Đã xuất quỹ 282 tỷ đồng để mua vaccine phòng, chống COVID-19

13:26 | 25/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Kho bạc Quản lý Nhà nước, Quỹ vaccine phòng COVID-19 đã xuất tổng cộng 4 đợt, với tổng số tiền là 282 tỷ đồng để mua vaccine.

Báo Tin Tức thông tin, riêng ngày 24/8, Quỹ xuất 85 tỷ đồng để mua vaccine. Sau 4 đợt xuất quỹ, số dư của Quỹ hiện là 8.353 tỷ đồng.

Hiện còn 13 tổ chức, đơn vị có cam kết tài trợ cho Quỹ, nhưng chưa chuyển tiền hoặc mới chuyển một phần, với tổng số tiền gần 36 tỷ đồng. Ban Quản lý Quỹ vaccine phòng COVD-19 đang đôn đốc các tổ chức mau chóng gửi tiền đến Quỹ.

Đã xuất quỹ 282 tỷ đồng để mua vaccine phòng, chống COVID-19 - ảnh 1

Sau hơn 8 tháng tiến hành 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax, với xấp xỉ 14.000 người đã được tiêm thử nghiệm

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn bùng phát nghiêm trọng, một số ngân hàng vẫn tiếp tục chung tay, ủng hộ ngân sách phòng, chống dịch. Theo đó, VietinBank vừa ủng hộ 5 tỷ đồng cho Bình Phước để tỉnh có thêm nguồn lực, nhanh chóng đẩy lùi đại dịch COVID-19, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Mới đây, Vietcombank đã hỗ trợ tỉnh Trà Vinh và Bình Dương, mỗi tỉnh 5 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Trước đó, Vietcombank Trà Vinh cũng ủng hộ Quỹ phòng chống COVID-19 tỉnh Trà Vinh với số tiền 50 triệu đồng. Ngoài số tiền tài trợ trên, tính từ đầu năm 2021 đến nay, 5 chi nhánh Vietcombank trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã quyên góp ủng hộ các Quỹ phòng chống dịch COVID-19 với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.

Mất 40 tháng để tiêm xong 2 mũi cho 70 triệu dân

Báo Lao Động dẫn lời các chuyên gia nhận định, tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 của Việt Nam đang rất chậm, từ đầu tháng 7 mỗi ngày chỉ đạt 20.000 - 40.000 mũi tiêm, trong khi vaccine đã về nhiều.

"Nếu Việt Nam tiêm đều, trung bình đạt 100.000 mũi/ngày, thời gian cần để tiêm đủ 2 mũi cho 70 triệu người trên 18 tuổi như mục tiêu, chưa tính 9 triệu trẻ vị thành niên, thì phải hơn 40 tháng mới tiêm xong. Thời gian như thế, có thể nói, rất khó khăn cho các mục tiêu chung" - một chuyên gia y tế nhận định.

Hơn nữa, tại một số nơi, cách thức tổ chức tiêm chủng đang lộ ra nhiều bất ổn, một số điểm tiêm chủng đã phải tạm dừng để tìm giải pháp khắc phục. Đơn cử, trong ngày 22.7, tại bệnh viện E, những người đi tiêm nôn nóng, tập trung đông đúc và không thực hiện nghiêm việc giãn cách. GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc bệnh viện E đã phải quyết định tạm dừng điểm tiêm này, xin ý kiến bộ Y tế và thành phố.

Đã xuất quỹ 282 tỷ đồng để mua vaccine phòng, chống COVID-19 - ảnh 2

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân tại quận Phú Nhuận.

Ông Thành cho biết việc tụ tập đông người là "sự cố ngoài ý muốn", người dân đến đăng ký tiêm nhưng không theo thời gian hẹn, dẫn đến việc ùn ứ, chen chúc. "Điểm tiêm vaccine này đã được thực hiện từ trước, đến nay đã tiêm cho khoảng 50.000 người. Nhưng hôm nay mới có sự cố, chúng tôi đã quyết định dừng để xin ý kiến và tổ chức lại theo đúng quy định", ông Thành nói.

Đã có không ít câu hỏi đặt ra, tại sao Hà Nội không tổ chức các điểm tiêm chủng tại sân vận động, cung văn hóa rộng lớn để có thể tiêm cho số lượng đông và đủ giãn cách. Với chỉ có hơn chục điểm tiêm tại các bệnh viện như hiện nay ở Hà Nội đang trở lên bất cập. Và số người được tiêm sẽ rất hạn chế.

Nếu những khó khăn khi triển khai tiêm vaccine COVID-19 không sớm được khắc phục, tiến độ tiêm chủng không được đẩy nhanh hơn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ "vứt bỏ" vaccine COVID-19 vì vaccine có thời hạn sử dụng rất ngắn, trong khi hàng triệu người dân mong chờ từng ngày để được tiêm vaccine. Thực tế này đang khiến dư luận bức xúc.

Một vấn đề nữa là những người tiêm mũi 1 đang mòn mỏi chờ tiêm mũi 2, dù đã qua 12 tuần. Nếu cứ phải chờ đợi dài dài không được tiêm, liệu rằng có phải tiêm lại mũi 1? Như thế có nghĩa là lãng phí một số lượng vaccine không hề nhỏ.

"Vaccine phòng COVID-19 hiện hạn sử dụng rất ngắn, chỉ 6 tháng, hơn nữa vaccine về đến Việt Nam còn phải kiểm định, nên thời hạn chỉ còn 4 tháng, thậm chí ít hơn"- chuyên gia y tế lo ngại.

Người dân móng chờ từng ngày để được tiêm nhưng nếu cứ tình hình này thì có lẽ phải chờ đến 30-40 tháng nữa mới được tiêm như nhận định của 1 chuyên gia sẽ thành sự thật.

Kiểm tra, cấp phép thêm 1 loại vaccine COVID-19 mới

Ngày 20/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc giao Bộ Y tế kiểm tra chất lượng, cấp phép, tổ chức tiêm miễn phí thêm 1 vaccine chuẩn bị nhập khẩu vào Việt Nam.

Thông báo gửi Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao nêu rõ Văn phòng Chính phủ nhận được đề nghị (ngày 17/8) của Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận và chỉ đạo Bộ Y tế thẩm định nhanh hồ sơ đăng ký khẩn cấp vaccine COVID-19 Hayat-Vax cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh.

Đã xuất quỹ 282 tỷ đồng để mua vaccine phòng, chống COVID-19 - ảnh 3

Vaccine Hayat-Vax

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế kiểm tra để hướng dẫn và thực hiện nhất quán việc quản lý Nhà nước, bao gồm kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm miễn phí theo quy định.

Bộ Ngoại giao xem xét, kiểm tra, thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhập khẩu vaccine.

Được biết, vaccine Hayat-Vax sản xuất tại UAE. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế UAE cho biết 99% người được tiêm vaccine Hayat-Vax đã phát triển các kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và sản phẩm cũng giúp ngăn ngừa các ca bệnh vừa và nặng ở những người đã tiêm phòng.

Tại Việt Nam hiện đã có 6 vaccine được Bộ Y tế cấp phép khẩn cấp, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson& Johnson (vaccine Janssen), Sinopharm và Sputnik V. Nếu được cấp phép khẩn cấp, đây sẽ là vaccine thứ 7.

Đến hết ngày 20/8, trên toàn quốc đã có 16.306.199 liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm, trong đó tiêm 1 mũi là 14.669.827 liều, tiêm mũi 2 là 1.636.372 liều.

Nguyễn Triệu

Xem thêm: TP HCM đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trạm y tế lưu động để quản lý và chăm sóc F0