CTCK mở rộng hầu bao margin, dòng tiền sôi động hơn sẽ hỗ trợ VN-Index trong nửa cuối năm?
VN-Index đã trải qua đủ 3 giai đoạn tăng trưởng – điều chỉnh - phục hồi chỉ trong nửa đầu 2024
Tại báo cáo triển vọng thị trường mới nhất, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định chỉ số VN-Index đã trải qua đầy đủ 3 giai đoạn tăng trưởng – điều chỉnh - phục hồi trong nửa đầu năm 2024. Tính từ thời điểm đầu năm đến hết tháng 6/2024, VN-Index tăng 9,59% từ mức 1.136,39 điểm lên 1.245,32 điểm (chốt phiên giao dịch cuối tuần 28/6).
“Tiếp nối đà tăng từ cuối năm 2023, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng tới tháng 3/2024 với thanh khoản liên tục tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 4 khiến thanh khoản sụt giảm kèm theo đó là giá giảm sâu. Ở thời điểm hiện tại, sau khi đã phục hồi từ nhịp điều chỉnh, VN-Index một lần nữa chinh phục vùng giá 1.300 điểm (đỉnh cũ), làm tiền đề cho sự bứt phá trong giai đoạn cuối năm 2024”, TPS nhận định.
Theo nhóm phân tích, trong nửa đầu 2024, thị trường đi qua 3 giai đoạn chính.
Thứ nhất là giai đoạn tăng trưởng, khi VN-Index duy trì xu thế tăng tích cực từ tháng 1/2024 và duy trì xu hướng tăng ấn tượng đến tháng 3/2024.
Theo TPS, sau khi các thông tin tiêu cực đã được phản ánh và hình thành đáy của VN-Index trong tháng 10/2023, thị trường sau đó đã có mức tăng nhẹ khoảng 10% từ đáy tháng 10 cho đến hết tháng 12/2023. Tuy nhiên, trước đó VN-Index đã sụt giảm đến 20% tính từ vùng giá cao nhất của năm 2023. Như vậy, các thông tin tiêu cực đã được phản ánh vào diễn biến thị trường trong 3 tháng cuối năm 2023 cùng với một loạt cổ phiếu về vùng giá hấp dẫn chính là cơ sở cho sự tăng trưởng của thị trường ở giai đoạn 3 tháng đầu năm 2024. Điều này đã tạo ra mức nền thấp về chỉ số và định giá, tạo đà cho thị trường bật tăng từ tháng 1 – 3/2024.
Tiếp theo, các thông tin hỗ trợ trong giai đoạn này là việc Chính phủ và NHNN liên tục tung ra các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong đó, tiêu biểu nhất là quyết định hạ lãi suất điều hành 2 lần liên tiếp từ NHNN, qua đó làm tiền đề cho nhịp bùng nổ của thị trường trong giai đoạn kể trên.
Thứ hai là giai đoạn điều chỉnh, kéo dài từ khoảng cuối tháng 3/2024 đến nửa đầu tháng 04/2024, khi VN-Index có tháng điều chỉnh mạnh giảm tới 8,41% chỉ trong 4 phiên giao dịch.
Cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4/2024 là thời điểm mà các thông tin tiêu cực ập đến, đặc biệt từ chỉ số DXY, khiến thị trường gặp khó khăn. Khối ngoại liên tục rút ròng trong tháng 4 với thanh khoản lớn và lại tập trung chủ yếu vào nhóm vốn hóa lớn khiến điểm số VN-Index có thời gian trượt giảm mạnh.
Cùng với đó, các chính sách được ban hành trong giai đoạn tháng 4/2024 không đủ quyết liệt nhằm hạ nhiệt tỷ giá, tỷ giá đồng đô la liên tục nằm ở ngưỡng trần. Giá vàng tăng mạnh trong khi nhà nước cũng gặp khó khăn trong các phiên bán đấu giá vàng. Lãi suất OMO cũng được NHNN tăng thêm 0,25 điểm % từ 4,25% lên 4,5%. Thêm vào đó, cuộc chiến sau 6 tháng xung đột giữa Israel và Palestine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại càng khiến tâm lý NĐT lo ngại.
Bên cạnh đó, việc tăng liên tục 7 tháng liên tiếp tính từ tháng 11/2023 thì việc thị trường có nhịp điều chỉnh là hoàn toàn bình thường. Việc điều chỉnh này thậm chí sẽ còn làm cho xu thế tăng tiếp theo có sức mạnh tốt hơn và đi được xa hơn.
Với các yếu tố trên, thị trường có một tháng giảm điểm mạnh và nhanh. Mức giảm sâu khiến nhiều NĐT gặp khó trong việc phản ứng cùng thị trường. Tuy nhiên, ngay sau 4 phiên giảm mạnh đó, đà tăng đã quay trở lại và VN-Index chính thức xác nhận đáy (đà giảm suy yếu) vào ngày 2/5/2024.
Sau giai đoạn điều chỉnh, VN-Index bước vào giai đoạn 3 Lấy lại xu hướng tăng khi chỉ số bật tăng ổn định và vượt lên mức giá tính từ cây nến giảm mạnh nhất (vào ngày 15/5 với mức giá là 1.274 điểm) cho thấy niềm tin của NĐT đã quay trở lại và chính thức kết thúc xu thế giảm giá.
