COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến 30,8 triệu lao động Việt Nam

18:12 | 10/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc Họp báo tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2020, sáng 10/7, tại Hà Nội.

COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến 30,8 triệu lao động Việt Nam - ảnh 1
Họp báo tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm năm 2020. Ảnh: DNVN/An Việt
Chia sẻ tại cuộc họp báo, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến lao động, việc làm toàn cầu. Dự báo khoảng một nửa lao động toàn cầu mất việc, mất sinh kế.

Riêng tại Việt Nam trong quý II có thêm 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp cả nước quý II năm nay tăng 2,73% (khoảng 1,3 triệu người), trong đó khu vực thành thị tăng 4,46% so với quý trước.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê đưa ra con số: Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó có khoảng 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh, chiếm tỉ trọng 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng.

Trong tổng số 30,8 triệu người bị ảnh hưởng, có 28,7 triệu người có việc làm, 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động - không tham gia hoạt động kinh tế.

Trong các khu vực chịu tác động bởi COVID-19, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp xây dựng (67,8% lao động bị ảnh hưởng), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản(25,1% lao động bị ảnh hưởng).

Tổng cục Thống kê công bố, trong quý II/2020, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của nhóm có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên giảm so với quý trước nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. Điều này cho thấy trước những cú sốc kinh tế, lao động có trình độ chuyên môn thấp hoặc không có chuyên môn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Phát biểu tại cuộc Họp báo, bà Valentina Barcucci, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng Báo cáo của Tổng cục Thống kê đã phát đi tín hiệu báo động cho tình hình lao động việc làm của Việt Nam trong quý vừa qua.

Khi dịch bệnh gia tăng, Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội. Một số quốc gia khi dịch bệnh gia tăng, họ cũng áp dụng cách ly xã hội, ảnh hưởng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ kinh doanh. Hai yếu tố kết hợp làm ảnh hưởng việc làm nói riêng và hoạt động kinh tế nói chung của Việt Nam.

Bà Valentina Barcucci cho rằng, một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng, chưa bao giờ bị như vậy. Người lao động mất việc làm nhưng họ không tìm việc làm mới có thể do không có nhiều việc làm ở ngoài thị trường. Các phát hiện trong Báo cáo này cung cấp cho nhà hoạch định chính sách nhiều thông tin quý giá.

“Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng với đại dịch COVID-19, đưa ra chính sách ứng phó kịp thời vào đầu tháng 4. Cùng với diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, các chính sách ấy cần phải kiểm chứng xem phù hợp không, có cần điều chỉnh không. Tổng cục Thống kê cùng bộ ban ngành khác cần phối hợp với chủ lao động, người lao động xem các chính sách can thiệp đó hiệu quả hay chưa, để thiết kế chính sách phù hợp hơn dựa trên số liệu điều tra”, Bà Valentina Barcucci khuyến nghị.

Đưa ra các giải pháp trong thời gian tới, Tổng cục Thống kê cho rằng cần đề xuất cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, chủ động có giải pháp ngăn ngừa làn sóng COVID-19 đợt 2 có khả năng diễn ra trong thời gian tới.

Chính phủ tập trung tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm thực hiện đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như: mở rộng các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam...

Đối với thị trường xuất khẩu, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam có hiệu lực từ tháng 8/2020.

Cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất.

Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được các quy định tại Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA).