`Dân buôn hàng xách tay` rủ nhau lách luật

14:47 | 14/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từ 15/10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP về kinh doanh hàng xách tay có thể bị xử phạt tới 200 triệu đồng được áp dụng. Thế nên, nhiều dân buôn rỉ tai nhau những chiêu thức lách luật
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 15-10. Trước những quy định mới về xử phạt hàng xách tay, nhiều dân buôn đã tìm cách lách luật, "đi đường vòng" để trốn án phạt của các cơ quan chức năng.

Nghị định quy định hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu. Hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo... cũng được xếp vào diện hàng lậu. Do đó, bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo như quy định, không làm thủ tục hải quan... cũng bị xác định là hàng hóa nhập lậu.

Dân buôn "rỉ tai" lách luật.


Trước thời điểm Nghị định 98 có hiệu lực, các hoạt động buôn bán hàng hóa xách tay vẫn diễn ra bình thường. Theo 1 chủ shop online cho biết, đến hiện tại hàng xách tay vẫn được rất nhiều người ưu chuộng, không phải bởi vì chất lượng hơn mà bên cạnh đó giá hàng xách tay về căn bản vẫn "mềm hơn" rất nhiều hàng nhập khẩu chính hãng.

`Dân buôn hàng xách tay` rủ nhau lách luật - ảnh 1

Trên "chợ mạng" các chủ shop online tranh thủ sale đẩy hàng

Gần một tuần nay, trên mạng xã hội và các diên đàn dành cho hội buôn hàng xách tay, các shop online liên tục lên mạng rao bán, thanh lý các mặt hàng xách tay. Các sản phẩm chủ yếu là hàng hóa mỹ phẩm, đồ dùng gia dụng trong gia đình. Để tiêu thụ nhanh, các shop đua nhau giảm giá từ 5 - 15% cho giá trị mỗi đơn hàng và áp dụng nhiều chương trình khuyến mại.

Đơn cử như các dòng sản phẩm dưỡng da, sữa rửa mặt, kem chống nắng, dụng cụ trang điểm sẽ được giảm 5%, thực phẩm chức năng, sữa, quần áo giảm 10%. Đặc biệt với hàng chạy date (chạy hạn sử dụng) có thể được giảm giá lên tới 20%.

Bên cạnh đó, dân buôn cũng "rỉ tai nhau" về các mánh khóe có thể qua mặt các cơ quan chức năng cũng là một chủ đề hót và được bàn luận khá sôi nổi, điển hình là chiêu "treo đầu dê, bán thịt chó".

Theo cắt nghĩa của dân buôn, hình thức này sẽ tránh được sự rà soát, xử phạt nhờ việc trưng biển quảng cáo một đằng bán một nẻo. Hiểu nôm na như quán chuyên bán quần áo trẻ em nhưng núp bóng đằng sau là kinh doanh túi xách, phụ kiện, nước hoa xách tay, ngoại nhập. Điều đặc biệt là những sản phẩm này không bao giờ được bày bán trực tiếp, chỉ bán online hoặc dành cho "khách ruột" tới cửa hàng.

Chủ một cửa hàng chuyên đồ xách tay Nhật cho biết, từ khi có lệnh xử phạt mới, toàn bộ mặt hàng như sữa rửa mặt, kem dưỡng da, thực phẩm chức năng đều được chị cất hết. Ngay cả trang facebook, instagram đều được chị đổi tên, đổi giao diện để tránh sự rà soát, kiểm tra của lực lượng chức năng.

`Dân buôn hàng xách tay` rủ nhau lách luật - ảnh 2

Dân buôn hàng xách tay đã tính mọi phương án để lách luật

Hoặc đơn cử như chị đã sẵn sàng đổi biển hiệu cửa hàng để ngụy trang. Tuy bên ngoài ghi tên "quán cắt tóc gội đầu".  Tuy nhiên, sâu bên trong cửa hàng cắt tóc, gội đầu của chị vẫn bày bán các mặt hàng xách tay với đủ chủng loại. Khách muốn mua loại nào có ngay loại đấy. Nhưng toàn bộ biển hiệu buôn bán hàng xách tay ngoại nhập đều được chị gỡ bỏ hoàn toàn. chị cho rằng: Không thể đùa được, sơ sẩy một tý là chết ngay, nên cẩn thận là ăn chắc. Thôi thì không được bán công khai, thì mình lui vào trong tối, ở ẩn khoảng 2 - 3 tuần trước khi luật mới thực thi rồi tính tiếp.

Cẩn thận hơn, để tránh bị xử phạt, chị còn dặn kỹ khách đến mua hàng là "Nếu ai có hỏi, đặc biệt là cơ quan chức năng thì cứ bảo là người nhà tặng, bạn bè cho, mượn dùng thử chứ nhất quyết không được nói là mua ở đâu và càng không được lên facebook giới thiệu người bán".

