại Harvard để lấy bằng MBA và làm việc một năm tại công ty tư vấn toàn cầu McKinsey & Company.

Ở tuổi 24, bà Sandberg từng trải qua cuộc hôn nhân chỉ vỏn vẹn một năm với một doanh nhân tên là Brian Kraff. Vụ đổ vỡ chóng vánh khiến bà lo lắng rằng không thể gặp ai khác thích hợp trong đời.

Ít lâu sau, thời điểm bà Sandberg hoàn thành bằng MBA vào năm 1995, người thầy của bà, ông Larry Summers đã đã gia nhập chính quyền của Tổng thống đương thời Bill Clinton. Bà Sandberg theo thầy đến Washington, và cuối cùng trở thành Chánh văn phòng khi ông Summers được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ.

Vài năm sau, khi đảng Dân chủ thất thế trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2000, bà Sandberg quyết định chuyển đến Thung lũng Silicon để dấn thân vào ngành công nghệ đang bùng nổ. Vào thời điểm đó, Google chỉ là một công ty nhỏ với chưa tới 300 nhân viên không tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, bà bị hấp dẫn bởi sứ mệnh của công ty: "Cung cấp thông tin tự do cho thế giới."

Khi thuyết phục Sandberg về Google, ông Eric Schmidt - Giám đốc điều hành của Google vào thời điểm đó đã gọi cho bà hàng tuần và nói: "Đừng chần chừ nữa. Đây là một tàu tên lửa. Lên đi". Bà Sandberg gia nhập Google với tư cách là Tổng giám đốc đơn vị kinh doanh vào năm 2001 và tiếp quản chương trình quảng cáo của công ty. Lúc đó bộ phận bà có bốn người làm việc.

Năm 2004,  bà Sandberg kết hôn với người bạn thân Dave Goldberg (sau này là Giám đốc điều hành của SurveyMonkey). Bà và Dave gặp nhau một thập kỷ trước đó và hẹn hò trong 5 năm. Họ có một con trai vào năm 2005, và một con gái chào đời sau đó hai năm. "Quyết định quan trọng nhất bạn sẽ phải đưa ra là việc kết hôn với ai", Sandberg nói tại hội nghị Insider's Ignition năm 2011.  Gia đình Sandberg sống trong một biệt thự rộng 9.200 mét vuông ở Công viên Menlo từ năm 2013. Ngôi nhà có 6 phòng ngủ, một phòng rượu, phòng tập thể dục, rạp chiếu phim, sân bóng rổ và thác nước khổng lồ. 

Mặc dù có 2 con nhỏ nhưng bà cực kỳ thành công trong công việc. Google đã phát triển vượt bậc trong thời gian Sandberg đương nhiệm. Bà là "thuyền trưởng" giúp Google đạt được thỏa thuận với AOL để trở thành công cụ tìm kiếm. Sau đó, bà đã được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch Google phụ trách hoạt động và bán hàng trực tuyến toàn cầu.

Nhưng sau gần bảy năm làm việc tại Google, bà Sandberg đã sẵn sàng cho một thử thách mới. Thời điểm đó, ông Schmidt đề xuất bà trở thành giám đốc tài chính, nhưng bà đã từ chối. Bà kỳ vọng trở thành Giám đốc điều hành (COO) của Google, nhưng các Giám đốc của gã khổng lồ công nghệ này không muốn xáo trộn "con thuyền". Và quyết định này cũng cần có được thống nhất giữa Schmidt với hai đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin.

May mắn thay, có một người khác đang kỳ vọng chiêu mộ bà Sandberg là Mark Zuckerberg, chàng trai 23 tuổi sở hữu Facebook, một công ty khởi nghiệp khi đó vẫn còn non trẻ. Mark Zuckerberg tự giới thiệu bản thân với bà Sandberg tại một bữa tiệc Giáng sinh năm 2007 và mời bà đến làm việc tại Facebook.

Họ bắt đầu những cuộc hẹn ăn tối mỗi tuần 1 đến 2 lần tại quán cà phê ở Menlo Park và sau đó là tại nhà của Sandberg. Sau 6 tuần gặp gỡ ăn tối, Mark Zuckerberg cuối cùng đã đề nghị bà làm giám đốc điều hành (COO) của Facebook.

