Công ty Vàng bạc đá quý SJC: Tập đoàn kinh tế đầu ngành của Việt Nam
Quá trình hình thành và phát triển của SJC
Năm 1988 – 1994 được coi là giai đoạn hình thành ban đầu của công ty SJC.
Ngày 17/09/1988, theo Quyết định số 180/QĐ-UB của Ủy Ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc thành phố được thành lập với văn phòng đầu tiên được đặt tại số 442 Nguyễn Thị Minh Khai Quận 3.
Năm 1989, nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9 của SJC đã cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên, trong đó gồm có các loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng. Từ dó, thị trường trong nước đã thay đổi việc thanh toán, không còn sử dụng vàng nhẫn, vàng lá như trước kia.
Năm 1992, Hội chợ Triển lãm Nữ trang Việt Nam - cũng là hội chợ duy nhất về ngành vàng bạc đá quý thời trang tại Việt Nam được SJC tổ chức lần đầu tiên và đạt nhiều thành công lớn. Từ đó tới nay, SJC cũng là đơn vị duy nhất tổ chức hàng năm cho Hội chợ này. Về sau, hội chợ đổi tên thành Hội chợ Quốc tế Trang sức Việt Nam.
Công ty Vàng bạc đá quý - SJC.
Tháng 3/1993, cái tên Công ty Vàng bạc Đá quý thành phố chính thức được sử dụng với tên tiếng Anh là Saigon Jewelry Company, viết tắt là SJC.
Vào tháng 12 năm 1993, doanh nghiệp thành lập chi nhánh đầu tiên tại Thủ đô Hà Nội, cũng là chi nhánh đầu tiên của Công ty ngoài thành phố Hồ Chí Minh.
Sau 6 năm hoạt động, lượng vàng SJC thứ 1 triệu được sản xuất vào năm 1994. Đó cũng là dấu mốc SJC bắt đầu đạt được những thành tựu nổi bật trên hành trình phát triển của mình.
Từ năm 1995 - 2002, doanh nghiệp được trao tặng hàng loạt danh hiệu và giải thưởng lớn như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Cúp chất lượng Quốc tế lần thứ 25 tại Paris, Giải thưởng chất lượng Việt Nam. Đặc biệt nhất, trong năm 2000, Trung tâm Kim Hoàn Sài Gòn SJC thiết kế và chế tác tác phẩm nữ trang "Chuỗi Uyên ương" lọt vào vòng chung kết tại cuộc thi Nữ trang quốc tế Gold Virtuosi 200 diễn ra tại Ý. Đây là lần đầu tiên có một sản phẩm của Việt Nam làm được điều này.
Giai đoạn từ năm 2003 – 2006, SJC bắt đầu bước vào quá trình chuyển đổi mô hình doanh nghiệp khi chính thức chuyển sang mô hình Công ty mẹ - Công ty con, đổi tên thành Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC vào ngày 20 tháng 8 năm 2003.
Trong giai đoạn này, SJC hoàn tất cổ phần hóa 10 công ty con.
Tới ngày 22/2/2006, Thỏi vàng SJC 1 kilo được ra đời, đánh dấu sự hội nhập của vàng Việt Nam vào ngành vàng thế giới, cũng đã đáp ứng cho nhu cầu thanh toán, cất giữ nội địa của các doanh nghiệp.
Năm 2007, SJC thành lập bộ phận sản xuất nữ trang, qua đó có thể thực hiện bước đầu chiến lược phát triển, chủ động tạo nguồn hàng nữ trang của Công ty.
Về dịch vụ kinh doanh và xúc tiến giao thương trong ngành Kim hoàn, việc ra đời Kho ngoại quan vàng thành phố Hồ Chí Minh – SJC cũng là cột mốc quan trọng.
SJC luôn là thương hiệu được vinh danh với các sản phẩm uy tín, đảm bảo chất lượng.
Tháng 6/2010, công ty tiến hành đổi tên là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC với tên tiếng anh là Saigon Jewelry Company limited.
Tháng 10/2011, bao bì mới Hologram được sử dụng cho vàng miếng với kỹ thuật chống làm giả cao cấp, qua đó, SJC đã nâng cao uy tín thương hiệu, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Năm 2012 – 2015, Công ty tập trung thực hiện đề án "Phát triển nữ trang” và thoái vốn ngoài ngành. Như vậy, SJC tập trung phát triển kinh doanh nữ trang, bao gồm Nữ trang phổ thông và Nữ trang cao cấp trong phạm vi cả nước và bắt đầu lấn sân một vài thị trường quốc tế.
Để phục vụ kế hoạch này, tháng 5/2012, Xí nghiệp nữ trang Tân Thuận được thành lập tại Khu chế xuất Tân Thuận có công suất đạt trên 1 triệu sản phẩm/năm và sức chứa 500 công nhân.
Ngày 17/9/2013, SJC tổ chức buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Công ty và cho ra mắt thương hiệu nữ trang cao cấp "SJC Diagold".
Tháng 7/2014, Trụ sở mới và Trung tâm Vàng bạc Đá quý lớn nhất toàn hệ thống SJC được khai trương tại số 418-420 Nguyễn Thị Minh Khai.
Năm 2015, mạng lưới bán lẻ được SJC tập trung phát triển, nâng tổng số cửa hàng bán lẻ lên 37 cửa hàng sau khi lần lượt khai trương 7 cửa hàng mới trên toàn quốc.
Từ năm 2016 cho đến nay, đơn vị này vẫn không ngừng tập trung phát triển nữ trang và bước vào kế hoạch cổ phần hóa công ty.
Hiện nay, hai người đứng đầu Ban lãnh đạo của SJC hiện nay gồm có ông Trần Văn Tịnh - Chủ tịch HĐTV và bà Lê Thúy Hằng là Tổng giám đốc đơn vị.
SJC xây dựng hình ảnh doanh nghiệp gắn liền với thương hiệu hàng đầu, uy tín bền vững quốc gia & quốc tế.
Vị thế SJC hiện nay: Doanh thu cán mốc tỷ USD
Trong vòng vài năm tới, SJC định hướng phát triển thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành của quốc gia. Trong đó, vẫn lấy kinh doanh vàng và trang sức với nền tảng một thương hiệu quốc gia để trở thành thương hiệu quốc tế.
SJC có một xí nghiệp sản xuất nữ trang tập trung, xuất xưởng hơn 500.000 sản phẩm một năm. Mạng lưới kinh doanh phân phối gồm hơn 200 cửa hàng, 43 đại lý chính thức, trên 3.000 cửa hàng liên kết bán lẻ toàn quốc.
Biểu đồ tình hình kinh doanh của SJC từ 2011 - 2020.
Mô hình công ty gồm có công ty mẹ, 23 chi nhánh, 6 công ty con và 6 công ty liên kết, 13 doanh nghiệp có vốn đầu tư.
Từ đó tới nay, doanh nghiệp này đã đi vào tâm trí của khách hàng là sản phẩm của niềm tin, uy tín, chất lượng. Sản phẩm SJC cũng đa dạng với nhiều chủng loại từ phổ thông đến cao cấp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo yêu cầu của Thông tư 22, với 2 dòng sản phẩm khác nhau là: dòng nữ trang cao cấp SJC Diagold và dòng phổ thông nữ trang SJC. Thương hiệu xứng đáng là danh hiệu thương hiệu Quốc gia.
Nhờ vậy, doanh nghiệp luôn được đánh giá cao không chỉ tại Việt Nam mà cả trong khu vực: Danh hiệu Thương hiệu Quốc gia, giải Vàng Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam…., cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
Ngày 29 tháng 9 năm 2020, SJC tiếp tục trở thành đơn vị doanh nghiệp được vinh danh Thương Hiệu Quốc Gia theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Đây cũng là một năm chứng kiến giá vàng miếng liên tục vượt mốc lịch sử, với đỉnh giá vào tháng 8 lên tới hơn 62 triệu đồng/lượng. Nhờ vậy, doanh nghiệp lớn nhất thị trường là SJC cũng đạt tăng trưởng mạnh về doanh thu khi vượt mốc tỷ đô. Tuy nhiên, mức doanh số này vẫn thấp hơn mục tiêu doanh nghiệp đặt ra.
Báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ghi nhận doanh thu hơn 23.490 tỷ đồng, vẫn tăng trưởng 26% so với năm trước nhưng không hoàn thành kế hoạch 25.700 tỷ đồng. Giá vốn chiếm hơn 23.230 tỷ đồng nên biên lợi nhuận gộp vẫn rất mỏng, chỉ khoảng 1%.
Do công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán và tổn thất đầu tư, một trong những khoản mục biến động mạnh nhất trong năm qua là chi phí tài chính khi tăng vọt từ 106 triệu đồng lên hơn 31 tỷ đồng. Sau khi trừ khoản này cộng thêm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp, SJC báo lãi trước thuế tăng 11% lên gần 75 tỷ đồng và vượt kế hoạch.
Tổng tài sản của SJC tính đến cuối năm đạt gần 1.650 tỷ đồng, trong đó gần 1.100 tỷ đồng là hàng tồn kho. Lượng tiền mặt doanh nghiệp này đang nắm giữ là 220 tỷ đồng và chỉ có 128 tỷ đồng nợ phải trả, trong khi vốn chủ sở hữu lên tới 1.521 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng – mảng mà SJC tập trung kinh doanh, rất mỏng. Trong năm trước đó, doanh thu của SJC đạt 23.127 tỷ đồng khi kết thúc năm kinh doanh 2019, gần chạm mốc 1 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng cũng chỉ 52 tỷ đồng.
SJC luôn dành được thứ hạng cao trong các chương trình bình chọn của các tổ chức uy tín và của người tiêu dùng.
Giải thưởng và thành tựu nhận được trong một quá trình phát triển dài
Từ năm 1995 - 2002, doanh nghiệp được trao tặng hàng loạt danh hiệu và giải thưởng lớn như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Cúp chất lượng Quốc tế lần thứ 25 tại Paris, Giải thưởng chất lượng Việt Nam.
Từ năm 2007 - 2012, đơn vị cũng lần lượt được nhận: Huân chương Lao động hạng Nhất, lần thứ tư liên tiếp có tên trong danh sách Top 500 Nhà bán lẻ hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương, danh hiệu uy tín do Tạp chí bán lẻ Retail Asia Publishing (Singapore).
Năm 2011, SJC được xếp hàng thứ 4 cả nước trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam khi đạt doanh thu toàn hệ thống lên tới 111.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Xem thêm: Giá vàng hôm nay 13/5/2021: Giá vàng SJC về mốc 56 triệu đồng/lượng
Phương Thúy