Công ty vũ trụ của Jeff Bezos đặt mục tiêu đưa hành khách đầu tiên vào vũ trụ trong tháng 4
Sau nhiều năm phát triển, công ty vũ trụ tư nhân Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos đã đặt mục tiêu sẽ đưa những hành khách đầu tiên của mình lên vũ trụ trong tháng 4 năm nay.
Blue Origin hôm 14/1 đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm thứ 14 của tên lửa New Shepard thế hệ thứ 4, hay còn được gọi là NS-14, vụ phóng thử nghiệm có sự ra mắt của một tên lửa đẩy mới và khoang nội thất trên tàu được nâng cấp.
Ngoài những tử nghiệm về nâng cấp mới, NS-14 cũng đánh dấu một trong những bước đi cuối cùng trước khi Blue Origin tiến hành đưa phi hành đoàn đầu tiên lên vũ trụ.
Một tên lửa New Shepard phóng trong chuyến bay thử nghiệm
Nguồn tin nắm rõ kế hoạch của Blue Origin nói với CNBC rằng, chuyến bay này là chuyến đầu tiên trong số hai chuyến bay thử nghiệm “cấu hình ổn định”. Cấu hình ổn định có nghĩa là công ty có kế hoạch tránh thực hiện những thay đổi lớn giữa chuyến bay này và chuyến bay tiếp theo.
Ngoài ra, nguồn tin còn nói rằng Blue Origin có mục tiêu thực hiện chuyến bay thử nghiệm tiếp theo trong vòng 6 tuần sau, hoặc vào cuối tháng 2 trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên có phi hành đoàn vào đầu tháng Tư.
Chuyến bay NS-15 của Blue Origin sẽ là chuyến bay thử nghiệm việc bốc dỡ hàng của của phi hành đoàn.
Một chuyên gia đã cảnh báo lịch trình của New Shepard là đầy tham vọng khi thực hiện chuyến thử nghiệm tiếp theo chỉ sau 6 tuần. Trước đó chuyến bay thử nghiện NS-13 của Blue Origin đã bay vào tháng 10, sau khi bị trì hoãn từ tháng 9 do sự cố cung cấp điện và NS-13 cũng cách chuyến bay thử nghiệm trước đó tới 9 tháng.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng một trong những nhiệm vụ nổi bật trong chuyến bay thử nghiệm NS-15 của New Shepard là đánh giá chất lượng phần mềm.
Khoang nội thất của tàu vũ trụ
New Shepard là tên lửa được thiết kế để chở người ra ngoài rìa không gian, đạt độ cao hơn hơn 100 km. Chuyến bay sẽ lơ lửng ngoài không gian trong vài phút trước khi quay trở lại Trái đất, với các cửa sổ lớn giúp hành khách có thể ngắm nhìn không gian vô tận của vũ trụ. Cả tên lửa và tàu vũ trụ đều có thể tái sử dụng, tên lửa đẩy hạ cánh theo phương thẳng đứng còn tàu vũ trụ hạ cánh bằng dù.
Cuộc thử nghiệm NS-14 có nhiều nâng cấp đối với tàu vũ trụ, bao gồm hệ thống nói chuyện bằng âm thanh để phi hành gia nói chuyện với người điều khiển nhiệm vụ, bảng hệ thống cảnh báo phi hành đoàn mới ở mỗi chỗ ngồi, tấm lót tường có đệm và thiết bị triệt âm để giảm tiếng ồn, ngoài ra còn bổ sung thêm các hệ thống môi trường như kiểm soát điều kiện không khí và độ ẩm.
Blue Origin được thành lập vào năm 2000 bởi tỷ phú Jeff Bezos, công ty hiện có hơn 3.500 nhân viên với trụ sở chính được đặt tại Kent, Washington. Đến nay, Blue Origin đã phóng thử nghiệm thành công tên lửa New Shepard 14 lần và hạ cánh tên thành công 13 lần liên tiếp. Công ty đã chế tạo tổng cộng bốn tên lửa đẩy New Shepard, trong đó tên lửa thứ tư được phóng lần đầu tiên vào hôm 14/1. New Shepard là một hệ thống tự hành hoàn toàn, không có phi công trên tàu.
Jeff Bezos tự tài trợ cho sự phát triển của Blue Origin bằng cách bán một phần cổ phiếu của mình ở Amazon. Trong khi trước đây, ông từng nói rằng ông bán khoảng 1 tỷ đô la cổ phiếu Amazon mỗi năm để tài trợ cho công ty vũ trụ, Jeff Bezos gần đây đã liên tục bán cổ phiếu của mình tại Amazon, năm 2020 ông thu về 10 tỷ đô la nhờ việc bán cổ phiếu.
H.A (Theo CNBC)