Đàm phán thương mại Mỹ Trung: Trung Quốc nhượng bộ?

16:09 | 18/05/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Theo giới chức Mỹ, Trung Quốc đã đề xuất một gói các nhượng bộ thương mại và tăng mua hàng hóa Hoa Kỳ nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại Mỹ-Trung tới 200 tỷ USD mỗi năm.
Đàm phán thương mại Mỹ Trung: Trung Quốc nhượng bộ? - ảnh 1
Nguồn: Getty Images 
Tin tức về đề xuất nói trên được đưa ra trong hai ngày đầu tiên của vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung tại Washington, một vòng đàm phán tập trung vào giải quyết các mối đe dọa thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một trong các nguồn tin cho biết hãng sản xuất máy bay Boeing của Mỹ sẽ là bên hưởng lợi chính, nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận đề xuất nói trên của Trung Quốc. Boeing là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ và đã bán khoảng một phần tư máy bay thương mại cho khách hàng Trung Quốc.

Một nguồn khác thạo tin về các cuộc đàm phán Mỹ-Trung cho biết gói này có thể bao gồm một số loại bỏ thuế quan mà Trung Quốc đã áp dụng đối với các sản phẩm nông nghiệp Mỹ trị giá khoảng 4 tỷ USD - bao gồm trái cây, ngũ cốc, thịt lợn, rượu vang.

Tuyên bố của Nhà Trắng mô tả vòng đàm phán hiện nay là một phần của “các cuộc thảo luận thương mại đang diễn ra” và cho biết Tổng thống Donald Trump đã gặp phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He) và phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu.

Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết: "Các quan chức Mỹ đã chuyển tải mục tiêu rõ ràng của Tổng thống (Donald Trump) về mối quan hệ thương mại công bằng với Trung Quốc". Những nhượng bộ hàng đầu trong đề xuất nói trên sẽ đáp ứng phần lớn đòi hỏi mà các quan chức chính quyền Trump đã chuyển cho giới chức Trung Quốc cách đây hai tuần ở Bắc Kinh.

Nhưng việc giảm 200 tỷ USD thâm hụt thương mại của Mỹ một cách bền vững sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong cấu trúc thương mại giữa hai nước, khi thâm hụt hàng hóa của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã lên tới 375 tỷ USD trong năm ngoái.

Hai mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ sang Trung Quốc trong năm ngoái là máy bay chở khách trị giá 16 tỷ USD và đậu tương 12 tỷ USD.

Một số nhà quan sát thương mại Trung Quốc bày tỏ hoài nghi việc có thể nhanh chóng giảm 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ và cho biết lời đề xuất trên có thể bao gồm những cam kết trước đây đã được Bắc Kinh đưa ra.

Việc Trung Quốc đồng ý giảm thâm hụt thương mại cũng có thể làm suy yếu mục tiêu thuế quan ban đầu của Mỹ gây áp lực với Trung Quốc nhằm chấm dứt các chính sách mà chính quyền Trump nói là chiếm đoạt công nghệ Mỹ. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi lớn hơn về cấu trúc đối với mô hình kinh tế nhà nước Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ không cho biết chi tiết về đòi hỏi của Trung Quốc để đổi lấy các nhượng bộ của Bắc Kinh. Tờ New York Times đưa tin Bắc Kinh đã yêu cầu Tổng thống Trump gạt sang một bên những đe dọa về thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc và các hạn chế đầu tư của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc.

Tờ Times cũng đưa tin rằng Trung Quốc muốn chính quyền Donald Trump nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cấm các công ty Mỹ bán một số sản phẩm công nghệ cao nhất định cho Trung Quốc.

Trước đó, ngày 17/5, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Trung Quốc chơi xấu trong thương mại với Mỹ, nhưng nói rằng ông đang nhắm đến một thỏa thuận chung với Trung Quốc.

Nói chuyện với các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump nói Trung Quốc đã "đào mỏ" Mỹ quá lâu và ông nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Washington không thể chấp nhận tình trạng đó nữa.

Tổng thống Trump cũng nói rằng những điều chỉnh đối với những hạn chế đã làm tê liệt tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc ZTE Corp có thể là một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung.

Ông Trump viết trên Twitter ngày 13/5 rằng ông đã ra lệnh cho Bộ Thương mại Mỹ đưa ZTE trở lại công việc kinh doanh bình thường. Tổng thống Trump cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu ông xem xét vấn đề này và ông đã đồng ý. Tổng thống Donald Trump thêm rằng ZTE đã mua rất nhiều linh kiện của các công ty Mỹ.

Tổng thống Trump tuyên bố: “Bất cứ điều gì mà chúng tôi làm với ZTE chỉ là một phần nhỏ của thỏa thuận chung. Tôi chỉ có thể nói với bạn điều này: Chúng ta sẽ dàn xếp ổn thỏa với Trung Quốc”.

Minh Bích (theo Reuters)