Đại biểu quốc hội trăn trở vấn đề vaccine hạn chế trong khi nhu cầu hiện quá lớn
Phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 26/7 thì đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, đoàn TP Hồ Chí Minh chia sẻ tình hình dịch bệnh phức tạp trên địa bàn cả nước, số lượng ca nhiễm, ca tử vong ngày càng tăng cao.
Theo ông, áp dụng giãn cách, phong tỏa là cần thiết, nhưng ông cho rằng đây chỉ là biện pháp có tính chất tạm thời.
Vị đại biểu nhấn mạnh: "Biện pháp căn cơ nhất là vaccine để đảm bảo có thể sống chung, sống khỏe với Covid-19".
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: Quochoi.vn
Ông Ngân cho biết hiện tại, Chính phủ đã có chiến lược vaccine nhưng do đại dịch vẫn bùng phát trên khắp thế giới nên nguồn cung hạn hẹp không thể đáp ứng. Thậm chí, vaccine Covid còn có thể rơi vào tình trạng khan hiếm bởi những biến thể mới có thể buộc nhiều nước trên thế giới phải áp dụng biện pháp tiêm mũi thứ ba để phòng ngừa.
Do đó, ông cho rằng Chính phủ cần sớm triển khai nghiên cứu chương trình vaccine trong nước.
Một khi đạt được tự chủ về vaccine nghĩa là đảm bảo sự tự chủ về nhiều mặt. Chính vì tầm quan trọng của vaccine sản xuất tại Việt Nam nên nhà nước cần cơ chế để người dân sớm tiếp cận được vaccine do chính các doanh nghiệp Việt phát triển, ĐBQH Trần Hoàng Ngân khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Ngân cũng đồng quan điểm với ý kiến của hội đồng khoa học, hội đồng y khoa, cần mời thêm chuyên gia nước ngoài để thẩm định. Nếu vaccine đảm bảo độ an toàn có thể bỏ qua một số công đoạn trong quy trình phê duyệt để sớm có vaccine của Việt Nam, nhằm đạt được mục tiêu về miễn dịch cộng đồng.
Tiến độ hiện tại đang đến đâu?
Trong cuộc họp trực tuyến về vaccine thì Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, tránh phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.
Hiện tại, Bộ Ngoại giao cho biết đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc xin để đảm bảo nguồn cung lâu dài trong nước, hướng tới khả năng tự chủ về vaccine ngừa Covid-19.
Cơ quan đầu ngành ngoại giao đang phối hợp cùng Bộ Y tế đàm phán chuyển giao công nghệ vaccine và cả thuốc điều trị COVID-19 từ các đối tác tiềm năng thuộc Mỹ, Nhật Bản, Nga, Cuba, Israel, Anh, và Đức.
Vaccine nội địa hiện tại đang được thử nghiệm là vaccine Nanocovax do công ty Nanogen chịu trách nhiệm nghiên cứu và sản xuất. Đã tiêm thử nghiệm lâm sàng trên 13.620 tình nguyện viên. Trong đó, 60 người thuộc giai đoạn 1, 560 người thuộc giai đoạn 2 và 13.000 người giai đoạn 3. Trong giai đoạn 3, có 1.004 người tiêm đủ 2 liều.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Công ty phải phối hợp chặt chẽ với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo – Bộ Y tế và các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học hoàn thiện hồ sơ kết quả nghiên cứu pha 1, pha 2 và khẩn trương có được kết quả giai đoạn đầu của pha 3 (3A).
Dựa trên hồ sơ, số liệu đánh giá tổng kết này, Thứ trưởng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc sớm xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp đối với vaccine Nanocovax khi kết quả cho thấy an toàn, hiệu quả, chặt chẽ, khoa học…
Trong một diễn biến liên quan, hơn 3 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ đã cập bến Việt Nam vào ngày 25/7. Ngoài ra trước đó, nước ta cũng tiếp nhận 2 triệu liều vaccine AstraZeneca viện trợ từ Chính phủ Nhật Bản.
Như vậy tính đến ngày 25/7, nước ta đã nhập về hơn 13 triệu liều từ nguồn viện trợ.
H.S
Xem thêm: 19 tỉnh, thành phía Nam đã được cấp 4,8 triệu liều vaccine