Cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa trong cuộc chiến với COVID
Ổn định sản xuất và giải quyết việc làm cho người lao động
Năm 2021, dịch bệnh COVID - 19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng, tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng hành, hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của chính quyền Thanh Hóa, vì vậy “bức tranh doanh nghiệp Thanh Hóa” năm 2021 tiếp tục có nhiều điểm sáng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp được duy trì, ổn định.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thành lập mới hơn 2.100 doanh nghiệp, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Thanh Hóa tiếp tục duy trì vị trí đứng thứ 7 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới. Trung bình hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đạt tỷ lệ 50,1 doanh nghiệp/1 vạn dân. Khu vực doanh nghiệp hiện chiếm gần 70% tổng thu ngân sách Nhà nước và đóng góp khoảng 60% GRDP của tỉnh Thanh Hóa. Chống chọi tốt với đại dịch, nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa tuyển dụng số lượng lớn lao động để đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp FDI tại Thanh Hóa vẫn hoạt động ổn định và có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lao động đển đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng gần 50 doanh nghiệp FDI đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 35.000 lao động. Công ty Giày Adiana (huyện Triệu Sơn) nhu cầu tuyển dụng khoảng 5.500 lao động, nhưng hiện tại mới có khoảng 4.000 công nhân đang làm việc. Từ nay đến cuối năm, công ty muốn tuyển thêm khoảng 1.500 lao động và khi khu nhà xưởng mới đi vào hoạt động (cuối năm 2022), nhu cầu tuyển dụng có thể tăng lên 17.000 lao động.
Tiếp đến, theo khảo sát của Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay là gần 33.300 lao động (trong đó lao động nữ chiếm 70%). Chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giầy da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty TNHH ROLLSPORT 1 Việt Nam (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giầy Aleron Hoàng Long (tuyển 2.000 lao động); Công ty TNHH giầy ROLLSPORT 2 Việt Nam (tuyển 3.700 lao động); Công ty TNHH MTV TCE JEAN (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH giầy SUNJADE (tuyển 1.500 lao động); Công ty TNHH NY Hoa Việt (tuyển 2.000 lao động), v.v… Do yêu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch đáp ứng khoảng 90%.
Mặc dù diễn biến dịch bệnh phức tạp, kéo dài nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, số lao động có việc làm thường xuyên tại Thanh Hóa vẫn duy trì với trên 250.000 người, chiếm 80%.
Chung tay hỗ trợ phòng, chống “giặc” COVID
Bên cạnh việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt “mục tiêu kép”, cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội vì cộng đồng. Thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã ủng hộ, quyên góp khoảng 69,5 tỷ đồng, 52 máy thở, 15 hệ thống xét nghiệm Realtime-PCR, 75.000 khẩu trang và các trang thiết bị, vật tư y tế khác với giá trị hàng chục tỷ đồng, góp phần đắc lực vào phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Thanh Hóa.
Trước những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID -19, các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia tích cực ủng hộ Quỹ Phòng chống COVID -19 ở các cấp từ huyện đến tỉnh.
Một số doanh nghiệp đã tham gia đóng góp với số tiền lớn như Công ty Xi măng Long Sơn, Tập đoàn Xây dựng miền Trung, Tập đoàn bất động sản Đông Á ... Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp khác trên địa bàn đã đóng góp, ủng hộ tiền, hàng hóa, khẩu trang, suất ăn… giúp tỉnh Thanh Hóa và đồng bào cả nước chống dịch COVID -19 một cách hiệu quả...
Bằng những tấm lòng thơm thảo của các doanh nghiệp hỗ trợ tháng 7/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã cùng với tỉnh Thanh Hóa ủng hộ các tỉnh, thành phía Nam 62 Container hàng hóa, nhu yếu phẩm để các địa phương hỗ trợ cấp phát cho nhân dân lúc đỉnh dịch bùng phát.
Kết quả hoạt động của các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa. 9 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP 8,06%, đứng trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước.
Mới đây, tại lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã biểu dương những kết quả mà cộng đồng doanh nhân, đội ngũ doanh nhân đã nỗ lực đạt được trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh nhiều thách thức và những đóng góp, hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch trong thời gian qua.