Đa số doanh nghiệp không hài lòng về thủ tục hành chính và hoàn thuế

22:07 | 06/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tất cả ý kiến phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp sẽ được lắng nghe và giải đáp thấu đáo. Đây là khẳng định của ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hội nghị đối thoại doanh nghiệp là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cắt giảm chi phí, gia tăng hiệu quả hoạt động.

Vì vậy, mọi phản ánh, ý kiến cũng như đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp tại hội nghị phải được các bộ ngành lắng nghe đầy đủ và giải đáp một cách thấu đáo nhất.

Đa số doanh nghiệp không hài lòng về thủ tục hành chính và hoàn thuế - ảnh 1
Kiểm tra hàng nhập khẩu tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam (Cục Hải quan Lạng Sơn). Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN

Đối với những vướng mắc thuộc phạm vi, thẩm quyền trả lời của lãnh đạo các bộ ngành tham dự hội nghị thì phải trả lời ngay; những vấn đề vượt quá thẩm quyền trả lời phải được ghi nhận, tổng hợp báo cáo Thủ tướng và có câu trả lời cụ thể, công khai trên các cổng thông tin điện tử của bộ, ngành mình; tránh trường hợp một vướng mắc doanh nghiệp phải đề cập nhiều lần tại nhiều hội nghị.

Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, hội nghị đối thoại doanh nghiệp là một trong những nội dung nhằm góp phần cải cách các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, hội nghị cũng dành nhiều thời gian lắng nghe tiếng nói của nhóm doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở khu vực phía Nam.

Theo ông Trương Gia Bình, kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân trước thềm hội nghị cho thấy, doanh nghiệp đánh giá tích cực về trọng tâm cải cách của Chính phủ, đặc biệt là về vấn đề hội nhập quốc tế nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn.

73% doanh nghiệp cho rằng thủ tục hành chính hiện nay dù được cải cách vẫn còn quá rườm rà; 64% doanh nghiệp cho biết thái độ giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền cũng là điểm vướng mắc lớn. Tiếp đó là sự chồng chéo giữa những cơ quan thực thi của các bộ ngành, tập trung nhiều nhất là thủ tục xuất nhập khẩu.

Đa số doanh nghiệp không hài lòng về thủ tục hành chính và hoàn thuế - ảnh 2
Sản xuất ván gỗ công nghiệp xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Trường Phát (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) trong Khu công nghiệp Phước Hòa, huyện Phú Giáo, Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN.

Do đó, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân mong muốn được lắng nghe tất cả ý kiến đóng góp thẳng thắn, xác đáng liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách, hoặc phản ánh vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, giảm chi phí vận tải và phát triển các nhóm ngành kinh tế chủ lực cho nền kinh tế.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước… đã giải đáp khá nhiều câu hỏi, vấn đề liên quan đến chính sách phát triển các các nhóm doanh nghiệp ngành nông nghiệp, du lịch, đầu tư tài chính, khởi nghiệp…, trong đó, nổi bật là vấn đề về thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen phản ánh, Hoa Sen là tập đoàn sản xuất vừa phục vụ nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề hoàn thuế đối với phần hàng hóa xuất khẩu cho doanh nghiệp hiện nay còn rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Theo ông Vũ Văn Thanh, hiện nay, Hoa Sen đang bị tồn đọng hoàn thuế lên tới 1.200 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn, ảnh hưởng đến việc luân chuyển dòng vốn tái đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, việc hoàn thuế cho doanh nghiệp cần được thực hiện nhanh chóng, đơn giản giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển.

Giải đáp vướng mắc này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, các doanh nghiệp vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa thì phần thuế hoàn cho hàng hóa xuất khẩu phải được khấu trừ vào nợ thuế của hàng hóa tiêu thụ trong nước.

Sau khi tiếp nhận phản hồi của doanh nghiệp, ông Cao Anh Tuấn yêu cầu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ của Tập đoàn Hoa Sen và trả lời ngay tại hội nghị, sau khi khấu trừ thuế tại tất cả các chi nhánh phân phối trong cả nước, Hoa Sen sẽ được hoàn thuế ngay 200 tỷ đồng.

Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình về hiệu quả giải đáp vướng mắc của các hội nghị đối thoại doanh nghiệp.

Sau Hội nghị đối thoại lần này, Chính phủ sẽ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại chuyên đề khác với các hiệp hội doanh nghiệp, hội ngành hàng nhằm thực hiện cải cách hành chính hiệu quả; đưa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đi vào thực chất, mang lại lợi ích thực tế cho doanh nghiệp.

Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới vừa được công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục thăng hạng, xếp thứ 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 14 bậc so với 2016.

 Theo TTXVN