CEO Facebook (nay là Meta) nói với The New Yorker rằng bà Sandberg có khả năng xử lý những vấn đề mà anh thực sự không muốn động vào.

"Có những nhà quản lý giỏi có thể điều hành một tổ chức rất lớn. Những người khác lại có đầu óc phân tích hoặc tập trung vào chiến lược. Hai xu hướng đó thường không xuất hiện ở cùng một người", nhà sáng lập Facebook nói và cho rằng Sandberg là người sở hữu những tố chất mà anh tìm kiếm.

Cũng trong thời gian làm việc tại Facebook, và Sandberg tiếp tục thúc đẩy phong trào ủng hộ vai trò phụ nữ tại nơi làm việc. Bà đã vận động chống lại việc sử dụng từ ngữ làm tổn thương đến sự tự tin và mong muốn theo đuổi vai trò lãnh đạo của giới nữ. Bà từng hợp tác với Getty Images để chụp những bức ảnh cổ trang nhằm mục đích thay đổi nhận thức của phụ nữ trong lực lượng lao động.

Vào tháng 3/2013, Sandberg xuất bản "Lean In", một cuốn sách "best-seller" kể lại một số kinh nghiệm của bản thân cũng như lời khuyên dành cho phụ nữ để theo đuổi những vị trí hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Trong cuốn sách, Sandberg viết: “Một thế giới thực sự bình đẳng sẽ là nơi phụ nữ điều hành một nửa đất nước, các công ty, còn nam giới san sẻ một nửa trách nhiệm gia đình”. Nhưng không phải ai cũng tin tưởng lời khuyên của Sandberg. Nhiều người phản biện rằng việc khuyến khích phụ nữ rằng họ phải tự tin là chưa đủ nếu họ không được trao cơ hội để thành công. 

Bên cạnh đó, bà cũng dành nhiều tâm sức cho hoạt động thiện nguyện. Vào năm 2014, Sandberg và chồng tuyên bố sẽ ký vào quỹ Giving Pledge do Warren Buffett, Bill Gates và Melinda French Gates khởi xướng. Theo đó, các tỷ phú cam kết tặng ít nhất một nửa tài sản của các tỷ phú trong suốt cuộc đời hoặc khi họ qua đời.

Năm 2015, bi kịch ập đến với gia đình Sandberg khi chồng bà, Goldberg đột ngột qua đời. Bà Sandberg viết trên Facebook một ngày sau khi Goldberg ra đi mãi mãi: "Dave lần đầu tiên cho tôi kế hoạch về những chuyến đi chơi, đưa tôi đến nhà thờ, giới thiệu cho tôi những bản nhạc hay hơn bất kỳ bản nhạc nào tôi từng nghe. Anh ấy cho tôi cảm giác được thấu hiểu sâu sắc, được ủng hộ và yêu thương hoàn toàn. Tôi sẽ luôn mang điều đó bên mình". 

Hai tháng sau khi Goldberg qua đời, bà Sandberg tham gia hội đồng quản trị của SurveyMonkey - công ty người chồng quá cố của bà từng giữ chức Giám đốc điều hành. Sau này, khi SurveyMonkey niêm yết công khai vào năm 2018, công ty cho biết Sandberg sẽ tặng 10% cổ phần của mình cho tổ chức từ thiện bà thành lập để vinh danh chồng cũ: Tổ chức Gia đình Sheryl Sandberg và Dave Goldberg.

Năm 2016, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thời điểm đó, bà Sandberg từng có ý định dấn thân vào giới chính trị lần nữa khi công khai ủng hộ ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton. Đổi lại, nếu bà Clinton thắng cử, bà Sandberg sẽ được đảm nhiệm một trong hai vị trí nội các: Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại. Sau này, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã vượt qua bà Clinton ngoạn mục để trở thành chủ nhân Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 4 năm. Dù vậy, bà Sandberg vẫn nhiều lần lên tiếng phản đối các chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump về phá thai và nhập cư.

Sau cuộc bầu cử này, bà Sandberg cũng như Facebook đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ về cáo buộc phê duyệt các quảng cáo can thiệp đến kết quả bầu cử. Tiếp đến, vào tháng 3/2018, vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica nổi lên khiến Facebook hứng chịu làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Bà Sandberg thừa nhận rằng Facebook đã biết về hiện tượng sử dụng dữ liệu người dùng trái phép vào năm 2015, nhưng đã không lên tiếng.

