Đã có nhiều biện pháp hỗ trợ khẩn cấp phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là trưởng ban, Cục Thú y là cơ quan thường trực.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, giúp Thủ tướng Chính phủ phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhằm huy động nguồn lực tham gia và hỗ trợ thực hiện kế hoạch khẩn cấp phòng chống bệnh dịch. Tổ chức thực hiện và đôn đốc kiểm tra các bộ, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch phòng chống dịch.
Trước thông tin về việc Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) khuyến nghị Việt Nam cần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định với Tuổi Trẻ: "Việt Nam đã có quy định về việc khi nào cần ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Qua đối chiếu quy định thì dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam chưa đến mức độ thiệt hại về tính mạng, nguy cơ về sức khỏe không có... nên việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là không có cơ sở và không cần thiết".
Theo Cục Thú y, việc đưa ra khuyến cáo của FAO tại Việt Nam là chưa có cơ sở khoa học, chưa có cơ sở thực tiễn, chưa hiểu rõ quy định pháp luật Việt Nam.
Miễn giảm lãi vay cho khách hàng bị thiệt hại dịch tả lợn châu Phi
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 21/3 cũng đã ban hành văn bản số 1901/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do dịch tả lợn châu Phi gây ra để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau dịch kết thúc, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh của tổ chức tín dụng trên địa bàn có dịch chủ động phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với vốn vay theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố nắm sát diễn biến dịch trên địa bàn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời thống kê dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, dư nợ bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra để chủ động có biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn.
Tăng mức hỗ trợ lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Ngay từ đầu tháng 3, chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý tăng mức hỗ trợ lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Mức hỗ trợ là 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái.
Đây cũng là mức tăng được Bộ NN&PTNT đề xuất sau khi đại diện một số hiệp hội chăn nuôi phản ánh mức hỗ trợ đúng quy định nhưng không sát thực tế, không còn phù hợp trong tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi đã bắt đầu đến hồi “nóng”.
Để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ cho phép được áp dụng giá hỗ trợ bằng giá thị trường, sử dụng quỹ phòng, chống thiên taiđể hỗ trợ ngay và chủ vật nuôi không nhất thiết phải khai báo và xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn.
Đồng thời, cho phép Bộ NN&PTNT tổ chức xây dựng phòng thí nghiệm thú y đạt chuẩn quốc tế để chủ động chẩn đoán, xét nghiệm chính xác các loại dịch bệnh động vật.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, của các nước hỗ trợ Việt Nam tổ chức khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để có đủ cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật.