Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 7 Luật mới được thông qua
Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước ban hành 7 luật vừa được Quốc hội khóa 14 thông qua - Ảnh: Tuổi Trẻ Online |
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, VHTT&DL, KH&ĐT đã thông tin những điểm quan trọng của các Luật này.
Thông tin về Luật An ninh mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho biết Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, chương III Luật An ninh mạng quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, phòng chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng, phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, phòng chống tấn công mạng.
Bên cạnh đó, Luật còn quy định về phòng chống khủng bố mạng, chiến tranh mạng… Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.
Tại buổi họp báo, Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cũng cho biết, nhằm quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của nước ta trên không gian mạng, Luật An ninh mạng đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Liên quan đến Luật Tố cáo, theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, về hình thức tố cáo, nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh việc lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo, Luật Tố cáo tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Với quan điểm, bảo vệ người tố cáo nhằm khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh các hành vi này, trên cơ sở kế thừa các quy định về bảo vệ tố cáo, Luật Tố cáo đã dành 1 chương quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, người được bảo vệ gồm người tố cáo, vợ chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Phạm vi bảo vệ gồm: Bí mật thông tin của người tố cáo, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Thông tin về Luật Quốc phòng, Thượng tượng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết Luật này quy định đầy đủ, toàn diện chính sách nhà nước về quốc phòng nhằm đảm bảo công khai, minh bạch về tính chất, mục đích quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân để bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, Luật đã quy định công nghiệp quốc phòng, an ninh nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể thống nhất, không tách rời nhau, do nhà nước quản lý, điều hành. Luật cũng bổ sung quy định khu vực phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước cho phù hợp với tính chất, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều. Luật bổ sung đối tượng được trang bị vũ khí gồm có cảnh sát biển, cơ yếu, cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có 9 chương, 78 điều, trong đó, Luật đã mở rộng nguyên tắc giải quyết bồi thường, cho phép người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra tòa án khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự; kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường trong quá trình tố tụng hình sự tại Tòa án đối với yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự và thi hành án dân sự. Người bị thiệt hại có quyền lựa chọn cơ chế giải quyết bồi thường phù hợp nhưng khi cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý yêu cầu bồi thường thì người đó không được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết bồi thường.
Luật Chuyển giao công nghệ gồm 60 điều, được bố cục thành 6 chương, quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với chuyển giao công nghệ không thuộc Danh mục hạn chế, cấm chuyển giao công nghệ. Theo đó, Luật có quy định bắt buộc đăng ký đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, Luật bổ sung một loạt biện pháp nhằm tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ.
Luật Thủy lợi quy định rõ nguyên tắc trong đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, trong đó, Nhà nước chỉ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi lớn; công trình thủy lợi khó huy động các nguồn lực xã hội; công trình thủy lợi kết hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai; công trình thủy lợi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu.
Luật Đường sắt gồm 10 chương, 87 điều, tăng 2 chương, giảm 27 điều so với Luật Đường sắt năm 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế- xã hội của Việt Nam nói chung, bổ sung quy định đối với niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt; tuy nhiên sẽ được thực hiện có lộ trình để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Nội dung này giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm yêu cầu các phương tiện giao thông đường sắt dần được thay thế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và bảo đảm an toàn đường sắt.
Luật Tiếp cận thông tin gồm 5 chương, 37 điều quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Điều cần lưu ý, các cơ quan chỉ có trách nhiệm thông tin do mình tạo ra. Đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, để tạo thuận lợi cho công dân trong việc yêu cầu cung cấp thông tin và căn cứ vào thực tiễn nắm giữ thông tin của UBND cấp xã, Luật giao thêm trách nhiệm cho UBND cấp xã thực hiện việc cung cấp các thông tin do mình nhận được từ cơ quan khác.../.
Theo Chinhphu.vn