Đang thanh tra hai ngân hàng và 4 DN kinh doanh vàng, sẽ xử lý nghiêm các vi phạm
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có câu trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về việc tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
NHNN cho biết trong thời gian qua, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, lập đỉnh lịch sử vào ngày 26/9/2024 ở mức 2.700 USD/ounce.Giá vàng miếng trong nước tăng và chênh lệch ở mức cao so với giá vàng quốc tế. Mức chênh lệch từ khoảng 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014 - 2021 đã tăng cao sau đó và có lúc lên tới 18 triệu đồng/lượng. Điều này có nguy cơ tác động đến tâm lý xã hội về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, NHNN đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Với những giải pháp đó, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể (ngày 25/9/2024, chênh lệch khoảng 4 triệu đồng/lượng).
Trong thời gian tới, NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra đối với hai tổ chức tín dụng (TCTD) và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch. Kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự (nếu có).
Trước đó vào ngày 23/5, NHNN cho biết sẽ thực hiện thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng tại 4 đơn vị gồm: TPBank, Eximbank, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu.
Nội dung thanh tra bao gồm chấp hành quy định về kinh doanh vàng; phòng, chống rửa tiền; chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn. Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024, khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên.
Ngày 2/10, PNJ cho biết đã nhận được quyết định của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với số tiền là 1,34 tỷ đồng.
PNJ bị xử phạt do ban hành quy định nội bộ, các thực hành phân loại khách hàng theo rủi ro, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đủ chặt chẽ và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền và có một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.
PNJ cho biết công ty đã chấp hành nghiêm chỉnh đầy đủ các quyết định của Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng và đã tự nguyện, chủ động khắc phục các thiếu sót và hậu quả.
Ngoài các biện pháp nêu trên, NHNN cũng cho biết đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24 trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.