CEO Zuckerberg được cho là đã đổ lỗi cho nữ tướng Sandberg về hậu quả của vụ bê bối Cambridge Analytica và nói rằng lẽ ra bà nên tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề. Wall Street Journal tiết lộ, sau cuộc gặp với Zuckerberg, Sandberg đã đắn đo liệu bà có tiếp tục công việc của mình tại Facebook hay không.

New York Times sau đó cho hay, Facebook đã chỉ đạo một công ty PR có tên là Definers Public Affairs thực hiện một chiến dịch vận động hành lang để đổ lỗi cho tỷ phú George Soros vì đã truyền bá tư tưởng chống đối Facebook. Giữa những lùm xùm này, các nhà đầu tư đã đặt câu hỏi lớn liệu bà Sandberg có rời công ty hay không. Bất chấp những lời đồn đoán, Sandberg vẫn duy trì công việc tại Facebook đến nay. 

Hôm 1/6, Sandberg tuyên bố rằng bà sẽ từ chức COO vào cuối năm nay nhưng vẫn ở trong hội đồng quản trị Meta ít nhất trong thời gian đầu. Trong một bài đăng Facebook, bà viết: "Đã đến lúc tôi phải viết chương tiếp theo của cuộc đời mình."  Javier Olivan, Giám đốc vận hành của Meta, sẽ trở thành COO tiếp theo của công ty.

CEO Mark Zuckerberg từng ca ngợi bà Sandberg như một "siêu sao" vì đã đảm nhiệm tốt vai trò COO theo cách riêng của mình. "Sheryl đã xây dựng lại công việc kinh doanh quảng cáo của chúng tôi, thuê những người giỏi, rèn luyện văn hóa quản lý và dạy tôi cách điều hành một công ty", Mark Zuckerberg dành những lời có cánh cho "cánh tay phải" của mình, “Tôi nghĩ rằng Sheryl đã làm được vì Sheryl là một người, một nhà lãnh đạo, một chiến hữu và một người bạn tuyệt vời.

 

Thế nhưng, nguyên nhân đằng sau quyết định rời đi của nữ tỷ phú Sheryl Sandberg vẫn đang được bàn tán. Một số nguồn tin nội bộ cho hay, từ khi công ty đổi tên thành Meta, vai trò của COO ngày càng mờ nhạt. Bà Sheryl Sandberg gần đây kiệt sức vì đã mất dần quyền lực và ảnh hưởng tại công ty. Trong những tháng gần đây, Sandberg hiếm khi trao đổi trong các email bàn về vấn đề lớn của Meta. Dường như, việc nữ tướng "dứt áo" ra đi đã được chuẩn bị âm thầm từ hai năm trước.

The Verge nhận định, sự ra đi của Sheryl Sandberg là động thái củng cố quyền lực của Mark Zuckerberg. Còn theo CNN, mối quan hệ giữa CEO Meta và Sandberg đã không còn tốt đẹp, đặc biệt là kể từ mùa thu năm ngoái, khi CEO Meta bổ nhiệm Marne Levine làm Giám đốc Kinh doanh khiến sức ảnh hưởng của bà Sandberg ngày càng giảm sút. 

Bất chấp những lời đồn đoán, Sandberg cho biết bà muốn tập trung vào các hoạt động từ thiện và tạo ra nhiều không gian hơn để thúc đẩy vai trò của phụ nữ. 

Sau tất cả, việc bổ nhiệm Sandberg vào vị trí COO là một trong những quyết định đúng đắn nhất của Mark Zuckerberg cho đến nay. Nữ doanh nhân sinh năm 1969 đã góp phần lớn đưa Facebook từ một startup nhỏ thành “gã khổng lồ” công nghệ - với vốn hóa từng có thời điểm cán mốc 1.000 tỷ USD.

Sau 14 năm gắn bó với Facebook, giá trị tài sản ròng của bà Sandberg liên tục tăng lên. Theo Forbes, hiện tại, bà sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 1,6 tỷ USD, là một trong 20 phụ nữ tự thân giàu nhất ở Mỹ. Bà Sandberg cũng xếp vị trí số 36 trong Top 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2021 của tạp chí này.  

Phương Lê 

Theo Business Insider, CNBC