Đã có hướng xử lý 2 ngân hàng mua lại bắt buộc, vẫn nặng gánh lo nợ xấu

Diên Vỹ 11:39 | 13/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia, trong đó có TS. Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV), bày tỏ quan ngại việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém lúc này sẽ đối diện nhiều thách thức hơn trước đây, đặc biệt là khi nợ xấu nhiều ngân hàng có xu hướng phình to do tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19

Đã có hướng xử lý 2 ngân hàng yếu kém CBBank và OceanBank 

Chính phủ vừa có Báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022", trong đó tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo cho biết trong năm 2021, Chính phủ và các bộ, ngành đã tích cực triển khai nhiệm vụ cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, đã tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp với diễn biến dịch bệnh; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...

Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongABank). Cụ thể, đã tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ. 

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Hiện chưa có thông tin chính thức về việc CBBank và OceanBank sẽ "về tay" ngân hàng nào theo phương án xử lý này. Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông ngân hàng thường niên diễn ra gần đây, hai Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã thông qua việc tham gia tái cơ cấu hai ngân hàng yếu kém theo hình thức chuyển giao bắt buộc.

Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank tiết lộ nhà băng này dự kiến nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và quy định pháp luật.

"Hiện, Vietcombank vẫn đang triển khai các thủ tục cần thiết với cơ quan quản lý nhà nước và chưa thể trả lời Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc TCTD cụ thể nào. Còn TCTD yếu kém này đang nằm trong sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước", ông Dũng nói. Vị này cũng cho biết thêm, trong trường hợp nhận chuyển giao bắt buộc, Vietcombank có thể mất tối đa 10 năm để tái cơ cấu TCTD được chuyển giao.

Về phía MB, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái cũng tiết lộ ngân hàng này sẽ nhận chuyển giao bắt buộc 1 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém nhưng chưa thể công bố danh tính ngân hàng. Ông Thái cho biết ngân hàng mà MB sắp nhận chuyển giao bắt buộc có quy mô tài sản thấp hơn 10% so với tổng tài sản của MB và lỗ lũy kế không vượt quá 20.000 tỷ đồng.

Chia sẻ thêm, vị Tổng giám đốc MB cho hay MB không phải bỏ tiền mua ngân hàng này, mà còn được hỗ trợ về giấy phép và một khoản tiền từ phía Nhà nước tương đương một nửa phần âm vốn hiện tại của tổ chức này.

Sau khi triển khai tái cơ cấu TCTD được chuyển giao bắt buộc, MB dự kiến 3 phương án xử lý: sáp nhập vào MB, IPO chuyển thành một ngân hàng cổ phần hoặc bán hoàn toàn ngân hàng đó. "Trong trường hợp tái cơ cấu không thành công, MB không thể trả lại "ngân hàng 0 đồng" cho Nhà nước nhưng hoàn toàn có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần. Nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng đó có thể sáp nhập vào MB giúp quy mô tài sản của MB tăng lên", ông Thái nói.

Hai ngân hàng nhận chuyển giao sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD còn lỗ lũy kế, đồng thời không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Đừng để ‘ngân hàng xấu kéo theo ngân hàng tốt cũng trở thành xấu’

Trước đó, trao đổi với PV về phương án tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia từng nhận định tái cấu trúc các ngân hàng phải dứt điểm, và phương án giải quyết nên là bán hoặc sáp nhập vào các ngân hàng trong nước.

Theo ông Nghĩa, việc tái cấu trúc phải lưu ý 3 vấn đề cơ bản. Thứ nhất, phải tạo điều kiện để TCTD tái cấu trúc hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản đảm bảo để phát mại thu hồi tài sản, cấn trừ nợ như thủ tục về nhà đất, sổ đỏ… Thứ hai, phải xử lý dứt điểm các vụ án liên quan, tạo điều kiện cho các đối tượng liên quan khắc phục hậu quả. 

Và cuối cùng, có thể tính phương án cho vay một khoản với lãi suất rất thấp, thậm chí là 0% để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng này sau khi được mua bán/sáp nhập trong giai đoạn đầu và khắc phục nhanh lỗ lũy kế, “tránh tình trạng ngân hàng xấu kéo ngân hàng tốt cũng trở thành xấu”. Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định pháp luật nào đề cập đến vấn đề này, nên cần xem xét rất kỹ lưỡng.

Trong thời gian qua, nhiều chuyên gia, trong đó có TS. Cấn Văn Lực (chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV) cũng bày tỏ quan ngại việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém lúc này sẽ đối diện nhiều thách thức hơn trước đây, đặc biệt là khi nợ xấu nhiều ngân hàng có xu hướng phình to do tác động của cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm cho doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất, thậm chí hàng chục nghìn đơn vị phải phá sản, giải thể. Nợ xấu cũng như tiến độ xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng bị chậm lại, tồn đọng kéo dài.

Thống kê tại gần 30 ngân hàng thương mại cho thấy tổng nợ xấu tính đến cuối quý I/2022 đã đạt gần 110.000 tỷ đồng, tăng gần 10.500 tỷ đồng so với cuối quý IV/2021.