Theo TPS, từ 20/4/2024-19/6/2024, thị trường duy trì được xu thế tăng giá, vượt lên trên nền giảm mạnh trước đó cho thấy một xu hướng tăng tốt, mở ra những kịch bản tươi sáng cho VN-Index.
Có được sự tăng trưởng này có thể kể đến nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, các thông tin xấu từ thị trường đã phản ánh vào giá. Việc tỷ giá liên tục ở ngưỡng cao, giá vàng phần nào đã được phản ánh vào mức giảm mạnh và nhanh trong tháng 4 trước đó. Tháng 5 vẫn bị ảnh hưởng bởi các thông tin trên nhưng NĐT không còn động thái bán tháo mạnh như giai đoạn trước mà phản ứng một cách bình tĩnh, thận trọng hơn.
Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng tại Mỹ, CPI có dấu hiệu giảm trong báo cáo tháng 4 càng khiến cho giới đầu tư kỳ vọng vào việc FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong thời gian tới. Đây là những yếu tố chính thúc đẩy việc tỷ giá sẽ được hạ nhiệt trong thời gian tới khi mà chỉ số DXY cũng giảm 2,12% từ đỉnh được tạo lập trong tháng 4.
Thêm nữa, các thông tin tích cực đến từ khối doanh nghiệp, giá vàng hạ nhiệt, chính phủ mạnh tay với nhiều chính sách và biện pháp nhằm giảm tỷ giá giúp cho lòng tin của NĐT tích cực trở lại.
Ngoài ra, giá vàng sụt giảm do Trung Quốc tuyên bố ngừng mua vàng sau 18 tháng mua ròng và chính phủ cho phép 4 ngân hàng lớn nhất nước được phép bán vàng.
Lượng vốn vay margin trong nửa cuối 2024 dự báo tăng lên đáng kể, hỗ trợ dòng tiền vào TTCK
Trong nửa cuối 2024, nhóm phân tích cho rằng triển vọng với TTCK là tích cực, dựa trên cơ sở yếu tố vĩ mô thuận lợi khi lạm phát và giá cả hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt, thương mại toàn cầu tích cực, xu hướng nhiều NHTW (gồm Fed) tiến tới tiến trình nới lỏng tiền tệ. Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP năm nay được dự báo sẽ cao hơn năm trước, xuất khẩu phục hồi, lĩnh vực tiêu dùng và sản xuất tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. NHNN kỳ vọng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại.
Theo đó, TPS chỉ ra 3 yếu tố sẽ hỗ trợ dòng tiền vào TTCK trong nửa cuối năm. Trong đó, một yếu tố quan trọng là kỳ vọng dư địa cho vay margin trong thời gian tới sẽ còn rất lớn và sẽ hỗ trợ cho đà tăng thị trường chứng khoán.
Tính đến cuối quý I/2024, tổng nợ vay của các CTCK đạt mức kỷ lục 191,3 nghìn tỷ đồng, +60,8% svck và +10% so với quý liền trước. Tuy nhiên, tỷ lệ dư nợ cho vay margin/Vốn chủ sở hữu vẫn rất thấp chỉ đạt 54,5%, thấp hơn so với mức đỉnh đầu 2022 là 120% và thấp hơn mức an toàn được quy định (2 lần).
Dự kiến lượng vốn vay margin trong nửa cuối 2024 sẽ tăng lên đáng kể khi trong giai đoạn cuối 2023 và nửa đầu 2024, hàng loạt các CTCK đều đã thông qua kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong 2024 như ACBS, HSC, SSI, SHS, VCI,… Do đó, TPS kỳ vọng hầu bao margin từ các CTCK sẽ được mở rộng trong nửa cuối 2024-2025.
Thứ hai, câu chuyện nâng hạng thị trường đang sáng hơn khi trong báo cáo đánh giá của MSCI vào tháng 6/2024 cho thấy Việt Nam đã cải thiện được tiêu chí khả năng chuyển nhượng. Cùng đó, hệ thống KRX đang gấp rút hoàn thiện, kỳ vọng được triển khai từ tháng 9 năm nay, củng cố cho khả năng nâng hạng của thị trường.
Cuối cùng, định giá vẫn còn hấp dẫn so với triển vọng phục hồi lợi nhuận.
TPS chỉ ra rằng nhịp điều chỉnh tháng 4 đã kéo định giá P/E của thị trường về mức thấp nhất 13,7x. Sau nhịp phục hồi, VN-Index hiện đang giao dịch tại mức P/E 14,4x. Nhóm phân tích cho rằng mức định giá hiện tại của thị trường vẫn còn hấp dẫn khi so với triển vọng phục hồi lợi nhuận của các doanh nghiệp trong năm nay và so với mức trung bình 10 năm là 15,2x.
Ngoài ra, định giá P/B của VN-Index hiện ở mức 1,8x và đang thấp hơn mức trung bình 10 năm là 2,2x.
Cho triển vọng của năm 2024, nhóm phân tích đưa ra 3 kịch bản, trong đó 2 kịch bản có triển vọng cao hơn là kịch bản cơ sở (50%) và kịch bản tích cực (40%).
Ở kịch bản cơ sở, dự báo VN-Index sẽ giao động quanh mục tiêu 1.381 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu ở là 15,x (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất).
Dưới một góc nhìn lạc quan hơn, VN-Index có thể đạt mức 1.444 điểm với kịch bản lợi nhuận tăng trưởng 15% khi các yếu tố khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm, các Ngân hàng Trung Ương thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ; qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.