Đại diện UBCKNN nói về các giải pháp căn cơ để giữ hạng sau khi nâng hạng thị trường

Thùy Dung 15:31 | 02/07/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
"Nâng hạng được rồi nhưng giữ hạng còn khó hơn", đại diện UBCKNN cho hay, đồng thời bày tỏ tin tưởng về triển vọng nâng hạng thị trường trong kỳ tháng 9/2025.

Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tại Họp báo quý II/2025 của Bộ Tài chính.

Tại Họp báo thường kỳ quý II/2025 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 2/7, ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những chia sẻ thêm về những nỗ lực của Bộ Tài chính cũng như UBCKNN xoay quanh vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên đến thị trường mới nổi.

Theo ông Thu, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 cũng như tại Quyết định 1726 của Thủ tướng Chính phủ đều đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam strong năm 2025. Đến nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng như Bộ tài chính, UBCKNN đã và đang hết sức nỗ lực: từ hoàn thiện nền tảng pháp lý đến các yếu tố kỹ thuật.

UBCKNN cũng nỗ lực tiếp xúc với các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài để họ có góc nhìn chia sẻ với thực trạng trình độ phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Về vấn đề củng cố nền tảng pháp lý, đại diện UBCKNN nhắc đến Thông tư 68/2024 của Bộ Tài chính, trong đó bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đây được đánh giá là bước tiến rất quan trọng để gỡ nút thắt, đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell. 

"Từ thời điểm ban hành đến nay, Thông tư 68 nhận được đánh giá cao của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Tôi cho rằng Thông tư 68 là tiền đề để chúng ta chuẩn bị cho một việc lớn hơn là thiết lập cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm - một trong những cái điểm mà hiện nay UBCKNN đang cố gắng để hoàn thiện nốt", ông Hoàng Văn Thu cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề này, hồi cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 18/2025/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC. Điều này nhằm đảm bảo tương thích với mục tiêu nâng hạng, đặc biệt là phù hợp với hệ thống KRX vừa được đưa vào vận hành.

Phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành Thông tư số 03/2025/TT-NHNN quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện  hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam (thay cho Thông tư số 05/2014/TT-NHNN). Khác với quy định cũ, Thông tư 03 mở rộng hơn đối tượng áp dụng và cập nhật linh hoạt cơ chế tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài; cho phép mở nhiều tài khoản theo mã giao dịch trong các trường hợp hợp lý; tăng cường quản lý thông tin, chứng từ, giao dịch nhằm minh bạch hóa luồng vốn..., hướng đến giảm thiểu thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Thu, hiện UBCKNN và Bộ Tài chính cũng đang hoàn thiện nốt nội dung một Nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 155/2020 theo tinh thần của Luật chứng khoán mới đây.

Một trong những điểm quan trọng tại Nghị định sửa đổi bổ sung lần này là quy định rõ hơn, cụ thể hơn về mô hình thanh toán bù trừ trung tâm (CCP). Cụ thể, Luật 56/2024/QH15 năm 2024 (sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật khác, trong đó có Luật Chứng khoán) đã ghi rõ CCP không chỉ là CCP cho chứng khoán phái sinh mà nó là CCP cho cả thị trường cơ sở. Trên cơ sở đó, trong Nghị định sửa đổi bổ sung lần này, UBCKNN tiếp tục khẳng định lại nội dung như vậy.

Một điểm khác cũng được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định lần này liên quan đến điểm mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thực sự cởi mở để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, đó là vấn đề tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước.

"Tại Nghị định lần này, chúng tôi cũng sửa đổi bổ sung điểm này để thấy rằng Chính phủ Việt Nam rất cởi mở và hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam được công nhận", đại diện UBCKNN nhấn mạnh.

Nhìn chung, ông Thu khẳng định đến thời điểm hiện nay, về cơ bản, UBCKNN cùng với Bộ Tài chính đã chuẩn bị hầu hết đầy đủ các nội dung phải sửa đổi liên quan đến các cơ chế cơ chế tài chính chuẩn bị cho nâng hạng. Bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, UBCKNN cũng đang tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt hợp tác rất chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới để cập nhật các thông tin cũng như là các hành động của Chính phủ Việt Nam trong quá trình nỗ lực để được nâng hạng.

"Đặc biệt, chúng tôi vẫn coi trọng trải nghiệm của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Bởi việc các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư nước ngoài họ trải nghiệm và họ ghi nhận như thế nào cũng là điều quan trọng. Và chính sự hài lòng của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là yếu tố để giúp ta giữ hạng, bởi nâng hạng được rồi nhưng giữ hạng còn khó hơn. Thế nên chúng tôi xác định đây là cả một hệ thống giải pháp rất căn cơ để sau khi nâng hạng ta duy trì được hạng", đại diện UBCKNN cho hay.

Theo ông Thu, với những nỗ lực và những đối thoại tích cực trong thời gian qua cũng như  kết quả làm việc với các tổ chức, UBCKNN tin tưởng các tổ chức sẽ đồng thuận nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào kỳ tháng 9/2025.