Ông Shinzo Abe là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Ông qua đời ở tuổi 67 sau khi cuộc ám sát ngày 8/7. Sự ra đi đột ngột của ông khiến người dân Nhật Bản và thế giới bàng hoàng. 

 

 

Cố thủ tướng Shinzo Abe sinh năm 1954 tại Nagato, tỉnh Yamaguchi, xuất thân từ một gia tộc chính trị danh giá Nhật Bản. Ông ngoại Kishi Nobusuke từng là thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960. Sato Eisaku, chú của ông Abe, cũng từng giữ chức vụ này từ 1964 tới 1972. Cha ông Abe, Shintaro Abe, là cựu Ngoại trưởng Nhật. 

 Ông Shinzo Abe xuất thân từ một gia đình chính trị có tiếng của Nhật Bản. Trong ảnh, ông Abe lúc còn bé ngồi trên đùi trái ông ngoại là cựu Thủ tướng  Kishi Nobusuke. 

Sau khi tốt nghiệp khoa học chính trị tại Đại học Seikei ở Tokyo vào năm 1977, ông Abe chuyển đến Mỹ để nghiên cứu chính sách công tại Đại học California trong ba học kỳ. Tháng 4/1979, ông làm việc cho công ty Kobe Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ 3 Nhật Bản - nơi ông gọi là “điểm khởi đầu cuộc sống trưởng thành của tôi”.

Ông Shinzo Abe rời công ty thép sau 3 năm làm việc để chính thức bước chân vào chính trường từ năm 1982 với vai trò trợ lý cho cha, ông Shintaro Abe. Sinh ra trong một gia tộc quyền thế, thừa hưởng tố chất chính trị từ gia đình, ông Shinzo Abe nhanh chóng trở thành cái tên sáng trong Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản LDP, liên tục thăng tiến, kinh qua nhiều vị trí và trở thành trợ lý cho Tổng thư ký Đảng chỉ trong vòng một thập kỷ. 

Cha ông qua đời năm 1991. Hai năm sau, khi chỉ mới 39 tuổi, ông Abe được bầu vào Hạ viện Nhật Bản và sớm cho thấy tố chất chính trị "con nhà nòi". Năm 2005, ông Shinzo Abe được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng nội các dưới thời Thủ tướng Junichiro Koizumi, và sau đó được bầu làm chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) .

 

 Ông lần đầu tiên nhậm chức vào năm 2006, trở thành thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai, nhưng phải từ nhiệm một năm sau đó vì căn bệnh viêm loét đại tràng. Năm 2012, ông Abe một lần nữa trở lại chiếc ghế này và tái đắc cử 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

  Ông Abe đắc cử thủ tướng lần 2 vào ngày 26/12/2012. 

Ngày 28/8/2020, ông Shinzo Abe xin từ nhiệm vì căn bệnh cũ. Với hơn 8 năm trên cương vị, ông Abe là Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản. Dù rời ghế Thủ tướng, ông vẫn là người có ảnh hưởng sâu rộng trong đảng LDP.  

 

Năm 2012, ông Abe nhậm chức thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ thứ hai với trọng trách nặng nề là vực dậy nền kinh tế suy thoái trong những năm của "Thập niên Mất mát" (kéo dài suốt những năm 1990 và cả 2000).

Tăng trưởng kinh tế giảm tốc do chi tiêu tiêu dùng suy giảm, sự già hóa dân số thúc đẩy xu hướng tiết kiệm ở người dân, bóng ma giảm phát đè nặng lên nền kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng bất động sản hồi năm 1990. Trận động đất thảm họa năm 2011 cùng những hệ quả kéo dài sau đó, cộng thêm khoản nợ công khổng lồ từ các đời Thủ tướng trước đó gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế Nhật Bản. Trong lĩnh vực tiền tệ, đồng Yên mạnh dẫn đến xuất khẩu suy giảm. Trên thị trường lao động, tỷ lệ lao động nữ giới thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, nhiều ngành chứng kiến lực lượng lao động giảm mạnh. Nhật Bản từ vị trí nền kinh tế thứ 2 thế giới đã tụt hạng xuống thứ 3 vào năm 2011.

