Đàm phán thương mại Mỹ-Trung: Vòng xoáy rủi ro mới?
Rào cản mới xuất hiện khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại những cam kết trong đàm phán, khiến cuộc đàm phán “đã hoàn tất đến 90%” bị thụt lùi, qua đó làm thay đổi thỏa thuận một cách căn bản.
Đó cũng là cái “cớ” để Mỹ quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10/5.
Chưa đầy 24 giờ sau, Tổng thống Trump đã ra lệnh áp một đợt thuế mới đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong Đảng Cộng hòa.
Quyết định tăng thuế của Mỹ một lần nữa cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của ông chủ Nhà Trắng trong việc thực hiện chính sách bảo hộ thương mại ông theo đuổi kể từ khi lên nắm quyền.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố việc áp mức thuế quan mới sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới vững mạnh hơn chứ không phải yếu đi, và nếu không đạt được thỏa thuận, ông sẵn sàng tiến xa hơn.
Trả lời phỏng vấn trên chương trình "Fox News Sunday" ngày 12/5, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng Trung Quốc cần phải chấp nhận các điều khoản thi hành “cứng rắn” để đạt được một thỏa thuận cuối cùng với Mỹ.
Ngoài ra, Cố vấn Kudlow cho biết các mức thuế quan của Washington sẽ được giữ nguyên khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục.
Trung Quốc: Không gì là không chịu đựng được
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn tỏ ra khá cứng rắn trước sức ép từ Washington. Tờ Nhân dân Nhật báo ngày 13/5 có đăng bài với nội dung chính khẳng định Trung Quốc sẽ không bao giờ đánh mất đi sự tự tôn của quốc gia và không nên hy vọng rằng nước này sẽ “nuốt trái đắng” gây hại cho lợi ích cốt lõi của họ.
Bài báo cho hay Bắc Kinh rất cởi mở đối với việc đàm phán, nhưng sẽ không lùi bước trong những vấn đề nguyên tắc quan trọng.
Tờ này khẳng định một khi bị ép buộc, Trung Quốc “không có gì là không thể chịu đựng được” để bảo vệ chủ quyền và tự tôn cũng như sự phát triển lâu dài của người dân nước này.
Động thái “cứng” của Trung Quốc xuất phát từ việc Trung Quốc đang phải chịu thiệt hại lớn hơn bởi nền kinh tế nước này dựa nhiều vào xuất khẩu hơn (năm 2018 Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ 540 tỷ USD hàng hóa, trong khi chỉ nhập khẩu 120 tỷ USD hàng hóa của Mỹ). GDP của Trung Quốc có thể giảm 1,6 điểm phần trăm trong năm nay nếu mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty của Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ.
Vì vậy, Trung Quốc khó có thể dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi từ phía Mỹ đối với những thay đổi mang tính hệ thống, như cải tổ cơ cấu kinh tế, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hạn chế việc tiếp cận thì trường tài chính… bởi những yếu tố này sẽ tạo cho Mỹ ưu thế cạnh tranh lớn hơn trong tương lai, thậm chí có thể phần nào giúp Mỹ “kiểm soát” nền kinh tế Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc luôn lạc quan "chừng mực" về việc có thể đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ và luôn giữ nguyên tắc “không lùi bước”. Đây cũng là lý do tại sao Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đại diện cho phái đoàn đàm phán Trung Quốc khẳng định các cuộc đàm phán mới sẽ tiếp tục nối lại tại Bắc Kinh, song ông cảnh báo rằng sẽ không có "nhượng bộ" về các nguyên tắc quan trọng.
Trước vòng xoáy mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, giới phân tích quốc tế bày tỏ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn sẽ có cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6 tới tại Nhật Bản.
Cuộc gặp có thể diễn ra, khi thực tế cho thấy, không chỉ Trung Quốc chịu thiệt hại lớn từ sự trừng phạt thuế quan mới của Mỹ, mà nền nông nghiệp Mỹ cũng đang chịu nhiều thua thiệt do tác động từ căng thẳng này.
Bà Jessica Wasserman, chuyên gia thuộc công ty Greenspoon Marder LLP, nhận định Trung Quốc biết rõ nông nghiệp của Mỹ sẽ là ngành thua thiệt nhất khi Bắc Kinh trả đũa Washington bằng thuế quan, trong khi ngành này lại rất có tầm ảnh hưởng đối với Quốc hội Mỹ và cũng là ngành đã ủng hộ và bỏ phiếu cho ông Trump bước vào Nhà Trắng.
Đó còn chưa kể những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp hay người tiêu dùng Mỹ nếu cuộc chiến thương mại leo thang với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, đặc biệt khi người tiêu dùng Mỹ hiện đang phải trực tiếp gánh những chi phí phát sinh từ việc tăng thuế.