Tương tự, anh T.H (Hà Nội), một người chuyên hàng xách tay cho biết, hiện anh cũng phải thanh lý dần các sản phẩm : "Hiện trong kho nhà tôi còn khoảng 100 hộp sữa Nhật, mỗi hộp có giá 450.000 - 550.000 đồng. Chưa kể còn rất nhiều loại mỹ phẩm như sữa rửa mặt, kem chống nắng, thực phẩm chức năng. Nếu theo mức xử phạt mới, thì tôi có thể bị phạt tiền lên tới 200 triệu đồng, con số này với dân buôn thì quả thực là quá lớn". Để tiêu thụ nhanh, anh H đẩy mạnh việc mua bán online và tiếp cận các sàn thương mại điện tử với sản phẩm được giảm giá nhiều hơn để kích cầu người tiêu dùng mua các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, anh T.Tr cũng thú nhận, ngoài việc mang mác xả hàng xách tay thì đây cũng là cơ hội để dân buôn như anh chạy hàng cận date. Bởi tâm lý người Việt là ham rẻ nên cứ có khuyến mại lớn là đổ xô đi mua.

Đây là tôi chỉ chạy date chứ nhiều nơi còn tranh thủ trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bán. Bởi họ chỉ cần có cái cớ để thực hiện, nên mua hàng thời gian này phải hết sức cẩn thận. Vì của thật thì ít mà của giả thì nhiều" - anh H bật mí.

Đối với những người có sở thích cũng như nhu cầu về hàng xách tay, thì đây cũng được coi như một "cơ hội đáng đầu tư". Đơn giản vì họ nghĩ chỉ cần bỏ ra một số tiền thấp hơn rất nhiều mà vẫn được sử dụng hàng chất lượng. Nhưng cũng không ít trường hợp bi hài sau khi mua hàng xả.

Từng là nạn nhân trong trường hợp kể trên, chị Trần Thu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau khi thấy đoạn quảng cáo với tiêu để "nghỉ bán, xả hàng xách tay với giá cực sốc", chị đã bỏ 2 triệu đồng tiền thật để mua một mớ hàng giả.: "Gần đây trong nhiều hội nhóm, diễn đàn hàng xách tay xả đồ với lý do nghỉ bán do lệnh phạt mới. Thấy vậy, tôi nhẹ dạ cả tin, bỏ ra 2 triệu đồng để mua đồ. Nào ngờ khi nhận hàng, mở ra mới thấy một nửa trong số đó là hàng giả, gọi điện khiếu nại thì đầu dây bên kia tắt máy" - chị buồn rầu nói.

Trên không gian mạng, để lọt qua khâu kiểm duyệt của Facebook và cơ quan chức năng, nhiều người bán hàng xách tay "bật mí" cách viết trại, thêm các dấu vào tên thương hiệu. Chẳng hạn Lacoste thành Lascot_e... đồng thời làm mờ, lấy vật che logo hàng chính hãng. Ngoài ra, giải pháp "chuyển hộ khẩu" hàng xách tay bán từ cửa hàng về trữ và bán tại nhà, tăng bán hàng online... cũng được một số dân chuyên bán hàng xách tay cho biết sẽ áp dụng.

Không dễ xử lý tận gốc.


Ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định việc nâng khung xử phạt theo Nghị định mới là cần thiết, nhằm tăng cường tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, việc xử phạt hiện còn gặp khó. Đa số người bán là cá nhân kinh doanh nghề tay trái, kho hàng ngay trong nhà, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi muốn kiểm tra hàng hóa. Đặc biệt, môi trường kinh doanh chủ yếu là online, với mức độ phân tán cao, nên không dễ kiểm soát triệt để.

`Dân buôn hàng xách tay` rủ nhau lách luật - ảnh 3

Hàng xách tay không có giấy tờ bị quy định là hàng nhập lậu và bị xử phạt rất nặng

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng, sở dĩ hàng xách tay có đất sống vì người tiêu dùng tâm lý thích hàng ngoại. Hàng xách tay nếu chỉ sử dụng thì không sao, nhưng khi đã đem buôn bán thì phải có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc… Nếu không chứng minh được thì đó là hàng lậu

Theo luật sư Hưng, hàng xách tay hiện nay được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử. Mà hình thức này muốn truy bắt, xử phạt là… vô phương. Cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm. Do đó, nhiều người bán hàng lậu online tiền tỷ mỗi tháng nhưng lại không đóng thuế. Không ai giàu nhờ bán hàng xách tay cả, mà là bán hàng lậu. Muốn quản lý tốt hàng lậu, phải siết từ hàng được tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, qua cửa khẩu chính... và vai trò của chính quyền địa phương, của con người chứ không phải chờ khi hàng đã vào Việt Nam rồi, trưng bày lên kệ bán mới đến phạt. Do đó, tăng mức xử phạt chỉ là một trong những giải pháp, phải quản từ gốc

Luật sư Trần Hải Ðức - Trưởng Văn phòng luật sư Trần Hải Ðức cho biết, việc tăng chế tài xử phạt chỉ là xử lý bề nổi của vấn đề. Việc chống hàng gian, hàng giả, hàng lậu chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện các biện pháp mang tính đồng bộ, quan trọng nhất từ lực lượng thực thi nhiệm vụ, phải ngăn chặn sự xâm nhập của hàng gian, hang giả, hàng nhập lậu từ khâu kiểm soát tại biên giới, tránh thâm nhập vào thị trường nội địa, lúc đó, việc chống lại chỉ mang tính đối phó.

Vì lợi nhuận “khủng”, nên kinh doanh hàng xách tay trở nên rất phổ biến trong thời gian qua. Tuy nhiên, cùng với đó, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm diễn ra tràn lan, dẫn đến người tiêu dùng bị lừa, mua phải hàng lậu được gắn mác “hàng xách tay”.