Cuối năm lại tìm cách phục hồi bất động sản, thúc đẩy kinh tế
Thị trường bất động sản là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế và có sức lan tỏa tới hơn 30 ngành nghề chủ chốt. Tuy nhiên thời gian qua, ngành này đang ở trong thời kỳ suy giảm do gặp nhiều thách thức trong vấn đề về dòng tiền, nút thắt về pháp lý, mất tiềm tin... Chính vì vậy, có thể nói chưa bao giờ thị trường đón nhiều trợ lực về mặt chính sách như vậy.
Ngày 17/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1376 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công điện nêu, thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp và thị trường còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến các thủ tục pháp lý, tiếp cận tín dụng, nhất là thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất nên thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số yêu cầu.
Trong đó, Thủ tướng một lần nữa giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động Tổ Công tác quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục pháp lý, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa...
Đồng thời, tiếp tục theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, thúc đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội. Đề xuất thêm giải pháp mới hiệu quả hơn thúc đẩy mạnh mẽ việc giải ngân cho nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 31/12/2023.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thành lập ngay các Tổ Công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng,… giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm...
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tiếp tục rà soát, có giải pháp thiết thực hiệu quả thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền...
Theo thống kê, đây là công điện thứ 6 kể từ cuối năm 2022 đến nay liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, được Thủ tướng ký ban hành.
Cụ thể, gồm: Công điện ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Công điện ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Công điện ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; Công điện ngày 25/5/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Gần đây nhất là Công điện số 993 ngày 24/10.
Tác động hiện nay của ngành bất động sản đến triển vọng ngành ngân hàng và mục tiêu tăng trưởng kinh tế được cho là khá lớn. Nhìn trong bối cảnh tổng quan về kinh tế vĩ mô, hoạt động kinh doanh bất động sản cùng với hai ngành liên quan trực tiếp nhiều nhất gồm xây dựng và tài chính - ngân hàng - bảo hiểm chiếm tỷ trọng khoảng 14 - 15% GDP.
Khó khăn từ thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, bởi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.
Mặc dù tín dụng kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng trở lại (tăng 21,86% tính đến cuối tháng 9, xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng)) nhưng quy mô còn quá nhỏ so với nhu cầu vốn lĩnh vực này. Trong khi đó, áp lực phải trả cả gốc và lãi từ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp địa ốc trong 12 - 24 tháng tới là tương đối lớn.
Phát biểu tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ quan điểm, ngân hàng và doanh nghiệp nằm trong một hệ sinh thái kinh tế. Sự phát triển của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến nhau và liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế. Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng và doanh nghiệp mới phát triển và ngược lại, ngân hàng và doanh nghiệp có phát triển thì đất nước mới phát triển.
Theo Thủ tướng, ngân hàng cũng có lúc thuận lợi, có lợi nhuận, vậy thì lúc khó khăn phải chia sẻ với người dân, với doanh nghiệp.
Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản đang kêu khó tiếp cận vốn. Tuy nhiên, trong những năm qua, bất động sản tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa?
Theo Thủ tướng, lúc bình thường thì có chính sách bình thường, lúc không bình thường phải có chính sách không bình thường. Lúc khó khăn phải có chính sách trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ" thì mới là phù hợp, đúng đắn, thúc đẩy được sự phát triển.
Thủ tướng đặt vấn đề: "Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng chúng ta có linh hoạt được không. Có doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?"
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, để tìm ra lời giải cho bài toán tín dụng, cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng phát triển, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".