CPTPP có hiệu lực: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt
Với Hiệp định CPTPP, ngành da giày Việt có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, bởi trong số 11 nước tham gia vào CPTPP thì có đến 10 nước là thị trường xuất khẩu tiềm năng, nhất là khi các dòng thuế về 0%.
Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi trong nhóm các nước tham gia CPTPP nên sẽ giảm bớt những hạn chế đối với việc mở cửa hàng trong lĩnh vực bán lẻ. Sự thay đổi này có thể sẽ tạo cơ hội cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các nhà bán lẻ khác có chỗ đứng tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, chúng ta đã có các bộ luật khá tốt như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công… Điều này cho thấy, đất nước đã có sự chuẩn bị về mặt thể chế, cải thiện môi trường đầu tư để khai thác tốt nhất lợi thế so sánh...
Cơ hội lớn nhất từ CPTPP mang lại là cơ hội cải cách thể chế khi hướng tới việc sửa 7 luật và hàng chục Nghị định trong quá trình rà soát để phù hợp với các quy định của CPTPP, đặc biệt trong lĩnh vực mở cửa dịch vụ và đầu tư.
"Từ nay đến khi chính thức thực thi Hiệp định, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch về hội nhập CPTTP được Quốc hội thông qua và sau đó cụ thể hóa thành các Nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ và trên tinh thần đó từng bộ ngành, địa phương, các hiệp hội sẽ cụ thể hóa hơn nữa vào các hoạt động của mình để hình thành một tổng thể quốc gia, kế hoạch giải pháp và các mục tiêu. Chúng ta phải rà soát các luật về lao động, doanh nghiệp … để thực hiện quá trình điều chỉnh cho phù hợp", ông Long khuyến nghị.
Theo kết quả nghiên cứu chính thức được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện và công bố, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035, giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000-26.000.
Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Thêm vào đó, tham gia CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực, là điều kiện quan trọng để nâng cao trình độ phát triển nền kinh tế, từ đó có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn
Giáo sư Tom Chodor của Đại học Monash, Australia cho rằng, CPTPP là một công cụ hữu ích để các nước thành viên thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực trước sự leo thang của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Malaysia... áp lực từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rất lớn khi áp dụng các thực tiễn công bằng.
Cộng đồng doanh nghiệp tham gia CPTPP đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia Hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Điều này đang tạo ra sức ép trong bối cảnh năng lực cạnh tranh quốc gia và của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là trình độ phát triển của nước ta được xem là thấp nhất trong khối CPTPP…
Thách thức từ CPTPP đã được bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày- túi xách Việt Nam chỉ rõ: Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới còn hạn chế. Thêm vào đó là sự thiếu hụt về nguồn vốn, nhân lực… dẫn đến việc mở rộng quy mô sản xuất sẽ còn khó khăn.
"Khó khăn lớn nhất cho nông sản nước ta là chất lượng và an toàn thực phẩm, vì trong CPTPP có 2 khối là khối các nước phát triển thì yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch cao. Các nước ASEAN cũng là thị trường nhưng yêu cầu không cao như các nước trong CPTPP. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành đề xuất các tiêu chuẩn về nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi , đảm bảo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông thủy sản Việt Nam", ông Hòa nói.
Doanh nghiệp cần chủ động thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh
Trước những thách thức trên, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ như thông tin đầy đủ về Hiệp định tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tránh sự thụ động dẫn tới việc mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tận dụng những lợi thế của Hiệp định CPTPP, cộng đồng doanh nghiệp trước hết phải nắm bắt được các thông tin cụ thể từ Hiệp định.
Cần chủ động thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, xây dựng chiến lược bài bản: "Khi hội nhập, tham gia vào CPTTP thị trường rất mở song là thách thức lớn. Do đó muốn phát triển thì doanh nghiệp bắt buộc phải có định hướng nhất định, nên có cẩm nang cho doanh nghiệp bởi hiện tại doanh nghiệp vẫn chưa hiểu biết nhiều về CPTTP. Có những hướng dẫn sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin nhằm xây dựng chiến lược của mình một cách sát nhất với thực tiễn", theo ông Phạm Mạnh Cổn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty TNHH ElTex Việt Nam, Ủy viên BCH Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc nâng cấp các yêu cầu bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như năng lực thể chế để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong quá trình tham gia CPTPP.
Tiếp tục đổi mới, đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất lao động. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo sức bật cho phát triển.