Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dự kiến 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
Sáng 20/11, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số nội dung liên quan đến kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Bộ trưởng (LĐ, TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết: “Theo đó, trong Luật này quy định 80 tuổi mới được hưởng bảo trợ xã hội. Tuy nhiên qua ý kiến mà đại biểu Quốc hội nêu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghi nhận, chủ động báo cáo chuyển sang nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội, trước mắt là hạ từ 80 tuổi xuống 15 tuổi, còn việc quyết định cuối cùng sẽ là ở Quốc hội”.
Về chính sách nhà ở với người có công, hộ nghèo, ông Đào Ngọc Dung cho hay, ở giai đoạn 1, đã triển khai đầy đủ chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với 80.000 căn nhà, sau đó phát sinh lên gần 500.000 căn nhà.
Sau khi thực hiện đầy đủ giai đoạn 1, ở giai đoạn 2, Quốc hội, Chính phủ cho phép triển khai đề án, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Tài chính đề xuất vấn đề này. Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm thẩm định hồ sơ. Về việc này, Bộ trưởng mong muốn các bộ sẽ tích cực phối hợp triển khai.
Trong chương trình giảm nghèo đa chiều, đã bố trí 4.000 tỷ đồng để giải quyết hơn 100.000 nhà ở cho người nghèo thuộc 74 huyện nghèo.
Lý giải về việc chậm triển khai hỗ trợ nhà cho người nghèo, Bộ trưởng cho biết, đầu năm 2023, Bộ đã cùng Bộ Tài chính thống nhất các phương án triển khai. Vì vậy, thực tế từ năm nay, mới bắt đầu phân bổ được vốn để triển khai hỗ trợ nhà ở cho người nghèo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phấn đấu trong nhiệm kỳ này, sẽ giải quyết được trên 100.000 căn nhà cho người nghèo. Do hỗ trợ vốn trực tiếp, Bộ trưởng tin rằng việc thực hiện sẽ khả thi.
Sau khi hỗ trợ nhà ở cho người có công, hộ nghèo, Bộ trưởng cho biết còn hơn 400.000 căn nhà của người khó khăn ở các địa bàn khác.
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và thống nhất giao Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Chính phủ sẽ phát động phong trào thi đua cả nước "Chung tay cùng người nghèo để xóa nhà tạm".
Cùng với đó, Trung ương cũng thống nhất từ nay đến năm 2030 triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, lao động. Đến năm 2030, người dân sẽ được xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát.
Về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là vấn đề mà trong Nghị quyết của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh. Chính phủ đã có Nghị quyết chuyên đề, giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các ngành và đang triển khai các phương án khác nhau.
Tuy nhiên tình hình vừa qua chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí là có tăng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các ngành với chức năng của mình, đặc biệt là trong Chương trình hành động quốc gia bảo vệ trẻ em đã ban hành và đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, sẽ cố gắng trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hơn việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nếu có.
Về tồn đọng hồ sơ người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu từ năm 2018, Thường vụ Quốc hội có nghị quyết về vấn đề này và Chính phủ có 3 nghị quyết chuyên đề, giao cho Bộ LĐ-TB&XH ban hành quyết định cá biệt để tập trung giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng.
Trải qua gần 7 năm, theo Bộ trưởng, đã rà soát hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng qua tất cả các thời kỳ ở các địa phương, bộ ngành.
Từ số lượng hồ sơ tồn đọng trên, đã xác nhận hơn 2.600 trường hợp liệt sĩ, chủ yếu trong kháng chiến chống Pháp. Người hi sinh lâu năm nhất là 103 năm đã được xác nhận liệt sĩ. Bên cạnh đó, cũng xác định hơn 2.500 hồ sơ là thương binh và người hưởng chính sách thương binh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận vẫn chưa hết hồ sơ người có công tồn đọng, nhưng chỉ còn lại những hồ sơ có tính chất cá biệt như hồ sơ, người làm chứng không còn. Bộ cùng các ngành thành lập hội đồng để xem xét từng trường hợp.