 

Tôi đã dành 6 năm (sau khi từ chức Thủ tướng năm 2007) đi khắp đất nước chỉ để lắng nghe. Ở bất kỳ đâu trên đất nước, tôi đều nghe thấy những lời than vãn về tình trạng mất việc làm do giảm phát. Người dân không còn hy vọng vào tương lai. Tôi nhận ra rằng ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới phải là loại bỏ giảm phát.

Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình, vào năm 2013, ông Shinzo Abe khởi xướng chính sách Abenomics bao gồm 3 mũi tên quan trọng: nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy mạnh chi tiêu chính phủ và cải cách cơ cấu toàn diện để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chấm dứt thời kỳ giảm phát kéo dài nhiều thập niên của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

 

Trong mũi tên thứ nhất, ông Abe đã đạt được một thỏa thuận với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhằm thực hiện một chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có. BoJ đã cắt giảm lãi suất xuống mức âm nhằm giảm chi phí đi vay, khuyến khích tiêu dùng cá nhân và đầu tư kinh doanh, đồng thời đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức mục tiêu 2%. Các nỗ lực đó đã đưa nền kinh tế thoát khỏi thời kỳ giảm phát kéo dài kể từ thập niên 1990. BOJ liên tiếp bơm tiền vào nền kinh tế, với tốc độ 80.000 tỷ Yên mỗi năm, chủ yếu thông qua mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Năm 2016, cơ quan này còn lần đầu tiên hạ lãi suất xuống âm.

Mũi tên thứ hai trong chính sách Abenomics là tăng cường chi tiêu chính phủ kích thích nhu cầu và tiêu dùng nhằm kích thích tăng trưởng ngắn hạn và để đạt được thặng dư ngân sách trong dài hạn. Năm 2013, chính phủ Nhật Bản công bố chi 10.300 tỷ Yen (116 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng, xây đường bộ, nhà và cầu. Năm 2014, nước này bổ sung thêm 2 đợt kích thích nữa, trị giá 5.500 tỷ Yen và 3.500 tỷ Yen. Chi tiêu này nhằm hiện đại hóa cơ sở hạ tầng quốc gia, trong đó có cơ sở vật chất phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020. Các khoản chi tiêu cũng nhằm thúc đẩy đầu tư kinh doanh, tạo đà cho các thị trường tài chính và bất động sản và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong vài năm.

Mũi tên cuối cùng đi kèm và thúc đẩy hiệu quả của hai mũi tên trên đây là sự cải cách cơ cấu toàn diện trong nền kinh tế, nhằm thúc đẩy thị trường lao động Nhật Bản cùng chế độ phúc lợi đáng mơ ước cho người lao động. Điều này bao gồm cải cách quản trị doanh nghiệp, giảm bớt các hạn chế trong việc thuê nhân viên nước ngoài tại các khu kinh tế đặc biệt, giúp các công ty sa thải nhân viên làm việc kém hiệu quả, tự do hóa ngành y tế và thực hiện các biện pháp giúp đỡ các doanh nhân trong và ngoài nước. Cải cách doanh nghiệp, bổ sung thêm phụ nữ vào lực lượng lao động, tự do hóa lao động và cho phép nhiều người di cư tham gia lực lượng lao động hơn để giúp giảm bớt áp lực lao động và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các luật được đề xuất cũng nhằm mục đích tái cấu trúc các ngành công nghiệp dược phẩm và các ngành phục vụ lợi ích công cộng, cũng như hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Quan trọng nhất có lẽ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, giúp Nhật Bản tăng khả năng cạnh tranh hơn thông qua thương mại tự do.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Shinzo Abe được nhận định là người đã "thay đổi diện mạo" kinh tế Nhật Bản, mở ra lối thoát để nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát trì trệ hàng thập kỷ. Trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017, Nhật Bản đã ghi nhận 8 quý tăng trưởng dương liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất trong gần 30 năm, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức dưới 3%, thấp nhất trong hơn 2 thập kỷ. Đồng Yen suy yếu, giảm giá 30% góp phần vào việc đưa kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 19 tháng liên tiếp. 

Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản giảm dần trong nhiệm kỳ của ông Abe.

Tháng 6/2013, Nhật Bản lần đầu lạm phát sau hơn một năm, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4%. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, ông Shinzo Abe phát biểu: "Mùa xuân này, lương của người lao động sẽ tăng, kéo tiêu dùng lên theo. Nhật Bản không còn ở thời kỳ chạng vạng nữa, mà đã bước sang bình minh".

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số Nikkei đã tăng gấp đôi từ 10.000 điểm vào tháng 12/2012 lên hơn 20.000 điểm vào thời điểm hiện tại. Điều này không chỉ phản ánh sức mạnh của thị trường tài chính nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, mà còn thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào chính sách Abenomics.

Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Shinzo Abe cũng đạt nhiều thành tựu thương mại đáng ghi nhận thông qua hoàn thành hàng loạt thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) Nhật Bản - EU, tạo thêm triển vọng cho ngành xuất khẩu.

Với kỳ vọng đưa phụ nữ trở thành động lực quan trọng trong thị trường lao động Nhật Bản, thúc đẩy bình đẳng giới, ông Shinzo Abe đã khởi xướng chính sách Womenomics. Đến năm 2019, báo cáo được thực hiện bởi Goldman Sachs chỉ ra tỷ lệ phụ nữ trên thị trường lao động Nhật Bản lên tới hơn 70%, vượt qua các nền kinh tế tiên tiến hàng đầu như Mỹ, EU. 

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh hiệu quả của chính sách Abenomics với nền kinh tế khi chi tiêu tiêu dùng còn ở mức thấp, lạm phát trung bình giai đoạn 2000 – 2020 của nước này chỉ khoảng 0,1%, cách xa mục tiêu 2%, lãi suất thấp kéo dài ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính. Các chiến lược tăng trưởng của ông Abe cũng chịu tác động từ đợt nâng thuế năm 2019 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Một phần giới quan sát tại Nhật Bản cho rằng Abenomics đã lao đao từ lâu, sự bùng phát đại dịch dường như càng trầm trọng thêm tình hình khi nền kinh tế bị chìm vào suy thoái. Các nhà phê bình cũng cho rằng Abenomics đã thất bại trong việc thực hiện các cam kết như tăng vai trò phụ nữ trong lực lượng lao động, giải quyết chủ nghĩa gia đình và thay đổi văn hóa làm việc không lành mạnh. 

Nhưng trong buổi phỏng vấn với tạp chí Times vào tháng 4/2014, ông Abe đã chia sẻ: "Tôi là một người yêu nước. Tôi nghĩ rằng sẽ không có chính trị gia nào không yêu nước cả. Vì tôi là một chính trị gia, tôi thường bị chỉ trích rất nhiều. Tuy nhiên, nếu cứ bận tâm đến những lời chỉ trích như vậy, làm sao tôi có thể bảo vệ người dân".

 

Dù có nhiều quan điểm trái chiều, nhưng không thể phủ nhận rằng, trong 8 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Shinzo Abe thực sự đã thay đổi diện mạo của nền kinh tế Nhật Bản so với thời điểm trước năm 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia, Abenomics đã mở ra lối thoát để nền kinh tế Nhật Bản bước ra khỏi tình trạng đình trệ và giảm phát trầm trọng kéo dài trước đó. 

Mike Green, một chuyên gia về Nhật Bản tại châu Âu cho biết: "Mặc dù các chính sách của ông Abe không phải lúc nào cũng có hiệu quả, nhưng thành tích tổng thể của ông đã bù đắp được cho những thiếu sót đó. Ông đã không hoàn thành hết mọi điều mà Nhật Bản cần, nhưng ông đã hoàn thành nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào trong nhiều thập kỷ qua".