Cửa mở cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc
Những bất lợi về thời tiết trong năm 2017 đã khiến cho ngành nuôi tôm của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Nhiệt độ quá nóng, ẩm, cộng với nguồn giống bố mẹ chất lượng thấp được là điều kiện để dịch bệnh phát triển. Bên cạnh đó, năm 2017, Trung Quốc phải đối mặt với 15 cơn bão, khiến ngập lụt ao tôm ở nhiều khu vực.
Tại "Hội nghị triển vọng toàn cầu cho các lãnh đạo nuôi trồng thuỷ sản năm 2017", Giáo sư James của Đại học Florida đã dự báo, sản lượng tôm chân trắng của Trung Quốc năm nay sẽ giảm từ 1,7 triệu tấn xuống còn 600.000 tấn
Trước tình trạng sản lượng sản xuất tôm trong nước đang giảm, khả năng đưa ra các điều khoản thanh toán hấp dẫn và tiêu thụ ngày càng tăng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán, Trung Quốc đang chiếm ưu thế về nhập khẩu tôm trên thế giới. Hiện các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang thâm nhập sâu vào nội địa các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để trực tiếp mua tôm tại các ao nuôi của nông dân với khối lượng lớn.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang có cơ hội tốt tại thị trường Trung Quốc ngay từ những ngày đầu năm 2018. Trong 11 tháng năm 2017, Trung Quốc đứng thứ 3 trong top thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam (sau EU và Nhật Bản) nhưng lại là thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng, với 60,5% và kim ngạch ước đạt 629,26 triệu USD. Con số tăng trưởng này sẽ không dừng lại và việc Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý 1/2018 là hoàn toàn khả thi
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải chú ý tới vị trí của mình trong hệ thống cung cấp tôm vào Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đang là thị trường lớn của xuất khẩu tôm Việt Nam nhưng xét các quốc gia cung cấp tôm vào Trung Quốc thì Việt Nam chỉ đứng ở vị trí thứ 8 sau Ecuador, Canada, Ấn Độ, Greenland, Thái Lan, Argentina và Indonesia. Việc tăng nhu cầu tôm nhập khẩu của Trung Quốc đồng nghĩa với giá tôm nguyên liệu ở một số nước xuất khẩu tôm lân cận Trung Quốc, trong đó có Việt Nam tăng. Nếu không cẩn trọng, các doanh nghiệp sẽ dễ rơi vào tình trạng bị ép giá hoặc không có lãi.